Thực thi Nghị định 80/2023/NĐ-CP: Doanh nghiệp vẫn còn nỗi lo

Nghị định 80 về kinh doanh xăng dầu được kỳ vọng sẽ giúp thị trường trong nước minh bạch, tăng tính cạnh tranh. Tuy nhiên, quá trình áp dụng thực tế, các doanh nghiệp vẫn lo khó kiểm soát chất lượng…

Thực thi Nghị định 80/2023/NĐ-CP: Doanh nghiệp vẫn còn nỗi lo

Nghị định 80 về kinh doanh xăng dầu được kỳ vọng sẽ giúp thị trường trong nước minh bạch, tăng tính cạnh tranh. Ảnh minh họa

Đảm bảo nguồn cung xăng dầu

Theo đó, trao đổi về Nghị định 80/2023/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 80), PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, Nghị định này đã giải quyết kịp thời những tồn tại, bất cập hiện nay của cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng; góp phần kiểm soát lạm phát. Đồng thời, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Đáng chú ý, việc rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống còn 7 ngày sẽ giúp giá xăng dầu trong nước tiệm cận sát với giá thị trường thế giới. Thời gian điều hành ngắn hơn cũng giúp cơ quan điều hành quản lý rủi ro tốt hơn, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới gần đây biến động thất thường. Cụ thể, khi điều chỉnh vào thứ Năm hàng tuần sẽ cập nhật sát hơn tình hình giá xăng dầu trên thế giới, giảm bớt rủi ro khi giá xăng tăng quá cao hoặc xuống quá thấp trong thời gian ngắn như năm 2022.

Nghị định 80 cũng quy định điều chỉnh thời gian rà soát, công bố chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam; chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về cảng để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước từ 6 tháng xuống 3 tháng.

Quy định này nhằm đảm bảo cập nhật kịp thời hơn giá và các loại chi phí cho doanh nghiệp, tạo động lực cho doanh nghiệp tạo nguồn xăng dầu cung ứng cho thị trường nội địa. “Tôi kỳ vọng khi đi vào thực tế, Nghị định 80 sẽ giúp quản lý xăng dầu theo chiều hướng cạnh tranh hơn, theo hướng thị trường hơn” – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Cũng đánh giá cao Nghị định số 80 là bước tiến về quản lý chuỗi cung ứng xăng dầu, TS Vũ Vinh Phú cho rằng, điểm tích cực nhất của nghị định mới là đã giảm bớt trung gian, bãi bỏ loại hình Tổng đại lý bán lẻ xăng dầu trong chuỗi cung ứng là đơn vị trung gian bán buôn, giúp giảm bớt chi phí.

Nghị định 80 cũng có những điều khoản siết lại kỷ cương trong thị trường xăng dầu, làm rõ quy chế thu hồi giấy phép kinh doanh xăng dầu khi doanh nghiệp làm không tốt. “Đây cũng là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới đang thực hiện”, TS Vũ Vinh Phú khẳng định.

Thực thi Nghị định 80/2023/NĐ-CP: Doanh nghiệp vẫn còn nỗi lo

Quá trình áp dụng thực tế, các doanh nghiệp vẫn lo khó kiểm soát chất lượng. Ảnh minh họa

Lại lo khó kiểm soát chất lượng

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, đột phá, các thương nhân đầu mối đang lo lắng về việc khó quản lí chất lượng khi Nghị định quy định về việc đại lý bán lẻ xăng dầu được nhập hàng ở 3 nơi.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Trịnh Đình Tuấn, Phó giám đốc Công ty xăng dầu Sông Bé cho biết, theo Luật thương mại, đại lý bán lẻ chỉ nhận hoa hồng, chất lượng là do thương nhân đầu mối chịu trách nhiệm. Giờ đây, đại lý mua ở 3 nơi và không có bể chứa riêng, do đó, khi xảy ra sự cố về chất lượng thì ai phải chịu trách nhiệm?

“Đại lý không chứng minh được mua của người này người kia. Khi chứng minh được mua của đầu mối nào mà chất lượng không tốt thì trách nhiệm thuộc về đầu mối, của thương nhân. Còn nếu không chứng minh được thì tất cả trách nhiệm đều đổ vào đại lý. Trong điều khoản của Nghị định 80 quy định, nếu đại lý vi phạm chất lượng sẽ bị rút giấy phép”, ông Tuấn nói.

Đáng chú ý, Nghị định 80 được ban hành trên cơ sở điều chỉnh, bổ sung Nghị định 83 và 95 của Chính phủ về quản lí lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Theo các chuyên gia kinh tế, Nghị định có tính ưu việt cao, khắc phục những hạn chế trong việc lưu thông mặt hàng đặc biệt là xăng dầu, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc từ khâu cung cấp, đại lí, đưa đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, thị trường xăng dầu vẫn còn những khúc mắc chưa được giải quyết triệt để.

Theo Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển bền vững TP.HCM, việc quy định 1 tuần điều chỉnh giá bán xăng dầu sẽ khó cho Sở Công Thương các địa phương trong việc kiểm soát thị trường. Do đó, Sở Công Thương các địa phương phải có phương án, những quy định cụ thể trong việc kiểm soát giá bán. Việc giá bán cũng phải được các cơ quan chức năng, truyền thông công bố liên tục để người dân cùng giám sát.

“Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thời gian qua cũng có nhiều thông tin trái chiều, bỏ hay giữ. Theo Nghị định này thì vẫn giữ, nhưng phải giám sát chặt chẽ hơn. Tôi nghĩ rằng Nhà nước cũng nên tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn vấn đề này để ít nhất là qua năm 2024 phải có cơ chế quản lí lâu dài, thuận lòng với các cơ quan, các tổ chức kinh doanh xăng dầu để đảm bảo quyền lợi cho chính họ và người dân”, vị chuyên gia nói.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button