Triết lý đạo đức tạo dựng vị thế doanh nghiệp
Đạo đức doanh nhân, doanh nghiệp không thể tách rời với văn hóa truyền thống của dân tộc.
Thậm chí, đặc trưng văn hóa dân tộc nếu được các doanh nhân, doanh nghiệp biến thành một triết lý và vận dụng vào hoạt động của doanh nghiệp còn mang tới những hiệu quả lớn lao.
GS.TS Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo – ĐH QGHN chia sẻ về văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp.
GS.TS Vũ Minh Giang lấy ví như người Nhật Bản và đặt câu hỏi: “Vì sao họ phát triển mạnh như vậy?” Bởi họ đưa văn hóa của họ vào hoạt động kinh doanh và biến doanh nghiệp như gia đình thứ hai của mỗi thành viên.
Họ chăm sóc các thành viên của mình như chăm sóc các thành viên trong gia đình. Có chế độ cho con cái của nhân viên cho tới khi 18 tuổi và sau đó còn hỗ trợ tạo công ăn việc làm.
“Không ai lại khước từ, không ai lại không mơ ước một chế độ như vậy và họ một lòng tận tâm với công việc mà không cần biết ông chủ của mình đối với mình thế nào”, GS.TS Vũ Minh Giang nói.
Còn người Hàn Quốc đã biến chữ “Dũng” của dân tộc thành triết lý kinh doanh của họ và họ sẵn sàng tiếp cận, tấn công, chinh phục thị trường họ nhắm tới và họ thành công.
Với hai ví dụ nói trên đã thấy các nước bạn đã biến văn hóa thành lợi thế, thành nguồn lực. Còn người Việt Nam ta thì sao? Theo GS.TS Vũ Minh Giang, với bao cuộc chiến tranh người Việt Nam trở nên bất khuất hơn bao giờ hết và câu nói cửa miệng là “ngẩng đầu lên”.
“Vậy sao chúng ta lại không thể biến đặc trưng văn hóa của dân tộc mình trở thành một thế mạnh, một lợi thế, một nguồn lực để đưa vào triết lý kinh doanh và để có được thành công như các nước bạn?”, GS.TS Vũ Minh Giang bày tỏ.
Qua đó cho thấy, doanh nghiệp Việt cần phải học hỏi nhiều hơn nữa để tự xây dựng vị trí, vị thế doanh nghiệp, từng bước ghi tên thương hiệu trên thị trường quốc tế. Doanh nhân, doanh nghiệp Việt cần biến tất cả những gì Việt Nam có thành lợi thế cạnh tranh quốc tế.
Bổ sung vào khái niệm thế nào là văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp và cách xây dựng văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp GS.TS Vũ Minh Giang cho biết, văn hóa doanh nghiệp nói từ thời kỳ 4.0 là tất cả những gì văn hóa tạo ra và hoạt động kinh doanh chính là một thành tố văn hóa, tạo ra những giá trị cho cộng đồng, tạo ra quan hệ, tạo ra của cải vật chất, tạo ra luật chơi…
Còn ứng xử chỉ là câu chuyện nhỏ thuộc về văn hóa doanh nhân. Nếu chúng ta không chỉ rõ được thế nào là văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp thì khái niệm đó cứ “lởn vởn” tạo ra nhiều vấn đề.
“Chúng ta cần phải thoát những cách nghĩ truyền thống khi bàn về câu chuyện văn hóa doanh nghiệp được thừa kế như thế nào từ mạch nguồn văn hóa dân tộc và phát triển như thế nào trong thời kì văn hóa hội nhập. Cách nghĩ truyền thống là khái niệm doanh nghiệp và văn hóa được cùng định nghĩa. Tức là doanh nghiệp là hoạt động sinh lời, là việc kinh doanh. Và đôi khi ta hiểu văn hóa trong doanh nghiệp thì nó làm cho hoạt động này văn hóa hơn”, GS.TS Vũ Minh Giang nhấn mạnh.
|
Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp