Thu hút đầu tư phát triển điện khí ở Việt Nam
LNG được coi là “nhiên liệu cầu nối” trong quá trình chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang các loại nhiên liệu xanh, sạch, thân thiện với môi trường nhằm đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng cho sự phát triển bền vững của các quốc gia. Việc đưa LNG vào sử dụng còn là phù hợp với cam kết của Chính phủ tại COP26 về xu hướng sử dụng nhiên liệu giảm phát thải.
Phát triển nguồn năng lượng sử dụng LNG đã và đang tạo ra nhiều cơ hội cho ngành năng lượng Việt Nam nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại để lĩnh vực này đạt được lộ trình theo định hướng của Quy hoạch điện VIII (nguồn nhiệt điện từ LNG chiếm tỷ trọng khoảng 14,9% tổng công suất toàn hệ thống phát điện quốc gia vào năm 2030, tương đương mức 22.400MW).
Chia sẽ tại “Hội thảo phát triển điện khí ở Việt Nam: Cơ hội và Thách thức” do Tạp chí năng lượng sạch Việt Nam tổ chức, TS. Nguyễn Minh Phong – Nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội cho biết, một trong những thách thức lớn nhất của phát triển điện khí là sự thiếu hụt nguồn khí trong nước và tăng sự phụ thuộc nguồn LNG nhập khẩu trong điều kiện giá LNG thị trường quốc tế luôn biến động thất thường, việc xây dựng cơ chế giá phù hợp để thích nghi với những thay đổi về giá mà không tác động quá lớn đến giá điện bán lẻ là thách thức lớn hiện nay.
Trong điều kiện hiện nay, để lĩnh vực điện khí LNG đạt được mục tiêu đề ra trong Quy hoạch điện VIII, cần thu hút mọi nguồn lực đầu tư xã hội trong nước và ngoài nước cho phát triển thăm dò, khai thác, dự trữ và phân khối LNG của Việt Nam.
Trước hết, Việt Nam cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở để đầu tư xây dựng kho cảng LNG mới, hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế, tại các vị trí chiến lược, đủ khả năng tiếp nhận tàu chở LNG có kích thước lớn; để vận hành hệ thống tồn trữ và phân phối LNG, khí tái hóa từ LNG tại các khu vực tiêu thụ; cũng như triển khai quyền được thuê và sử dụng hạ tầng bên thứ ba; để quản lý an toàn và bảo vệ môi trường trong sản xuất, vận chuyển, tồn trữ và sử dụng khí tái hóa từ LNG.
Sớm công khai cơ chế nhập khẩu và bố trí (phân bổ, quy hoạch) các nhà máy điện khí trên quy mô cả nước làm sao để giảm giá thành vận chuyển nhiên liệu, cũng như khả năng hấp thụ nguồn nhiên liệu LNG của các nhà máy điện.
Bộ Công Thương cần xây dựng và ban hành khung giá phát điện cho các nhà máy điện khí LNG; xây dựng kế hoạch cam kết tổng sản lượng điện mua hàng năm từ phía EVN và bao tiêu sản lượng khí hàng năm là cơ sở để các ngân hàng xem xét cấp tín dụng cho dự án, cũng như dự án mua được nguồn LNG giá tốt thông qua hợp đồng mua LNG dài hạn để giá điện rẻ hơn.
Đồng thời, các cơ quan chức năng sớm xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến địa điểm, thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu khí LNG; tăng tốc xây dựng chính sách cho ngành công nghiệp LNG đồng bộ và xuyên suốt (bao gồm phát triển hạ tầng LNG theo mô hình Kho cảng trung tâm – LNG Hub), cơ chế chuyển ngang giá khí LNG tái hóa từ hợp đồng mua bán khí sang hợp đồng mua bán điện, phê duyệt cước phí qua kho và đường ống đưa LNG đến nhà máy điện, nguyên tắc phân bổ LNG nhập khẩu cùng với các nguồn khí nội địa cho các nhà máy điện. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các nhà đầu tư quốc tế, các nhà đầu tư tư nhân yên tâm đầu tư vốn phát triển điện khí LNG.
Bên cạnh đó, chú ý cân nhắc lộ trình chuyển đổi nhiên liệu của các nhà máy điện từ khí trong nước và LNG sang hydro với tiến độ phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi và đủ thời gian thu hồi vốn cho đầu tư phát triển các dự án khí trong nước, cũng như các dự án LNG; nghiên cứu triển khai các dự án sản xuất hydro xanh, amoniac xanh để cung cấp cho khách hàng nội địa và xuất khẩu phù hợp với xu hướng chuyển dịch năng lượng hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, nâng cao tính tự chủ của ngành điện, giảm thiểu tối đa sự phụ thuộc vào nước ngoài đối với nhiên liệu sơ cấp; đảm bảo các mục tiêu cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26 về trung hòa carbon vào năm 2050.
Lê Minh