Tiềm năng, xu hướng ứng dụng công nghệ IoT/AI trong ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam

Vừa qua, Sở Công Thương Hà Nội và Trung tâm Hỗ trợ Chuyển giao Công nghệ thuộc Cục Phát triển Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức hội thảo “Tiềm năng, xu hướng ứng dụng công nghệ IoT/AI trong ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam”.

Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP Hà Nội năm 2024 (đợt 1),  nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn TP có giải pháp áp dụng các quy trình mới, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật của các doanh nghiệp FDI, nâng cao năng lực quản lý, đảm bảo năng suất và chất lượng giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cạnh tranh và tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tiềm năng, xu hướng ứng dụng công nghệ IoT/AI trong ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam
Hội thảo “Tiềm năng, xu hướng ứng dụng công nghệ IoT/AI trong ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam”.

Thành phố Hà Nội là trung tâm kinh tế, văn hóa chính trị của cả nước, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, có tốc độ phát triển kinh tế cao và duy trì liên tục nhiều năm. Thành phố Hà Nội đã xây dựng quy hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển doanh nghiệp vào các ngành mà địa phương có lợi thế.

Trong những năm qua Sở Công Thương Hà Nội đã tham mưu UBND TP ban hành hàng loạt các chính sách thúc đấy phát triển công nghệ trên địa bàn thành phố như Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, Chương trình phát triển sản phẩm chủ lực, góp phần nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, khuyết khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh sản xuất, thu hút đầu tư… giúp doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Mặc dù có những phát triển nhanh chóng về số lượng và chất lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong thời gian qua nhưng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn có một khoảng cách khá lớn so với các doanh nghiệp FDI. Về trình độ công nghệ, khoảng trên 30% doanh nghiệp cho biết hiện vẫn đang sử dụng hoàn toàn thiết bị điều khiển thủ công, trên 50% có sử dụng thiết bị bán tự động và chưa đến 10% doanh nghiệp có sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất.

Do đó, để năng cao năng lực đáp ứng được yêu cầu của khách hàng đặc biệt là các khách hàng thế giới, các doanh nghiệp càng phải tăng cường áp dụng các giải pháp linh hoạt trong quản lý sản xuất, quy trình công nghệ sản xuất và yêu cầu kỹ thuật về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy sáng kiến, đổi mới mô hình kinh doanh để đảm bảo kinh doanh liên tục, nâng cao năng suất lao động, tuân thủ các tiêu chuẩn hơn nữa. Công nghệ IoT (Internet of Things) và AI (Artificial Intelligence) đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, giúp tăng năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm, và tối ưu hóa chi phí sản xuất.

Hội thảo “Tiềm năng, xu hướng ứng dụng công nghệ IoT/AI trong ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam” là cơ hội quý báu để các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, các nhà khoa học trong ngành công nghiệp hỗ trợ nhìn nhận tổng quan, rõ nét về tiềm năng, xu hướng ứng dụng công nghệ IoT/AI trong ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Kết quả của hội thảo là cơ sở để Sở Công Thương Hà Nội tổ chức nghiên cứu, tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước trong hoàn thiện các cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ, khuyến khích thúc đẩy chuyển giao công nghệ IoT/AI từ các tổ chức trong và ngoài nước, rút ngắn khoảng cách về trình độ công nghệ với các nước tiên tiến, hướng tới công nghệ xanh, công nghệ sạch.

Tiềm năng, xu hướng ứng dụng công nghệ IoT/AI trong ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam
Ông Nguyễn Linh, đại diện Sở Công Thương Hà Nội phát biểu

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Linh, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong thời đại kinh tế số, trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) đã trở thành hai công nghệ chủ lực trong việc định hình tương lai của nền kinh tế và xã hội. Đây là những công nghệ lõi, công nghệ nền tảng, làm tác nhân chính của cuộc cách mạng chuyển đổi số. AI và IoT nổi bật ở khả năng tạo ra giá trị từ dữ liệu, khi kết hợp, không chỉ tăng cường khả năng tự động hóa mà còn thúc đẩy các sáng tạo mới, tăng hiệu suất, giảm chi phí và nâng cao chất lượng cuộc sống, cũng như các hoạt động kinh doanh và tiêu dùng.

“Là một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai ứng dụng các công nghệ mới tại Việt Nam, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số toàn diện, tập trung vào phát triển hạ tầng số, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào quản lý nhà nước, sản xuất, kinh doanh, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, là một trong những địa phương tiềm năng với nhiều lợi thế, dám đổi mới quyết liệt, vươn mình mạnh mẽ trong việc ứng dụng và phát triển AI, IoT nhằm xây dựng hạ tầng số hiện đại” – ông Nguyễn Linh cho biết.

Chia sẻ về ứng dụng AI để tối ưu vận hành, nâng cao hiệu suất trong ngành công nghiệp phụ trợ, đại diện của Techvify Software – Công ty chuyên tư vấn các giải pháp và triển khai dịch vụ chuyển đổi số cho biết, AI có thể được ứng dụng trong nhận diện khuôn mặt; tăng cường bảo mật; đơn giản hóa quy trình xác thực và bảo đảm tuân thủ, nâng cao hiệu quả trong khu công nghiệp và kho bãi.

Theo dõi tuân thủ bằng AI giúp tự động hóa việc giám sát các quy định và tiêu chuẩn an toàn, giảm thiểu sai sót và nâng cao hiệu quả bằng cách phân tích dữ liệu theo thời gian thực. AI cải thiện quản lý hàng tồn kho bằng cách tự động hóa việc kiểm đếm và theo dõi, điều hướng kệ hiệu quả, và tối ưu hóa không gian lưu trữ.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng tập trung trao đổi về một số chủ đề như: vai trò và ứng dụng các giải pháp AIoT trong cuộc chuyển đổi số kép xanh – số; nâng tầm doanh nghiệp điện tử Việt Nam dẫn đầu chuỗi cung ứng toàn cầu; chính sách phát triển dữ liệu đổi mới công nghệ nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững; công nghệ 5G – hạ tầng số cốt lõi cho sản xuất công nghiệp.

PV

Bài Viết Liên Quan

Back to top button