Tín hiệu tích cực cho xuất khẩu cuối năm
Sau nửa đầu năm nhiều ảm đạm, những kết quả tích cực gần đây giúp hoạt động xuất khẩu của Việt Nam rút ngắn đà suy giảm so với cùng kỳ năm 2022. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 có thể đạt 350 tỷ USD.
Theo Tổng cục Hải quan, nếu như trong giai đoạn đầu năm, kim ngạch xuất khẩu có tháng chỉ đạt 24 – 25 tỷ USD, thì tháng 10/2023 đạt 32,25 tỷ USD, tăng 5,1% so với tháng 9/2023. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt mốc từ 30 tỷ USD/tháng trở lên.
Nếu như hết tháng 6, kim ngạch xuất khẩu cả nước mới đạt hơn 165 tỷ USD, (giảm 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái), thì đến hết tháng 10 kim ngạch đã lên 291,46 tỷ USD, chỉ còn giảm 7% so với cùng kỳ 2022. Đặc biệt, trong tháng 10 có 8 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.
Tín hiệu phục hồi kinh tế tích cực ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, vốn là hai đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam đang là động lực chính, giúp xuất khẩu khởi sắc. Bên cạnh đó, các biện pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ sản xuất trong nước, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu tiếp tục được triển khai mạnh mẽ nên hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục có những tín hiệu tích cực, đã lấy lại đà tăng trưởng trong tháng 10.
Theo Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), thời điểm khó khăn nhất của thị trường trong năm 2023 đã đi qua, thị trường hướng đến sự phục hồi tuy chậm nhưng chắc chắn. Mặc dù bối cảnh chung của thị trường dệt may và kinh tế thế giới vẫn đặt ra những thách thức cho xuất khẩu dệt may Việt Nam, nhưng đơn hàng bắt đầu dần quay trở lại trong những tháng cuối năm cho thấy tín hiệu tốt. Các yếu tố kinh tế trong nước như lãi suất cho vay giảm, tỷ giá VND/USD có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu dệt may nói riêng.
Điểm sáng của xuất khẩu dệt may ở thị trường Mỹ khi kim ngạch xuất khẩu tháng 9 tăng 2% so cùng kỳ năm trước, đạt 1,05 tỷ USD, VN vẫn duy trì vị trí nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 tại Mỹ với thị phần trên 18%. Mỹ là thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam, chiếm 40% – 45% thị phần xuất khẩu dệt may Việt Nam cũng có thêm động lực hỗ trợ tăng trưởng trong thời gian tới khi Việt Nam và Mỹ đã nâng tầng quan hệ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện sau khi ký kết Tuyên bố chung vào ngày 10/9/2023. Điều này hứa hẹn việc hợp tác cũng như phát triển thương mại giữa hai quốc gia trong đó có cả ngành dệt may.
Nếu như dệt may xác định thị trường chính là Mỹ, thì thủy sản lại có “cửa sáng” tại thị trường Trung Quốc. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), một số mặt hàng tăng mạnh XK sang thị trường Trung Quốc như tôm chân trắng, tôm sú, ruốc, cá hố, cá chỉ vàng, cá thu, cá đổng, cá nục, bạch tuộc, nghêu… Các địa phương tiêu thụ nhiều thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam là Quảng Đông, Trạm Giang, Quảng Tây, Phúc Kiến, Thượng Hải….
VASEP nhận định thị trường Trung Quốc có một số yếu tố thuận lợi, mang lại cơ hội thâm nhập sâu hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu và chế biến thủy sản trong nhiều năm tới. Thứ nhất, nhu cầu thủy sản ở Trung Quốc đang hồi phục khi kinh tế có tín hiệu tích cực. Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, giúp chi phí logistics giảm và ít hơn so với các nước khác.
Thứ hai, giống như các nước phương Tây, Trung Quốc cũng đang chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành sinh lợi cao hơn nên nuôi trồng thủy sản giảm. Do vậy, nước này sẽ ngày càng phụ thuộc vào thủy sản nhập khẩu. Năm 2022, Trung Quốc đã nhập khẩu 14,14 tỷ USD, tăng 14,7% so với 2021.
Ngoài dệt may và thủy sản, các ngành hàng quan trọng của ngành nông nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng ở mức cao và có đóng góp quan trọng vào kim ngạch chung của cả nước. Điển hình là rau quả đạt 4,82 tỷ USD, tăng tới 75,5%; gạo đạt 3,95 tỷ USD, tăng 34%; hạt điều đạt 2,95 tỷ USD, tăng 15,9%…
Về xuất khẩu rau quả, Bộ NN&PTNT thông tin, từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt hơn 4,9 tỷ USD, tăng 78,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong nhóm hàng rau quả xuất khẩu, nhiều loại trái cây bứt phá ngoạn mục. Cụ thể, sầu riêng đạt 1,8 tỷ USD, chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu; mít, xoài, nhãn, bưởi, dưa hấu của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan tăng mạnh từ 45-150% so cùng kỳ năm trước. Bộ NN&PTNT dự báo, năm 2023, xuất khẩu ngành hàng rau quả có thể đạt trên 5 tỷ USD.
Đáng chú ý, các cảnh báo an toàn thực phẩm từ Liên minh châu Âu (EU) đối với nông sản, thực phẩm nhập khẩu từ Việt Nam đã giảm khoảng 15% so với năm 2022, với 55 cảnh báo trên tổng số 3.900 cảnh báo về an toàn thực phẩm.
Dự báo, xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng tốc trong 2 tháng cuối năm 2023, bởi đây là thời điểm nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trên toàn thế giới tăng mạnh để phục vụ mùa Giáng sinh và Tết Dương lịch.
Hương Ly (Vietnam Business Forum)