Thu phí khí thải với ô tô, xe máy – Khó đảm bảo tính khả thi
Trước các đề nghị về việc bổ sung thêm một số đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với khí thải, trong đó có phương tiện giao thông, nhiều ý kiến cho rằng, khó đảm bảo tính khả thi…
Theo đó, vừa qua, Bộ Tài chính đã có Tờ trình gửi Chính phủ Dự thảo Nghị định về thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Cụ thể, tại văn bản, Bộ này cho biết, ở nước ta, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, chất lượng môi trường không khí tại các thành phố lớn, một số khu công nghiệp, làng nghề đang ngày càng suy giảm, tác hại nghiêm trọng đến sức khoẻ cộng đồng, thiệt hại cho nền kinh tế, đe dọa tới môi trường.
Hiện cả nước có khoảng 5,1 triệu xe ô tô và số lượng lớn xe máy đang lưu hành và có hàng chục khu tổ hợp, liên hợp trong đó tập trung nhiều dự án, loại hình sản xuất bauxite, gang thép, lọc hóa dầu, trung tâm điện lực, hàng ngày xả thải khối lượng lớn khí thải công nghiệp; có gần 120.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó có 138 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020, chưa hoàn thành xử lý triệt để. Các cơ sở này phát sinh khối lượng lớn khí thải công nghiệp, bụi thải, tác động xấu đến môi trường…
Và trong văn bản góp ý gửi tới Bộ Tài chính mới đây, một số ý kiến đề nghị quy định thu phí bảo vệ môi trường đối với tất cả các loại khí thải gây ô nhiễm môi trường và tất cả các nguồn thải. Trong đó, nhiều tỉnh như: Tây Ninh, Kon Tum, Đồng Tháp, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Đồng Nai, Sóc Trăng, Thanh Hóa cũng đề nghị bổ sung thêm một số đối tượng nộp phí, trong đó có phương tiện giao thông.
Xoay quanh vấn đề đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, đã thu thuế bảo vệ môi trường trong giá xăng dầu, giờ còn thu thêm phí khí thải với ô tô, xe máy sẽ khó khả thi vì dẫn tới tình trạng phí chồng phí, không hợp lý.
Theo TS Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam, việc thu phí khí thải với ôtô, xe máy đã có một số nước trên thế giới làm, nó thể hiện trách nhiệm của người sử dụng đối với môi trường, tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay việc áp dụng điều này ở Việt Nam là chưa phù hợp.
Lượng xe máy, ôtô của chúng ta là rất lớn, trong đó nhiều xe gây ô nhiễm nhưng chủ yếu tại một số đô thị như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… còn ở các đô thị khác thì đó lại là phương tiện đi lại chính của người dân. Khi người dân đã nộp thuế bảo vệ môi trường qua xăng rồi thì việc không thu phí khí thải là hợp lý trong giai đoạn hiện nay. Người dân đã nộp thuế, giờ nếu thêm phí nữa sẽ gây thêm gánh nặng cho người dân và thu như thế nào cũng là vấn đề.
Đồng thời, vị chuyên gia này cũng cho rằng, mỗi người sử dụng ôtô, xe máy cũng cần có trách nhiệm giảm thiểu khí thải, cần nhận thức rằng đang gây ô nhiễm.
“Trên đường phố hay bắt gặp những phương tiện cũ kỹ, xả khói mù mịt, với xe máy là phương tiện của người thu nhập thấp, tuy nhiên, không vì thế mà người dân không có cách để bảo vệ môi trường. Hiện nay, Chính phủ đang đề xuất kiểm soát khí thải xe máy, mỗi năm phải đi kiểm tra nếu đạt tiêu chuẩn mới được lưu hành, còn nếu không, phải đi bảo dưỡng. Còn với ôtô, hiện nay đã được đi kiểm định khí thải định kỳ – trong giai đoạn hiện nay có lẽ việc này phù hợp hơn”, ông Tùng phân tích.
Đồng quan điểm, GS.TS Từ Sỹ Sùa – Giảng viên cao cấp Trường Đại học Giao thông Vận tải cũng cho hay, việc kiểm soát, thu phí khí thải đối với môtô, xe máy không mới, đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện, tuy nhiên, quy định này nếu thực hiện sẽ ảnh hưởng đến hàng chục triệu người dân sử dụng xe máy, những người có thu nhập thấp.
Được biết, liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính cũng không đồng tình do việc quy định thu phí đối với phương tiện giao thông không bảo đảm khả thi, đặc biệt là thu phí đối với xe gắn máy.
Theo Bộ Tài chính, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải là chính sách thu mới. Để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện thu, nộp phí, cần quy định đối tượng chịu phí phù hợp với quy định pháp luật môi trường trong quản lý chất thải như: quy trình quản lý khí thải; đo kiểm lưu lượng khí thải, hàm lượng chất thải có trong khí thải…
Đối với nguồn thải gây ô nhiễm môi trường nhưng pháp luật chuyên ngành chưa quy định quản lý khí thải chưa quy định thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.
Đặc biệt, đối với phương tiện giao thông, Bộ Tài chính cho rằng, hiện pháp luật chuyên ngành chưa quy định xác định tổng khối lượng xả thải và hàm lượng từng chất gây ô nhiễm môi trường trong khí thải đối với nguồn thải này. Do đó, chưa có cơ sở để xác định mức phí phải nộp đối với phương tiện giao thông.
“Việc quy định thu phí đối với phương tiện giao thông không bảo đảm khả thí, đặc biệt là thu phí đối với xe máy, trong đó phần lớn là phương tiện thiết yếu của người có thu nhập thấp. Vì vậy, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, để bảo đảm khả thi, tại Dự thảo Nghị định chưa quy định thu phí đối với phương tiện giao thông trong giai đoạn hiện nay”, Bộ Tài chính nêu rõ.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn