Triển vọng ngành xây dựng năm 2022: Lạc quan trong thận trọng
Theo nhận định của các chuyên gia, điểm nhấn trong triển vọng ngành xây dựng năm 2022 là sự khả quan một cách thận trọng.
Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi lĩnh vực trong nền kinh tế, trong đó có ngành xây dựng, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà thầu, xây lắp. Tuy nhiên, với sự điều hành linh hoạt của Chính phủ các doanh nghiệp xây dựng đã vượt qua đại dịch Covid-19 tương đối thành công.
Doanh nghiệp xây dựng “thắng kép”
Theo số liệu được Bộ Xây dựng công bố tại Hội nghị tổng kết năm 2021 thì cả năm giá trị tăng thêm của ngành Xây dựng ước tính tăng 0,2 – 0,5% so với năm 2020; chỉ số giá xây dựng tăng 4,34% so với năm 2020.
Đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng nhà thầu, theo SSI Research, trong năm 2021, mặc dù thị trường nhà ở tại Hà Nội và TP. HCM chứng kiến sự sụt giảm nguồn cung mới và các căn hộ bán được trong năm 2021, giá trị hợp đồng ký mới của một số công ty xây dựng trong năm 2021 lại tăng trưởng khá bất ngờ.
Dựa trên nguồn tổng hợp dữ liệu của CBRE và Savills, lượng nguồn cung mới và căn hộ bán được trong năm 2021 có thể giảm từ 7% -13% so với cùng kỳ chủ yếu do giãn cách xã hội trong Q3/2021. Trong khi đó, trong năm 2021, 2 doanh nghiệp xây dựng lớn là Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) và Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC) đã ghi nhận khoảng 25 nghìn tỷ đồng và 18 nghìn tỷ đồng giá trị ký mới, lần lượt cao gấp 3,6 lần và 2 lần so với năm 2020.
Theo nhận định của SSI Research, giá trị hợp đồng mới tăng trong năm 2021 nói trên của HBC và CTD một phần có thể là do bị trì hoãn từ năm 2020 do dịch COVID-19.
Không chỉ vượt bão COVID-19 trong năm 2021 thành công khi duy trì doanh thu và lợi nhuận, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của các doanh nghiệp xây dựng cũng có diễn biến hết sức tích cực.
Theo thống kế của SSI Research, các doanh nghiệp ngành Xây dựng ghi nhận mức tăng trưởng thị giá đến 58% trong năm 2021. Các doanh nghiệp có cổ phiếu ghi nhận mức biến động tốt nhất bao gồm Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros – ROS (+390%); Tập đoàn xây dựng Hòa Bình – HBC (+86%); Công ty Cổ phần Tasco – HUT (+352%); Công ty CP FECON – FCN (+122%); Công ty CP Đạt Phương – DPG (220%).
Nếu loại trừ các cổ phiều như ROS, HUT thì ngành xây dựng trong năm 2021 đạt mức tăng 28%. Theo SSI Research, kết quả khả quan này phản ánh một phần kỳ vọng lợi nhuận phục hồi của các doanh nghiệp xây dựng trong năm 2022.
Triển vọng cho các doanh nghiệp xây dựng
Phân tích bối cảnh tạo ra triển vọng cho các doanh nghiệp xây dựng trong năm 2022, các chuyên gia tại SSI Research nhận định việc sửa đổi các Luật liên quan đến thị trường bất động sản sẽ là biến số quan trọng.
Cụ thể, Luật Đất đai 2013 có thể sẽ được xúc tiến sửa đổi trong năm 2022 để hoàn thành vào tháng 5/2023 như dự kiến sẽ có thể đưa ra quy định cụ thể về hệ số đền bù giá đất nhằm giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng vốn là điểm vướng của nhiều dự án BĐS hiện nay.
Bên cạnh đó, việc xem xét sửa đổi, bổ sung quy định trong Luật Nhà ở 2014 về việc công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với chù đầu tư có quyền sử dụng đất 100% là đất nông nghiệp hoặc đất phi nông nghiệp không phải là đất ở. Nếu được thông qua sẽ có hàng loạt dự án bất động sản được khởi động, tạo ra khối lượng việc làm rất lớn cho các doanh nghiệp xây dựng.
Đối với triển vọng doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp xây dựng trong năm 2022, SSI Research nhận định việc giá trị hợp đồng ký kết chưa thực hiện (backlog) cuối năm 2021 có thể đảm bảo doanh số xây dựng phục hồi.
Cụ thể, đối với 2 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) và Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC) trong năm 2021, có giá trị hợp đồng mới tương ứng khoảng 25 nghìn tỷ đồng và 18 nghìn tỷ đồng, gấp 2 lần so với năm 2020.
Với giá trị hợp đồng mới, cả CTD và HBC đều ghi nhận backlog cuối năm 2021 tăng mạnh, CTD đạt 25 nghìn tỷ đồng (gấp 2,7 lần so với cùng kỳ) và HBC đạt 21,4 nghìn tỷ đồng (tăng 65% so với cùng kỳ).
Bên cạnh đó, cũng theo nhận định của SSI Research, việc giá thép xây dựng điều chỉnh giảm trong năm 2022 có thể giúp cải thiện biên lợi nhuận cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực thầu xây dựng.
Chia sẻ quan điểm tích cực về triển vọng trong hoạt động của các doanh nghiệp xây dựng, chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho rằng thị trường bất động sản “nóng” trở lại chắc chắn sẽ kéo theo sự hồi phục mạnh mẽ từ các nhóm ngành cung ứng như vật liệu xây dựng, xây lắp thi công, đồng thời góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển. Để đáp ứng nguồn cung ra thị trường, các doanh nghiệp bất động sản cần đẩy nhanh tốc độ xây dựng, các doanh nghiệp xây dựng cũng sẽ là một mắt xích quan trọng trong chiến lược đó, ông Hiệp nhận định.
Bên cạnh đó, việc Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công cùng những gói hỗ trợ về phục hồi kinh tế, đặc biệt GDP được dự báo tăng 6,5% – 7% trong năm 2022 không chỉ tạo cơ hội cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực bất động sản mà còn cả những công trình khác về hạ tầng kỹ thuật, văn hoá, xã hội,… Do đó, ngành xây dựng nói chung, vật liệu xây dựng nói riêng sẽ có cơ hội phát triển rất tốt trong năm 2022.
Theo Chủ tịch VACC, hiện nay, doanh nghiệp nhà thầu trong ngành xây dựng đang rất sẵn sàng và chuẩn bị nguồn lực thật tốt để nhanh chóng quay trở lại thị trường trong thời gian tới.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn