Thực thi chính sách “chậm chân” làm giảm sức cạnh tranh doanh nghiệp
Thực thi chính sách trong nước chưa theo kịp diễn biến thị trường quốc tế, gây khó khăn và ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các ngành và các doanh nghiệp nội địa.
Theo Báo cáo tổng hợp phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội quý I/2023 do Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ gửi Thủ tướng Chính phủ cho thấy nhiều vấn đề khó khăn được doanh nghiệp phản ảnh.
Theo đó, các hiệp hội, doanh nghiệp phản ánh một số khó khăn, vướng mắc liên quan tới chính sách thuế hoặc quá trình thực thi chính sách thuế, bao gồm: việc chậm hoàn thuế VAT như doanh nghiệp ngành gỗ, cao su,… mức thuế VAT chưa hợp lý của ngành phân bón; khó khăn trong đóng thuế VAT cho các doanh nghiệp ngành giấy cần thu mua phế liệu và doanh nghiệp một số ngành cần thu gom cát sỏi, gạch đá; việc chậm cải thiện các chính sách thuế cho các doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực kêu gọi xã hội hóa (như y tế, giáo dục…).
Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, doanh nghiệp, hiệp hội kiến nghị một số chính sách hoặc khâu thực thi chính sách trong nước chưa theo kịp diễn biến thị trường quốc tế, gây khó khăn và ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các ngành và các doanh nghiệp nội địa.
Cụ thể, các doanh nghiệp logistics và kinh doanh vận tải, cảng biển phản ánh sự chậm điều chỉnh các quy định liên quan giá bốc xếp cảng biển, thời gian lái xe kinh doanh vận tải.
Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu ngành thép, may mặc, da giày, nhựa… phản ánh việc gặp khó khăn về thông tin và thực thi, đặc biệt đối với các yêu cầu mới của các thị trường quốc tế về chuỗi cung ứng, về lao động, môi trường, quản trị doanh nghiệp. Nhiều hiệp hội phản ánh sự lúng túng trong thực thi các quy định mới liên quan đến giảm phát thải trong nước và quốc tế.
Để giải quyết những nhóm vấn đề vướng mắc nêu trên, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp đề xuất, thứ nhất, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính (Tổng cục thuế), các bộ chuyên ngành tiến hành các hoạt động đối thoại trọng tâm với doanh nghiệp ngay trong Quý II và/hoặc rà soát theo chuyên đề để báo cáo Chính phủ các chính sách, quy định hiện hành hiện gây khó khăn, vướng mắc trong thực thi, hoặc chưa theo sát với xu hướng chính sách, quy định quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh thị trường toàn cầu có nhiều diễn biến phức tạp thời kì hậu Covid… từ đó cân nhắc các kế hoạch điều chỉnh, sửa đổi tổng thể để tạo đà cho doanh nghiệp phục hồi, bứt phá, tiếp tục hội nhập.
Thứ hai, đối với các vấn đề có nhiều diễn biến mới trên quy mô toàn cầu (như xu hướng chuyển đổi xanh, giảm phát thải, hay các quy định ràng buộc về lao động, môi trường, quản trị doanh nghiệp…), đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành đầu mối (ví dụ Bộ Tài nguyên môi trường, hay Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoặc Bộ Công thương) thiết lập các chuyên trang thông tin và/hoặc chương trình giao ban định kì (hàng tháng, hàng quý) với doanh nghiệp để trao đổi thông tin 2 chiều, nhằm giúp doanh nghiệp trong nước sớm định hình hướng đi, tận dụng mọi cơ hội, vượt qua các thách thức.