Thúc đẩy năng suất lao động giúp hiện thực hóa khát vọng vươn cao

Một trong những trụ cột để Việt Nam hiện thực hóa khát vọng vươn cao chính là duy trì tăng trưởng dựa trên thúc đẩy năng suất lao động.

Năng suất cải thiện qua từng năm

Những năm qua, năng suất lao động của Việt Nam đã từng bước được cải thiện. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng năng suất lao động trong 10 năm 2011 – 2020 đạt 6%. Trong đó, giai đoạn 2011 – 2015 đạt 5,5%; giai đoạn 2016 – 2020 đạt 6,4%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra là 5%. Song, Việt Nam vẫn là nước có mức năng suất lao động thấp và có khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Chia sẻ với báo chí về một số nguyên nhân khiến cho mức năng suất lao động của nước ta thấp, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay, trước tiên là do xuất phát điểm thấp, quy mô kinh tế nhỏ, việc thu hẹp khoảng cách tương đối về thu nhập bình quân và năng suất lao động của Việt Nam với các nước trong thời gian qua là một thành tựu đáng ghi nhận nhưng chưa đủ để thu hẹp khoảng cách tuyệt đối về giá trị năng suất lao động so với các nước trong khu vực.

Thúc đẩy năng suất lao động giúp hiện thực hóa khát vọng vươn cao

Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Thứ hai, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực nhưng còn chậm. Các ngành công nghiệp, dịch vụ, nhất là những ngành mang tính chất động lực hay huyết mạch của nền kinh tế như tài chính, ngân hàng, du lịch còn chiếm tỷ trọng thấp.

Thứ ba, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. Vấn đề này thể hiện rõ ở tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động còn lớn.

Doanh nghiệp là động lực quan trọng

Đáng chú ý, theo TS. Nguyễn Bích Lâm, khu vực doanh nghiệp vẫn chưa thực sự là động lực quyết định tăng trưởng năng suất lao động. Đa phần doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực về vốn hạn hẹp, khả năng đầu tư công nghệ hạn chế, kinh nghiệm quản lý sản xuất yếu và kém năng lực cạnh tranh. Thực tế quy mô doanh nghiệp Việt Nam quá nhỏ bé, số doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp của cả nước.

Thúc đẩy năng suất lao động giúp hiện thực hóa khát vọng vươn cao

Doanh nghiệp là động lực quyết định tăng trưởng năng suất lao động.

Hơn nữa, trình độ công nghệ của doanh nghiệp còn lạc hậu, doanh nghiệp tham gia các hoạt động liên quan đến sáng tạo còn hạn chế, trong khi qua nghiên cứu cho thấy, những doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) có mức năng suất lao động cao hơn 19,3% so với các doanh nghiệp còn lại. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ doanh nghiệp chi cho các hoạt động R&D ở Việt Nam vẫn còn thấp.

Ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, tăng trưởng kinh tế theo hướng tăng năng suất lao động tuy là thách thức lớn, nhất là đối với một nước mà đội ngũ lao động có tư duy nông nghiệp lâu đời và tỷ lệ qua lao động qua đào tạo không cao như Việt Nam, nhưng đây lại là hướng đi có tiềm năng để tạo ra tăng trưởng cao, bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Về giải pháp nâng cao năng suất lao động, tại phiên trả lời chất vấn Quốc hội vào ngày 5/11/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là ngành nông nghiệp; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu lao động; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ bền vững, hiệu quả; thúc đẩy liên kết giữa cơ quan, doanh nghiệp với các cơ sở nghiên cứu và đào tạo; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thủ tướng cũng nhấn mạnh sẽ đẩy mạnh các phong trào thi đua, đổi mới sáng tạo và có cơ chế tiền lương phù hợp để khuyến khích tăng năng suất lao động…

Bài Viết Liên Quan

Back to top button