Tiếp tục giảm lãi suất để phục hồi sản xuất: Cấp thiết hạ lãi vay
Thủ tướng Chính phủ và NHNN liên tiếp chỉ đạo các vấn đề về tín dụng và hạ lãi suất vay cho doanh nghiệp.
LTS: Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023 đã yêu cầu NHNN chỉ đạo điều hành quyết liệt để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, tăng cung tiền và hướng dòng tiền vào lĩnh vực ưu tiên.
Những chính sách “khẩn” để tăng tiếp cận vốn
Cụ thể gần nhất, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản 6385/NHNN/CSTT gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ổ chức tín dụng báo cáo cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới trước ngày 25/8. Đồng thời, báo cáo kết quả thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới gửi Ngân hàng Nhà nước trước ngày 8/1/2024.
Những nỗ lực “đi trước thị trường” và thậm chí đi ngược để 4 lần hạ lãi suất điều hành của NHNN từ đầu năm đến nay, đã giúp mặt bằng lãi suất và lãi vay giảm. Tuy nhiên, nếu như tổng mức giảm các loại lãi suất điều hành hạ 0,5-2%/năm, đưa lãi suất huy động hạ nhiệt mạnh khoảng trên 3%, thì lãi vay vẫn chưa được giảm như kỳ vọng.
Lãi suất vay sẽ tiếp tục “mềm” hơn
Trong bối cảnh các quốc gia phát triển vẫn đang để ngỏ khả năng tăng lãi suất ứng phó lạm phát, và tỷ giá đang có dấu hiệu tăng trở lại, cùng với những tác động từ giá gạo trên toàn cầu tăng vọt có thể dẫn đến tăng giá hàng hóa nói chung, chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn bị tác động bởi chiến tranh Nga – Ukraine và mới đây là ”cuộc chiến công nghệ” Mỹ – Trung có bước leo thang… khiến các chuyên gia thận trọng với dự báo NHNN sẽ tiếp tục mở rộng tiền tệ bằng hạ lãi suất điều hành nhằm tác động trực tiếp tới hạ lãi suất huy động – cho vay.
Việc triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh và thực thi hạ lãi vay, không phải trên các gói công bố mà có sự giám sát, thậm chí thanh tra chuyên đề của NHNN, được kỳ vọng sẽ đi vào thiết thực, hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế, một chuyên gia cho biết.
Đặc biệt, theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo công văn hỏa tốc yêu cầu về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, nghiên cứu bổ sung sửa đổi Thông tư 06/2023, được kỳ vọng sẽ mang đến các giải pháp cấp thiết tháo nút thắt tín dụng cho bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.
Nhìn trên diện rộng, ông Lê Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) nói với Diễn đàn Doanh nghiệp, thị trường đang có sự “phân hóa” giữa các doanh nghiệp không tiếp cận được vốn tín dụng, do nợ xấu, do không có đơn hàng và kế hoạch kinh doanh đảm bảo khả năng trả nợ khả thi; nhưng cũng có những doanh nghiệp đã tiếp cận được tín dụng, rất nhanh (ông Nghĩa nhấn mạnh) và lãi suất đã “mềm” hơn rất nhiều.
Đơn cử, ông Nghĩa cho biết, không phải vay theo các dự án nhà ở xã hội hay công nhân, công ty ông vừa được 3 nhà băng cho vay ngắn hạn với lãi suất từ 8,9%, dài hạn lãi suất 11% trong kỳ hạn 8 năm. “Tuy lãi suất chưa thể xuống thấp như trước đây do giá vốn huy động trước đây còn cao chưa cân đối hết, nhưng rõ ràng các ngân hàng cũng đang rất “khát” doanh nghiệp tốt để cho vay. Với các quyết tâm chính sách của Chính phủ và hàng loạt ngân hàng thương mại vẫn đang liên tiếp có các động thái giảm lãi suất, tôi cho rằng lãi suất vay sẽ tiếp tục giảm dần trong quý 3, quý 4 năm nay”, ông Nghĩa chia sẻ.