Tránh “bẫy lừa” huy động vốn
Thời gian qua, dù đã có nhiều bài học nhãn tiền về hành vi lừa đảo huy động vốn, kêu gọi đầu tư, thậm chí cơ quan chức năng đã cảnh báo từ rất sớm, song, hàng nghìn người vẫn dễ dàng “sập bẫy”…
Điển hình là trường hợp của “trùm” lừa đảo Vũ Thị Thúy – CEO Công ty BĐS Nhật Nam với chiêu trò huy động vốn trả lãi “khủng” núp danh nghĩa “hợp tác đầu tư”. Hay hàng loạt các trường hợp huy động vốn có dấu hiệu lừa đảo mà cơ quan công an đã và đang vào cuộc xác minh làm rõ như việc huy động vốn vào dự án trồng Sâm Ngọc Linh của Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh; trường hợp huy động vốn hàng nghìn tỉ đồng của Công ty Cổ phần Tập đoàn Sen Tài Thu Việt Nam…
Phân tích từ các vụ án này, các chuyên gia cho biết hầu hết đều có một điểm chung là các đối tượng tội phạm sử dụng những thủ đoạn tinh vi, bài bản nhằm đánh vào sự nhẹ dạ, lòng tham của nhà đầu tư về lãi suất “khủng” để kêu gọi đầu tư sau đó chiếm đoạt tiền.
Là một luật sư từng hỗ trợ nhiều nạn nhân trong các vụ lừa đảo tương tự, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Lee và Cộng sự cho biết những chiêu thức, thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo thường áp dụng là vẽ ra các dự án ảo với quy mô hoành tráng. Cụ thể, theo luật sư Nhung, đầu tiên để thu hút nhà đầu tư quan tâm các đối tượng thường vẽ ra các dự án đầu tư lớn, gắn với các phương thức kinh doanh, đầu tư có yếu tố công nghệ, hệ sinh thái phủ rộng khắp các lĩnh vực, nhưng thực chất không có hoạt động kinh doanh gì.
Tiếp đó, để nhà đầu tư xuống tiền các đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, đánh vào lòng tham của nhiều người, đưa ra cam kết lợi nhuận khủng từ 20-30 %, có những trường hợp lên đến 50 -70% năm hoặc đưa ra các chương trình ưu đãi, khuyến mại, kích cầu với các quà tặng có giá trị lớn…
Đáng chú ý theo luật sư Nhung, các cam kết này chỉ là hứa hẹn, chứ không hề có bất cứ biện pháp đảm bảo thực hiện như thế chấp tài sản, bảo lãnh ngân hàng. Thậm chí, trong thời gian đầu các đối tượng trả lãi, trả lợi nhuận đầy đủ sau đó liên tục “khất lần” mà không thực hiện thực hiện cam kết. Thực chất, các đối tượng lừa đảo thường lấy tiền của người sau trả cho người trước.
“Đây là những chiêu trò khá phổ biến mà các đối tượng khiến cho nhà đầu tư tin tưởng, nhằm mục đích lôi kéo nhà đầu ký kết hợp đồng”, luật sư Nhung phân tích.
Cũng theo luật sư Nhung, để tạo được lòng tin, các đối tượng thường đăng ký các doanh nghiệp có vốn điều lệ rất lớn, mời những người nổi tiếng, có ảnh hưởng đối với giới trẻ về khởi nghiệp, đầu tư để làm diễn giả trong các hội nghị khách hàng, hội nghị hoa hồng, sự kiện lớn của công ty; đồng thời sử dụng các trang mạng, báo điện tử quảng cáo mạnh mẽ, dùng tiền để tài trợ, mua giải thưởng,… vẽ ra những mục tiêu rất lớn, thậm chí có cả kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế danh tiếng, đưa ra những hình ảnh về người đi trước thành công…
“Cuối cùng để qua mắt sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, các đối tượng thường lợi dụng sự lỏng lẻo của pháp luật, sử dụng các hình thức ký hợp đồng uỷ thác đầu tư hay hợp đồng hợp tác đầu tư… nhằm gây khó khăn trong quá trình giám sát, xác minh làm rõ dấu hiệu vi phạm của cơ quan chức năng”, luật sư Lê Thị Nhung chia sẻ.
Cũng trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp về giải pháp để tránh “bẫy lừa” huy động vốn, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho rằng, hoạt động đầu tư, tìm kiếm lợi nhuận là nhu cầu của mỗi cá nhân, việc góp vốn đầu tư vào bất kỳ ngành nghề, lĩnh vực nào không bị pháp luật nghiêm cấm là quyền lựa chọn của nhà đầu tư. Tuy nhiên, để tránh mắc vào những “cạm bẫy” đã giăng sẵn, vị luật sư cho rằng, nhà đầu tư cần tỉnh táo, thận trọng, cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định góp vốn vào bất cứ doanh nghiệp, tổ chức nào…
Trong đó, theo luật sư Biên, nhà đầu tư đặc biệt lưu ý 3 vấn đề: Thứ nhất, trước khi tham gia góp vốn đầu tư nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thông tin về các dự án đầu tư, các tổ chức huy động vốn, các giấy tờ pháp lý như giấy phép thành lập và hoạt động, ngành nghề kinh doanh,… nhờ chuyên gia kiểm tra pháp lý, đánh giá những rủi ro để quyết định đầu tư.
Thứ hai, cần phải kiểm chứng thông tin công ty quảng cáo và đặc biệt cảnh giác trước mọi lời cam kết trả lợi nhuận “siêu cao”, trả thưởng “khủng” so với thị trường. bởi các chuyên gia kinh tế trao đổi trên báo báo chí từng nhiều lần khẳng định: những công ty đưa ra lãi suất khủng 34 – 46%, thậm chí 70 – 80% chắc chắn là “mồi bả chuột” để kêu gọi các nhà đầu tư.
Thứ ba, có những biện pháp theo dõi, giám sát, kiểm chứng mục đích sử dụng của nguồn tiền đã góp vốn.
“Đặc biệt, điều quan trọng là phải nhận diện và nắm rõ các thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo thường sử dụng, điều này có ý nghĩa rất quan trọng, giúp các nhà đầu tư có thể tránh sập bẫy lừa huy động vốn trái pháp luật vào đầu tư tài chính, tiền ảo, dự án bất động sản ma…”, luật sư Nguyễn Đức Biên chia sẻ.