Toshiba được cứu: “Viên ngọc quý” Nhật Bản có thể trở lại?
Toshiba, tập đoàn biểu tượng của nền công nghiệp Nhật Bản đang được giải cứu, nhưng liệu họ có thể trở lại thời kỳ hoàng kim của mình?
Ngoài tài trợ mua lại, các khoản vay bao gồm hạn mức tín dụng 200 tỷ yên được sử dụng làm vốn lưu động sau khi Toshiba chuyển sang tư nhân. Các ngân hàng cũng đang xem xét cử nhân sự để hỗ trợ quản lý công ty sau khi cổ phần hóa.
Nhưng, điều gì đã khiến một Toshiba lừng lẫy, từng là biểu tượng sự phát triển công nghệ của Nhật Bản lại phải vật lộn với hàng loạt khó khăn.
Sự sụp đổ của một biểu tượng
Toshiba ra đời từ năm 1875, công ty là một trong những động lực, thúc đẩy sự bùng nổ của Nhật Bản sau chiến tranh vào cuối những năm 1950 để đạt được tốc độ tăng trưởng cao và mở rộng danh mục các sản phẩm độc đáo và sáng tạo. Họ bắt đầu bán sản phẩm ra thị trường nước ngoài và tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh trên toàn cầu trong những thập kỷ tiếp theo.
Trong thập kỷ 80 và 90 của thế kỷ trước, chính phủ Nhật Bản đã cung cấp các khoản vay và trợ cấp giá rẻ cho công nghệ của đất nước phát triển, giúp các công ty Nhật Bản có thể thu được lợi nhuận to lớn. Trong thời gian này, Toshiba đã trở nên nổi bật.
Năm 1985, Toshiba bắt đầu sản xuất T1100, sản phẩm máy tính xách tay đầu tiên của công ty. Đây là máy tính xách tay tương thích với cấu hình phần cứng IBM đầu tiên trên thế giới. Dự án này được dẫn dắt bởi Atsutoshi Nishida và theo một số báo cáo, dự án này đã mở đường cho chiếc máy tính xách tay hiện đại đầu tiên được tung ra thị trường, khiến công ty càng trở nên có tiếng tăm.
Sau đó vài năm, công ty tiếp tục tạo được dấu ấn bằng cách phát minh ra một loại công nghệ mới khác. Lần này họ đã tạo ra ổ đĩa flash NAND, thành phần chính của tất cả các thiết bị phần cứng hiện đại, chúng là một phần thiết yếu của RAM và các thiết bị lưu trữ. Thiết bị này đã được sử dụng trong máy ảnh kỹ thuật số, máy nghe nhạc mp3, điện thoại thông minh và ổ USB flash. Mặc dù không nhận được nhiều phần thưởng cho sự sáng tạo của mình, nhưng Toshiba đã kiếm được những khoản lợi nhuận khổng lồ.
Trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, Toshiba đã trở thành một công ty lớn trong ngành sản xuất máy tính xách tay. Theo báo cáo, năm 2007, công ty này chiếm 17,8% tổng doanh số bán máy tính tại các cửa hàng bán lẻ ở Mỹ. Trong thời gian này, công ty cũng trở thành người dẫn đầu thị trường ổ đĩa flash NAND.
Mặc dù là người đi tiên phong trong lĩnh vực máy tính xách tay, TV và các mặt hàng điện tử gia dụng khác, nhưng Toshiba đã gặp nhiều vấn đề trong quản trị và bị cạnh tranh khốc liệt. Tập đoàn này dần đánh mất thị phần vào tay các công ty ở Trung Quốc và Hàn Quốc trong các ngành công nghiệp then chốt.
Đáp lại, Toshiba xoay trục sang các lĩnh vực kinh doanh khác, họ đổ tiền vào ngành năng lượng hạt nhân với kỳ vọng về sự bùng nổ sắp tới trong lĩnh vực này, bằng cách mua lại nhà sản xuất công nghệ hạt nhân Westinghouse của Mỹ với giá 5,4 tỷ USD vào năm 2006.
Nhưng, vụ bê bối trong phòng kế toán của Toshiba mới là “cọng rơm trên lưng lạc đà”, khiến thương hiệu đã từng có giá trị nhất Nhật Bản sụp đổ.
Vào tháng 5 năm 2015, Toshiba báo cáo rằng họ đang điều tra một vụ bê bối trong bộ phận kế toán. Giám đốc điều hành khi đó, Hisao Tanaka, người đã từ chức vào ngày 21 tháng 7 năm 2015 cho biết đây là vụ bê bối gây thiệt hại nặng nề nhất trong lịch sử hơn 140 năm của công ty.
Để làm hài lòng các cổ đông, CEO Atsutoshi Nishida (người tạo ra T1100) đã làm giả hồ sơ tài chính. Những mục tiêu ông ta đặt ra là hão huyền và không thể tưởng tượng được. Vì không thể đạt được con số mục tiêu, Atsutoshi Nishida bắt đầu làm giả sổ sách và khuyến khích cấp dưới của mình làm điều tương tự. Vụ bê bối đã làm nổi bật hàng loạt những vấn đề tồn tại trong công ty, khiến họ không thể đổi mới và phát triển công ty trong thời điểm khó khăn nhất.
Một báo cáo dài 334 trang đã được cung cấp sau khi hoàn thành cuộc điều tra. Sau báo cáo, công ty đã bị loại khỏi danh sách các công ty chứng khoán Tokyo tốt nhất tại Nhật Bản. Tháng 9 năm đó, cổ phiếu của công ty giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm rưỡi. Công ty đã buộc phải xoay sở để tìm thêm 300 tỷ yên (2,5 tỷ USD), chính số tiền này đã đẩy khoản nợ của công ty lên hơn một nghìn tỷ yên (khoảng 8,3 tỷ USD). Tám quan chức cấp cao và hai CEO tiền nhiệm cũng đã từ chức. Chủ tịch Masashi Muromachi được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành.
Sau khoảng thời gian này, cuộc xâu xé con mồi của các đối thủ trên cái tấm lưng đã chằng chịt vết thương của Toshiba bắt đầu. Vào tháng 10 năm 2015, Sony đã mua lại mảng kinh doanh cảm biến hình ảnh của Toshiba. Một năm sau, Toshiba buộc phải bán lại cho Cannon tập đoàn Health Systems của mình và tập đoàn Midea của Trung Quốc cũng đã ẵm trọn 80,1% cổ phần của công ty sản xuất và cung ứng hàng gia dụng Toshiba.
Liệu họ có thể trở lại?
Gần đây, Japan Industrial Partners (JIP), công ty dẫn đầu một tập đoàn mà Toshiba đã chỉ định là nhà thầu ưu tiên cho việc mua lại tiềm năng, đã được năm ngân hàng của Nhật Bản bao gồm cả Sumitomo Mitsui Banking Corp (SMBC) lên kế hoạch cho vay tổng cộng khoảng 1,4 nghìn tỷ yên để giúp quỹ này mua lại Toshiba.
Mặc dù quy mô tài chính phần lớn đã được thống nhất, nhưng các cuộc đàm phán giữa JIP và các ngân hàng vẫn tiếp tục, bao gồm cả việc cử các giám đốc điều hành ngân hàng tiềm năng tới Toshiba sau khi mua lại, để giúp tái cấu trúc cũng như các vấn đề về quản trị trong tương lai.
Có lẽ tương lai của Toshiba, biểu tượng một thời của nền công nghiệp Nhật Bản một thời, vẫn còn đang trong mờ mịt. Ngay cả khi họ được giải cứu bằng việc tái cấu trúc, việc trở lại vẫn là điều khó khăn khi lạm phát và suy thoái còn đang là bài toán khó giải với nhiều công ty toàn cầu.