Tour du lịch tâm linh, lễ hội sôi động
Thị trường du lịch Xuân 2024 nhộn nhịp với các tour tâm linh, lễ hội hấp dẫn. Năm nay ghi nhận sự lên ngôi của các tour du lịch tâm linh ngắn ngày với các đoàn khách đi theo nhóm gia đình, công ty.
Bắt đầu từ Tết Nguyên đán kéo dài đến hết tháng 2 âm lịch, nhiều lễ hội tưng bừng được tổ chức trên khắp mọi miền đất nước, là nét văn hóa tiêu biểu của người Việt. Đây cũng là dịp du lịch tâm linh sôi động. Các điểm du lịch tâm linh nổi tiếng được du khách lựa chọn là chùa Hương (Hà Nội), Đền Hùng (Phú Thọ), Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Bái Đính (Ninh Bình), Phủ Dầy (Nam Định), chùa Tam Chúc (Hà Nam), chùa Từ Đàm (Huế), miếu Bà chúa xứ (An Giang)…
Nắm bắt nhu cầu đó, ngay những ngày đầu năm mới Giáp Thìn, các doanh nghiệp lữ hành đã đồng loạt chào bán tour đi vãn cảnh chùa với mức giá từ vài trăm nghìn cho đến vài triệu đồng.
Theo khảo sát, một số tour du lịch gần Hà Nội và TP.HCM đi về trong ngày đang được nhiều du khách lựa chọn nhất.
Những bộ sản phẩm du lịch tâm linh, lễ hội xuân được nhiều hãng lữ hành xây dựng theo tiêu chí là các điểm đến được du khách yêu thích, lựa chọn trong các năm trước và có những hoạt động lễ hội đặc sắc để du khách trải nghiệm, tìm hiểu thêm về văn hóa, phong tục tập quán từng địa phương. Hiện, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã lên lịch trình và rao bán tour dẫn khách đi lễ chùa đầu năm trong ngày với chi phí từ vài trăm ngàn đồng đến 1 triệu đồng như: tour đi lễ chùa Tam Chúc và chùa Địa Tạng Phi lai tự (Hà Nam) vào thứ 7 và chủ nhật hằng tuần, đi về trong ngày có giá 550.000 đồng/người; tour đi lễ Yên Tử, chùa Đồng (Quảng Ninh) có giá 900.000 đồng/người; tour đi lễ Bái Đính, Tràng An (Ninh Bình) bao gồm vé tham quan và vé đi thuyền ngắm cảnh có giá 900.000 đồng/người; tour đi chùa Ba Vàng – Yên Tử – chùa Đồng bao gồm cáp treo, xe điện có giá 950.000 đồng/người; tour đi lễ Núi Bà Đen (Tây Ninh) khởi hành từ TP.HCM có giá 750.000 đồng/người…
Ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Vietfoot Travel, số lượng khách du xuân trong dịp Tết rải đều, riêng lượng khách khởi hành ngay sau Tết đông hơn, do giá vé máy bay sau Tết có nhiều ưu đãi.
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp lữ hành, việc nắm bắt xu hướng du lịch và nhu cầu của du khách để xúc tiến các thị trường khách phù hợp với sản phẩm; kết nối với các doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour đưa khách về lễ hội; tổ chức đa dạng các dịch vụ phục vụ khách khi về lễ hội… cũng là những yếu tố quan trọng “chắp cánh” cho du lịch lễ hội.
Cùng với đó, ông Phạm Duy Nghĩa cho rằng, để phát triển du lịch tâm linh, du lịch lễ hội, cần lựa chọn một vài lễ hội tiêu biểu, đặc sắc, giàu giá trị để đầu tư bài bản cả về nội dung, quy mô, thời gian tổ chức và kết nối với các điểm đến khác tại địa phương, hình thành các tour du lịch hoàn chỉnh cung cấp cho du khách. Các lễ hội này cần được lựa chọn căn cứ vào tầm quan trọng, tính chất của lễ hội, giá trị của di tích; đồng thời căn cứ vào thời gian diễn ra lễ hội, vào khả năng kết nối với các điểm đến trên địa bàn để hình thành các tour du lịch. Điều quan trọng là phải làm tốt công tác quảng bá đến với du khách.
Theo thống kê từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn (từ ngày 8/2 đến ngày 14/2), ngành du lịch cả nước ước đón và phục vụ 10,5 triệu lượt khách nội địa, trong đó có khoảng 3,5 triệu lượt khách lưu trú. Công suất phòng trung bình ước đạt từ 45-50% tại hệ thống cơ sở lưu trú du lịch.
Dịp Tết Nguyên đán 2024, TP.HCM đón 1,8 triệu lượt khách với doanh thu 6.550 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ 2023. Quảng Ninh đón 803.570 lượt tăng 56% so với cùng kỳ. Thủ đô Hà Nội đón 653.000 lượt doanh thu ước đạt 2.350 tỷ đồng. Đà Nẵng đón 402.000 lượt tăng 37% so với cùng kỳ, tổng thu đạt 1.580 tỷ đồng. Kiên Giang đón 270.230 lượt với doanh thu ước đạt 928 tỷ đồng.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn