Triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh với 13 tỉnh, thành Tây Nam Bộ

Chiều 19/4, tại Đồng Tháp, Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” (Ban Tổ chức 248) phối hợp với Bộ VHTT&DL, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh (VHKD) Việt Nam đối với 13 tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ.

Bộ tiêu chí sau khi hoàn thành đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành làm căn cứ cho việc xét công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn VHKD Việt Nam”. Đồng Tháp là tỉnh đầu tiên được lựa chọn là nơi tổ chức Hội nghị đầu tiên để triển khai Bộ tiêu chí VHKD Việt Nam tại khu vực Tây Nam Bộ.

Triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh với 13 tỉnh, thành Tây Nam Bộ

Ông Hồ Anh Tuấn – Trưởng Ban Tổ chức 248 và ông Đoàn Tấn Bửu – Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp, đồng chủ trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Hồ Anh Tuấn – Trưởng Ban Tổ chức 248 cho biết: Bộ tiêu chí VHKD Việt Nam là bộ chuẩn mực đầu tiên về VHKDđược Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện, các bộ, ban, ngành trung ương gia tham gia xây dựng, có sự đóng góp tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của các nhà quản lý, chuyên gia , các nhà khoa học, các doanh nghiệp (DN), doanh nhân và báo chí truyền thông…

Theo ông Tuấn, xây dựng văn hóa DN là nền tảng phát triển bền vững, là lợi thế cạnh tranh của DN, là linh hồn của thương hiệu và là tài sản vô giá của DN. Chính vì vậy, Thủ tướng chính phủ tại Lễ phát động Cuộc vận động Xây dựng văn hóa DN Việt Nam đã khẳng định “Văn hóa DN không chỉ là hình ảnh của DN mà còn là hình ảnh của quốc gia”.

Triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh với 13 tỉnh, thành Tây Nam Bộ

Ông Hồ Anh Tuấn – Trưởng Ban Tổ chức 248 phát biểu khai mạc hội nghị.

Bộ tiêu chí gồm có 2 phần với 16 tiêu chí cụ thể và 40 chỉ số đánh giá, đo lường. Trong mỗi nhóm tiêu chí có các tiêu chí cụ thể và các chỉ số đánh giá, đo lường kèm theo. Phần 1 là các điều kiện bắt buộc DN phải vượt qua các điều kiện này mới được xét tiếp ở vòng sau, gồm: Không buôn lậu, không trốn thuế; không sản xuất, kinh doanh hàng giả, sản phẩm độc hại; không nợ lương và bảo hiểm xã hội của người lao động; không lừa đảo, lợi dụng hoặc làm hại các tổ chức, cá nhân khác; không vi phạm pháp luật. Phần 2 là các tiêu chí đánh giá gồm 5 nhóm tiêu chí: Lãnh đạo DN phát triển bền vững, xây dựng và thực thi văn hóa DN; thượng tôn pháp luật; đạo đức kinh doanh; trách nhiệm xã hội.

Cụ thể, 16 tiêu chí gồm: Định hướng phát triển bền vững; hệ thống quản lý; tư duy và năng lực đổi mới sáng tạo, khả năng thích ứng với môi trường kinh doanh; bộ máy tổ chức và nguồn nhân lực; sự đồng thuận và làm gương của Ban lãnh đạo; hệ thống truyền thông và thương hiệu; chính sách phúc lợi dành cho người lao động; sự gắn kết của đội ngũ; quản trị tri thức trong DN; tuân thủ quy định của pháp luật, chính sách an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp; công bằng và cạnh tranh lành mạnh; uy tín trong kinh doanh; bảo vệ môi trường; hoạt động xã hội; đối xử bình đẳng.

Tại Hội nghị, GS.TS Từ Thị Loan – Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa DN Việt Nam cũng giới thiệu Quy chế xét, công nhận “DN đạt chuẩn VHKD Việt Nam”.

Theo đó, Quy chế xét, công nhận “DN đạt chuẩn VHKD Việt Nam” gồm có 6 chương và 14 điều. Nội dung 6 chương tập trung vào các vấn đề chính như: Những quy định chung; các tiêu chuẩn; hình thức, thời gian tôn vinh và cơ quan công nhận; trình tự đăng ký, xét duyệt và công nhận, yêu cầu về hồ sơ đăng ký tham gia; quyền lợi và quy định xử lý vi phạm; các điều khoản thi hành.

Đây là hình thức tôn vinh và công nhận các DN đã áp dụng, thực thi VHKD đáp ứng các chuẩn mực, tiêu chí VHKD Việt Nam; biểu dương khen thưởng các DN có thành tích xuất sắc hưởng ứng Cuộc vận động Xây dựng văn hóa DN Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động; thúc đẩy việc xây dựng VHKD của cộng đồng DN Việt Nam ở trong và ngoài nước; từng bước hình thành những đặc trưng tiêu biểu của VHKD Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Việc công nhận “DN đạt chuẩn VHKD Việt Nam” được thực hiện trên phạm vi cả nước và áp dụng cho đối tượng là các DN có tư cách pháp nhân thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật Việt Nam; DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; DN của người Việt Nam ở nước ngoài. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến trình tự, thủ tục xét và công nhận “DN đạt chuẩn VHKD Việt Nam”.

Triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh với 13 tỉnh, thành Tây Nam Bộ

Ông Đoàn Tấn Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại hội nghị.

Ông Đoàn Tấn Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng: Văn hóa DN là tài sản vô hình, góp phần tạo nên sức mạnh lớn lao của DN. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng văn hóa DN còn góp phần quan trọng trong việc tạo dựng thương hiệu, thu hút và giữ chân người tài, hướng đến sự phát triển bền vững cho DN.

Theo ông Bửu, với tầm quan trọng như vậy, Đồng Tháp luôn quan tâm đến việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN xây dựng và hình thành văn hóa trong kinh doanh thông qua các hoạt động truyền thông, các lớp tập huấn về văn hoá DN và tạo dựng thương hiệu. Kết quả, qua 5 năm triển khai Cuộc vận động “Xây dựng VHDN Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã đạt được những kết quả tích cực. Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, DN đạt chuẩn văn hóa diễn ra sôi nổi. Qua các năm, danh hiệu này luôn đạt tỷ lệ cao, trung bình trên 96%. Các cơ quan, đơn vị, DN văn hóa luôn nâng cao kỷ cương, nề nếp, phát huy dân chủ ở cơ sở; xây dựng môi trường làm việc theo hướng văn minh, hiện đại, chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của công nhân trong các khu, cụm công nghiệp.

“Với 16 tiêu chí cụ thể và 40 chỉ số đánh giá rất khoa học, tôi tin tưởng rằng Bộ Tiêu chí này sẽ phát huy hiệu quả thiết thực khi triển khai trong cộng đồng DN cả nước nói chung, khu vực Tây Nam Bộ nói riêng. Ngay sau hội nghị này, UBND tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành chuyên môn triển khai rộng rãi Bộ tiêu chí VHKDViệt Nam và Quy chế xét, công nhận “DN đạt chuẩn VHKDViệt Nam”, ông Bửu khẳng định.

Tại Hội nghị, Ban Tổ chức 248 và Lãnh đạo UBND 13 tỉnh, thành phố tại khu vực Tây Nam Bộ tiến hành ký kết Chương trình phối hợp triển khai Bộ tiêu chí VHKD Việt Nam.

Đồng thời, Ban tổ chức Hội nghị cũng đã giới thiệu 10 doanh nghiệp đạt chuẩn VHKD Việt Nam được công nhận năm 2021, chia sẻ chuyên đề Triết lý “Win – Win” trong VHKD và tổ chức tọa đàm “Văn hóa kinh doanh – Nền tảng của phát triển bền vững”.

Theo Thái Cường (Doanh nghiệp Việt Nam)

Bài Viết Liên Quan

Back to top button