Tọa đàm ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất kinh doanh
Vừa qua, tại 91 Trần Hưng Đạo đã diễn ra chương trình tọa đàm “Ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất kinh doanh” do Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội chủ trì phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme), Công ty Công nghệ CHAOYU Quảng Đông, Công ty cổ phần Quảng cáo và Hội chợ thương mại VINEXAD tổ chức.
Việc ứng dụng chuyển đổi số đã và đang là xu thế phát triển trong hiện tại lẫn tương lai của cả Việt Nam và thế giới. Do đó, tại Việt Nam các chương trình chuyển đổi số đang được các cấp chính quyền hết sức quan tâm và đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh.
Từ câu chuyện thực tế trong quá trình chuyển đổi số, các chuyên gia đã cùng nhau thảo luận và đưa ra các góc nhìn khi phân tích, đề xuất giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp và người dân có cái nhìn tổng quan hơn về chuyển đổi số.
Ông Hoàng Văn Ngọc – Nhà sáng lập KTS Group chia sẻ: “Chuyển đổi số là cơ hội vàng để đất nước và doanh nghiệp phát triển. Cần phải kết hợp chặt chẽ giữa Nhà nước doanh nghiệp và công nghệ. Để đem lại giá trị của chuyển đổi số làm giảm chi phí – tăng thị phần – tăng doanh thu – đúng xu thế – theo kịp thời đại. Vì vậy chuyển đổi không cần nhiều cơ sở vật chất mà cần thay đổi tư duy, chuyển đổi từ lãnh đạo cho tới các phòng ban, thay đổi để phù hợp chứ không cứng nhắc, đó mới chính là điều cần thiết”.
Bà Đinh Thị Thúy – Tổng giám đốc công ty MISA, Ủy viên Ban chấp hành doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, chuyển đổi số không chỉ là cài đặt những phần mềm trên điện thoại trên máy tính mà chuyển đổi số phải đáp ứng được tiêu chí ba không: Không giấy tờ tiêu biểu là chữ ký số; Không gặp mặt, có thể họp và giao việc trên phần mềm; Cuối cùng là không dùng tiền mặt. Ngoài ra khi tham gia vào chuyển đổi số sẽ không sử dụng phần mềm một cách rời rạc mà phải là một nền tảng được kết nối với nhau từ bên trong lẫn bên ngoài.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã trao đổi thẳng thắn về những vấn đề chủ đang gặp phải trong quá trình vận hành một doanh nghiệp thời kỳ chuyển đổi số. Từ đó, các chuyên gia phân tích và đưa ra những lợi thế như: dễ dàng tăng độ nhận diện thương hiệu, tinh gọn nhân sự, cắt giảm được chi phí, đạt được hiệu quả công việc cao,…Nhưng đồng thời đi kèm với đó cũng là những bất lợi như: thiếu nền tảng, công cụ chuyển đổi số, nhân sự không đủ khả năng và quan trọng nhất đó là tư duy không chịu thay đổi để tiếp thu những điều mới. Do đó rất cần những đơn vị đủ uy tín để đồng hành xuyên suốt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình chuyển đổi số.