Thị trường chứng khoán tháng 1: Những tác động đáng chú ý
Trong nửa cuối tháng 1 này, thị trường sẽ thấy một lịch sự kiện khá dày đặc và có tác động khác nhau đến biến động của thị trường chứng khoán mà nhà đầu tư cần lưu ý.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán ghi nhận sự khởi sắc đáng chú ý, các chuyên gia cho rằng yếu tố chính đóng góp vào xu hướng này có thể là việc Quốc hội mới đây đã phê chuẩn hai dự luật quan trọng: Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi). Sự thông qua của hai luật này được nhìn nhận là có ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính và bất động sản.
Theo đó, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ cải thiện quản trị và điều hành trong ngành ngân hàng thương mại thông qua việc thiết lập các quy định nghiêm ngặt hơn. Mặt khác, Luật Đất đai (sửa đổi) đưa ra các quy định mới về việc xác định giá đất theo giá thị trường và mở rộng khả năng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cũng như cấp chủ quyền và giải quyết những vấn đề còn tồn đọng trên thị trường bất động sản.
Những thay đổi này đã tạo nên tâm lý lạc quan và tín hiệu tích cực từ thị trường chứng khoán đang phản ánh sự kỳ vọng vào sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ trong các lĩnh vực liên quan.
Trên thị trường, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Nghiên cứu phân tích CTCK Yuanta Việt Nam chia sẻ, gần đây chúng ta đã chứng kiến sự tăng giá ấn tượng, vượt qua các đỉnh cao trước đó của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Nhóm này có thể tiếp tục đà tăng giá và có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chỉ số VN-Index vượt mốc 1.200 điểm.
“Tuy nhiên, tại cột mốc quan trọng này, nhà đầu tư cần lưu ý về khả năng điều chỉnh của thị trường có thể xảy ra, dẫn đến sự chuyển dịch dòng tiền từ cổ phiếu ngân hàng sang các nhóm cổ phiếu có vốn hóa nhỏ và vừa. Điều này sẽ tạo nên một bầu không khí giao dịch sôi động hơn trên thị trường chứng khoán, mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình”, ông Minh lưu ý.
Ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu, Chuyên gia chiến lược đầu tư tại SSI Research phân tích, trong nửa cuối tháng 1 này, thị trường sẽ thấy một lịch sự kiện khá dày đặc và có tác động khác nhau đến biến động của thị trường chứng khoán, cụ thể như:
Thứnhất, ngày 26/1 sẽ có kỳ công bố PCE tháng 12 của Mỹ, trong đó chỉ số PCE lõi hiện đang được dự báo tăng 3% so với cùng kỳ, hạ nhiệt từ mức 3,2% vào tháng trước. Thực tế căng thẳng tại Biển Đỏ đã khiến cho giá một số hàng hóa gia tăng trong nửa đầu tháng 1 này, khiến thị trường có những lo ngại về các chỉ số về lạm phát.
Thứ hai, ngày 29/1 chúng ta có báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 1. Bên cạnh việc quan sát tiến trình phục hồi kinh tế, một số yếu tố khác cũng đang được theo dõi sát sao như tốc độ giải ngân đầu tư công, dòng vốn FDI và hoạt động xuất khẩu cũng như diễn biến lạm phát của Việt Nam.
Thứba, ngày 30-31/1 là cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và được kỳ vọng sẽ giữ nguyên mức lãi suất hiện hành 5,25 – 5,5% với tỷ lệ gần như tuyệt đối. Dù vậy rủi ro Fed có thể trì hoãn cắt giảm lãi suất kể từ cuộc họp tháng 3/2024 vẫn là điểm cần lưu ý trong thời gian tới.
“Trong tháng 1/2024, các doanh nghiệp niêm yết sẽ bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý 4/2023 và sơ bộ cả năm 2023. Theo đó, những doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ hoặc cải thiện theo quý có thể tác động tích cực đến sự vận động của giá cổ phiếu trong ngắn hạn.
Về chiến lược đầu tư, các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu thu hút dòng tiền trong tuần qua và nhóm cổ phiếu có sức mạnh giá vượt trội. Đồng thời thực hiện chốt lời dần lợi nhuận ở vùng giá cao và hạn chế mua đuổi theo đà tăng của thị trường, chỉ xem xét mua vào trong các dịp thị trường biến động điều chỉnh trở lại”, ông Hiếu khuyến nghị.