Trái ngọt từ “ngoại giao vaccine”
Từ một nước vùng trũng về vaccine, đến nay Việt Nam đã trở thành nước có độ phủ vaccine lớn. Đó là nhờ vào chiến lược “ngoại giao vaccine” tài tình của những người đứng đầu đất nước.
Ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát, vaccine được xem là vũ khí hiệu quả nhất để chống lại COVID-19. Thế nhưng các khoản quyên góp vaccine theo cơ chế COVAX dù hào phóng đến đâu cũng không thể đáp ứng nhu cầu của toàn cầu ngay lập tức được.
Đặc biệt, trong nửa đầu năm 2021, Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp do chúng ta kiểm soát tốt dịch bệnh nên không được ưu tiên phân phối vaccine. Trong khi giữa các nước hiện nay đang có cuộc đua tranh khốc liệt để giành lấy được nguồn vaccine về nước mình.
Cho đến khi đợt bùng phát dịch thứ 4 lan rộng và gây ra những hậu quả lớn đến mọi mặt đời sống xã hội. Tư duy chống dịch của chúng ta hoàn toàn thay đổi, trong đó “ngoại giao vaccine” được xác định như một mặt trận quan trọng. Việt Nam phải cố gắng hết sức để có vaccine ngừa COVID-19 sớm nhất, không thể bị “bỏ lại phía sau” trong cuộc chạy đua này.
Mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh ở trong nước và trên thế giới diễn biến phức tạp, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội vẫn nỗ lực thực hiện các chuyến thăm chính thức, các chuyến công tác, điện đàm… với mục tiêu mang về vaccine nhanh chóng, kịp thời.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và đặc biệt là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tham gia trực tiếp rất quyết liệt, không câu nệ hình thức, ngoại giao song phương hay đa phương, điện đàm hay viết thư cho lãnh đạo các nước, lãnh đạo các nước, lãnh đạo các tổ chức quốc tế như WHO, các doanh nghiệp sản xuất vaccine… Tính tới nay, lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, các đại sứ Việt Nam tại các nước đã thực hiện hàng trăm cuộc làm việc, trao đổi, tranh thủ tiếp cận các nguồn vaccine từ các quốc gia.
Dõi theo hành trình chống dịch của Việt Nam sẽ thấy những người đứng đầu đất nước đã không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào trong việc kết nối để tiếp cận nguồn vaccine khi thực hiện chiến lược “ngoại giao vaccine” như “một con thoi”.
Mỗi cuộc gặp gỡ, mỗi cuộc điện đàm là được xem như một cơ hội, sử dụng chiến thuật ngoại giao khôn khéo để mang về từng liều vaccine cho người dân. Trong thời điểm nguồn cung vaccine đang khan hiếm toàn cầu, dù là được viện trợ hay mua được, thì việc mang được từng liều vaccine về Việt Nam là công sức rất lớn của các vị lãnh đạo tối cao nước nhà.
Với những nỗ lực không mệt mỏi ấy, cuối cùng chúng ta đã đã thu về “trái ngọt”. Báo cáo của Chính phủ cho biết đến nay, Việt Nam đã đạt trên 70% dân số được tiêm đủ liều cơ bản vaccine phòng COVID-19, so với mục tiêu WHO khuyến cáo, Việt Nam đã về đích trước 6 tháng. Dự kiến Việt Nam sẽ hoàn thành tiêm phủ mũi 3 vào cuối quý I/2022.
Kết quả đó đưa Việt Nam trở thành một trong những nước tiêm chủng nhanh nhất trên thế giới. Như lời của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vaccine tiêm chủng nhiều nhất, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia) và đứng thứ 7 trong Châu Á và là một trong nhóm 3 nước có tốc độ tiêm nhanh nhất thế giới tính theo số liều tiêm theo ngày và theo tuần”.
Vâng! Những con số hàng trăm nghìn, hàng triệu liều vaccine vận động được của từng đợt tiếp nhận dường như biết nói. Đó là minh chứng cho nỗ lực triển khai chiến lược “ngoại giao vaccine” rất quyết liệt, bài bản ở các cấp, đặc biệt ở cấp cao.
Mục đích của những hành động này không phải là phục vụ lợi ích cá nhân mà là để bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của toàn thể người dân Việt Nam. Để có thể bảo vệ đồng bào, những người đứng đầu đất nước có thể làm mọi việc, miễn là không đi ngược lại pháp luật quốc tế và đạo đức con người.
Mặt khác, “trái ngọt” mang tên vaccine kia đã khẳng định các đường lối, chiến lược, sách lược khống chế dịch của Đảng, Chính phủ Nhà nước Việt Nam rất hiệu quả vì họ thực sự coi sức khỏe của nhân dân là quan trọng nhất, là trước hết, trên hết. Bảo đảm cho mọi người dân đều được ủng hộ quỹ vaccine, đều được hướng dẫn bảo vệ sức khỏe, được tiếp cận vaccine và được hướng dẫn lựa chọn, đăng ký tiêm vaccine bình đẳng và thuận tiện.
Cũng từ kết quả tích cực bước đầu mà chúng ta đạt được nói trên đã phần nào cho thấy uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như mạng lưới quan hệ rộng mở với bạn bè khắp các châu lục ngày một tăng cao. Đúng như Bác Hồ từng nói: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”.
Nói cách khác, đây chính là thành quả của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế mà Việt Nam đã nỗ lực triển khai trong những năm qua.
Dẫu biết, chặng đường vượt qua những thách thức của đại dịch COVID-19 và được đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng và phát triển kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn. Nhưng bằng các chiến dịch 5K + vaccine với quỹ vaccine ngày càng lớn mạnh cùng nỗ lực đẩy nhanh thực hiện chiến dịch tiêm chủng toàn dân, chúng ta có thể tin tưởng quyết tâm của Đảng, Chính phủ đạt mục tiêu khống chế COVID-19 và phát triển tăng trưởng kinh tế.
Có thể nói, từ một nước vùng trũng về vaccine, đến nay Việt Nam đã trở thành một nước có độ phủ vaccine lớn. Đó là nhờ vào tư duy “dĩ bất biến ứng vạn biến” và chiến lược “ngoại giao vaccine” tài tình của những người đứng đầu đất nước. Song song là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đóng góp của các bộ, ban ngành, địa phương.
Một điều chắc chắn rằng, trải qua những đợt dịch cam go này, tính cộng đồng và cố kết dân tộc của người Việt Nam sẽ càng lớn mạnh hơn, trưởng thành hơn, vững vàng hơn. Rõ ràng không ai đứng ngoài cuộc trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19. Chắc chắn Việt Nam sẽ chiến thắng!
Thiết nghĩ, nếu mọi việc lớn nhỏ của đất nước đều được thực hiện cùng một ý chí như vậy, thì chúng ta sẽ đạt được kết quả vượt bậc, tạo tác động lớn đến đời sống kinh tế – xã hội của đất nước, chẳng mấy chốc Việt Nam hùng cường.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn