Thu phí cảng biển: Tái đầu tư, phát triển hạ tầng

Với sản lượng hơn 170 triệu tấn hàng mỗi năm, TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng thu về khoảng 3.000 tỷ đồng mỗi năm từ phí sử dụng công trình, hạ tầng tại cảng biển đối với hàng hóa. Kinh phí này sẽ được sử dụng để tái đầu tư, phát triển hạ tầng các tuyến đường ra, vào cảng nhằm giải quyết bài toán kẹt xe trong điều kiện thành phố đang gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư công sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, khi đưa vào áp dụng, phía doanh nghiệp vẫn còn lo ngại vấn đề quản lý nguồn quỹ này sao cho minh bạch và hiệu quả.

Thấy rõ lợi ích kinh tế

Cảng biển TP. Hồ Chí Minh là cảng biển tổng hợp đầu mối khu vực loại 1, đóng vai trò chủ đạo kết nối vận tải hàng hải của khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với 4 khu cảng chính gồm: Cảng Cát Lái, cảng Nhà Bè, cảng Hiệp Phước và khu cảng trên sông Sài Gòn. Trong đó, cảng Cát Lái nằm trong top 30 cảng biển lớn nhất thế giới. Theo đề án thu phí hạ tầng cảng biển TP. Hồ Chí Minh, với việc triển khai thu phí trên toàn hệ thống gồm 26 cảng biển ở TP. Hồ Chí Minh, ước tính mỗi năm nguồn thu phí khoảng 3.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án mở rộng, làm thêm đường kết nối vào các cảng biển. Trong đó, ưu tiên khép kín đường vành đai 2 để góp phần giải quyết ùn tắc ở cảng phía đông, đông bắc như cảng Phú Hữu, Cát Lái… Đồng thời, giảm áp lực cho giao thông khu vực các tuyến đường vốn đang quá tải như Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ…

Thu phí cảng biển: Tái đầu tư, phát triển hạ tầng
Việc thu phí góp phần giảm áp lực đầu tư công trong điều kiện nguồn chi ngân sách
còn nhiều khó khăn

Phát biểu tại các kỳ họp chuyên đề của HĐND TP. Hồ Chí Minh, nhiều đại biểu và lãnh đạo thành phố đều cho rằng, việc thu phí hạ tầng dịch vụ cảng biển trên địa bàn thành phố xét về lợi ích tổng thể đem lại hiệu quả là rất lớn. Không chỉ xóa được vấn nạn kẹt xe, ùn ứ hàng hóa thường ngày đang tồn tại từ rất lâu, mà còn tạo nguồn thu cho ngân sách khá lớn bù đắp lại những khoản hụt thu trong điều kiện dịch Covid-19. Đặc biệt, việc thu phí góp phần giảm áp lực đầu tư công để phục hồi kinh tế sau đại dịch trong điều kiện nguồn chi ngân sách còn nhiều khó khăn, eo hẹp.

Theo nghị quyết của HĐND TP. Hồ Chí Minh, số tiền thu phí cảng biển được nộp vào ngân sách thành phố để quản lý và bố trí sử dụng cho việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng kết nối cảng biển ở TP. Hồ Chí Minh. Sau nhiều lần trì hoãn do dịch Covid-19, việc vận hành thử nghiệm hệ thống thu phí cảng biển tại TP. Hồ Chí Minh được thực hiện từ 0h ngày 16/2 đến hết ngày 15/3 nhằm tạo điều kiện cho cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan sớm tiếp cận với hệ thống thu phí trước khi vận hành hệ thống thu phí chính thức từ 0h ngày 1/4.

Ứng dụng hệ thống thu phí không tiền mặt

Không gây phiền hà cho doanh nghiệp

Theo các chuyên gia, việc ứng dụng hệ thống thu phí không tiền mặt sẽ giúp cho việc thực hiện các thủ tục không mất nhiều thời gian, không gây phiền hà cho doanh nghiệp. Theo quy định, hàng ngày số tiền thu phí sẽ được ngân hàng chuyển vào Kho bạc Nhà nước. Các mức phí đã được công khai và hệ thống đã tính tự động, việc thu phí sẽ được minh bạch, các đơn vị sở ngành liên quan có thể dễ dàng giám sát.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa, Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh cho biết, hệ thống thu phí cảng biển có hai cổng thông tin để tiến hành thu phí. Cụ thể là hệ thống thông quan của hải quan và cổng thông tin điện tử của Cảng vụ đường thủy nội địa thành phố. Để phục vụ cho việc vận hành thử nghiệm cảng vụ đã chuẩn bị hạ tầng công nghệ từ nhiều tháng nay. Việc thu phí đều sử dụng qua công nghệ, không sử dụng tiền mặt. Do đó không cần có chốt hay trạm thu phí ở các cảng. Ghi nhận qua tuần đầu thử nghiệm, việc vận hành trơn tru, chưa xảy ra các vướng mắc. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp thực hiện chưa nhiều. Đại diện cảng vụ cho biết sẽ báo cáo Sở Giao thông vận tải để tuyên truyền, vận động các đơn vị, doanh nghiệp tích cực tham gia thực hiện quy trình này để tránh bỡ ngỡ khi thu phí chính thức.

Cảng vụ đường thủy nội địa TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, quy trình thu nộp hạ tầng dịch vụ cảng biển là rất tiện ích, người nộp phí kê khai trên hệ thống thông tin hải quan, dữ liệu được tích hợp về hệ thống thu phí cảng biển của thành phố. Dữ liệu có các thông tin chính như tên, địa chỉ, tài khoản, tờ khai hải quan, mã số thuế, loại hàng… Trên các dữ liệu đó, hệ thống thu phí cảng biển sẽ tự động thông báo mức phí mà doanh nghiệp phải nộp. Sau khi khách hàng nộp phí, ngân hàng sẽ thông báo lại việc thực hiện xong nghĩa vụ và in biên lai. Biên lai điện tử sẽ tự động chia sẻ qua hệ thống cảng.

Với vai trò là đơn vị hỗ trợ công tác kết nối, chia sẻ dữ liệu tờ khai và hàng hóa qua cảng lên hệ thống thu phí. Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong quá trình chạy thử quy trình thu phí hạ tầng cảng biển, các doanh nghiệp được khuyến khích chủ động kết nối với thủ tục đóng phí để làm quen với mức phí 0 đồng do hệ thống chưa kết nối với ngân hàng. Việc triển khai qua hệ thống hải quan điện tử, tự động nên sẽ không có chuyện xe bị ùn ứ hay phải chờ đợi để khai báo khi vào cảng. Hệ thống cũng nhận biết được doanh nghiệp đã đóng phí hay chưa. Trường hợp đóng tiền chưa đủ cũng sẽ được tra soát sau đó.

Minh bạch và hiệu quả

Ngay sau khi đưa vào vận hành thử nghiệm thu phí dịch vụ hạ tầng cảng biển, qua khảo sát nhiều doanh nghiệp tại thành phố đang có tâm lý lo lắng khi phải tốn thêm chi phí, cũng như cần có sự minh bạch việc sử dụng khoản phí này và mong muốn cần có sự thông báo công khai việc sử dụng các mức phí cho những công trình cụ thể. Ông Nguyễn Ngọc Long – đại diện một doanh nghiệp logistics ở quận 12 cho biết, việc thu phí hạ tầng cảng biển này không mới nhằm để tái đầu tư nguồn thu này cho hệ thống các tuyến đường kết nối cảng nên đa số doanh nghiệp đều đồng tình ủng hộ chủ trương này. “Với mức phí áp dụng hiện nay cũng không quá cao, vấn đề là cần có cơ chế giám sát để đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp. Không nên để doanh nghiệp này đóng còn doanh nghiệp kia thì không”- ông Long chia sẻ.

Đại diện Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, vấn đề hiện nay là xây dựng được cơ chế giám sát, quản lý để các doanh nghiệp tự giác đóng phí và đóng đủ. Cơ quan Hải quan sẵn sàng hỗ trợ Sở Giao thông vận tải truy soát, đối chiếu số container trên tờ khai và số phí cần nộp. Trong thời gian đầu chương trình cần sự tự nguyện của doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, việc ứng dụng hệ thống thu phí không tiền mặt sẽ giúp cho việc thực hiện các thủ tục không mất nhiều thời gian, không gây phiền hà cho doanh nghiệp. Theo quy định, hàng ngày số tiền thu phí sẽ được ngân hàng chuyển vào Kho bạc Nhà nước. Các mức phí đã được công khai và hệ thống đã tính tự động, việc thu phí sẽ được minh bạch, các đơn vị sở ngành liên quan có thể dễ dàng giám sát.

Rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm chi phí cho doanh nghiệp

Theo nghị quyết của HĐND TP. Hồ Chí Minh các mức phí được áp dụng bao gồm:

Đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, áp dụng mức thu 50.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container; 4,4 triệu đồng/cont với container 40ft và 2,2 triệu đồng/cont với container 20ft.

Đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP. Hồ Chí Minh, sẽ áp dụng mức 500.000 đồng/cont đối với container 20ft; 1 triệu đồng/cont đối với container 40ft và 30.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

Với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại TP. Hồ Chí Minh, áp dụng mức thu là 250.000 đồng/cont đối với container 20ft; 500.000 đồng/cont với container 40ft và 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

“Số tiền thu phí trong vòng 5 năm ước khoảng 15.000 tỷ đồng, kết hợp với nguồn vốn từ ngân sách, lúc đó sẽ cơ bản hoàn thành các tuyến đường kết nối cảng biển tại thành phố. Khi đầu tư mở rộng đường vào cảng thì năng lực cảng, số chuyến hàng cảng sẽ tăng lên. Đường thông thoáng, doanh nghiệp rút ngắn thời gian chạy xe, giảm chi phí vận hành, tạo đà cho tăng trưởng hàng hóa” – ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vân tải TP. Hồ Chí Minh cho biết.

Theo Gia Cư (Thời báo tài chính Việt Nam)

Bài Viết Liên Quan

Back to top button