Thép Sông Hồng còn lại gì sau khi giải thể?

Tổng công ty Sông Hồng đã phải trích lập toàn bộ khoản đầu tư vào Thép Sông Hồng, trong khi tài sản lớn nhất của nhà sản xuất thép này lại là lô đất hơn 10 ha tại TP Việt Trì.

Như đã thông tin trước đó, dữ liệu mới nhất trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho biết Công ty CP Thép Sông Hồng, thành viên của Tổng công ty CP Sông Hồng (SHG) đã tiến hành các thủ tục để chính thức giải thể.

Đáng chú ý, Thép Sông Hồng giải thể cũng đồng nghĩa với việc Tổng công ty Sông Hồng có nguy cơ mất trắng hơn trăm tỷ đồng đã đầu tư vào công ty thép này. Dù đã trích lập 100% khoản vốn 102 tỷ đồng tại đây nhiều năm qua, nhưng với tình hình tài chính hiện tại của Thép Sông Hồng, Tổng công ty Sông Hồng khó có thể thu hồi phần vốn này.

Cụ thể, đến cuối quý II/2020, tổng tài sản của Thép Sông Hồng chỉ còn hơn 344 tỷ đồng, tuy nhiên nợ vay quá hạn đã lên tới 420 tỷ đồng. Các khoản nợ này được thế chấp bằng hàng hóa của công ty.

Ngoài ra, tài sản lớn nhất của doanh nghiệp này là quyền sử dụng đất hơn 10 ha tại phường Bạch Hạc, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ cũng là nơi Thép Sông Hồng đặt nhà xưởng.

Đáng chú ý, trước khi phải làm thủ tục giải thể, Thép Sông Hồng từng được kỳ vọng hồi sinh sau kế hoạch tái cơ cấu và tăng mạnh vốn điều lệ, cùng với sự xuất hiện của nhóm cổ đông mới.

Cụ thể, năm 2015, sau khi tiến hành tái cơ cấu vốn, Thép Sông Hồng đã tăng mạnh vốn điều lệ từ 120 tỷ lên 310 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của Tổng công ty Sông Hồng khi đó giảm về 32,9%, và công ty có sự gia nhập của nhóm cổ đông mới là Công ty CP Đầu tư phát triển Việt Thành.

Thép Sông Hồng còn lại gì sau khi giải thể?
Tài sản giá trị nhất còn lại của Thép Sông Hồng chính là khu đất 10 ha tại thành phố Việt Trì, nơi công ty đặt nhà xưởng sản xuất thép. Ảnh: T.L.

Công ty Việt Thành được thành lập từ năm 2011 do bà Trần Thị Huệ Chi làm chủ tịch, ngành nghề kinh doanh chính là buôn bán kim loại và quặng kim loại. Bà Chi sau đó cũng được bổ nhiệm làm chủ tịch HĐQT Thép Sông Hồng.

Sau khi có sự góp mặt của cổ đông mới và được tăng vốn, Thép Sông Hồng đã thông qua việc đầu tư dây chuyền luyện phôi thép để tăng công suất từ 180.000 tấn/năm lên 250.000 tấn/năm.

Tuy nhiên, báo cáo của Tổng công ty Sông Hồng cho biết dù có sự tham gia của Việt Thành nhưng nhà sản xuất thép này vẫn hoạt động cầm chừng rồi thua lỗ nhiều năm liên tiếp.

Công ty này thậm chí còn liên tiếp vướng vào các vi phạm về thuế và chậm nộp tiền nợ thuế.

Về phía Công ty Việt Thành, doanh nghiệp này ban đầu có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, do ông Phạm Trí Thành góp 70%. Trong đó, ông Thành từng là kế toán trưởng, chủ tịch HĐQT, giám đốc tài chính tại Công ty CP Chứng khoán Mê Kông (nay là Chứng khoán Pinetree).

Cùng thời điểm đầu tư vào Thép Sông Hồng, Việt Thành đã tăng vốn lên 600 tỷ đồng và ghế chủ tịch được chuyển giao lại cho bà Trần Thị Huệ Chi.

Trong giai đoạn đầu tư vào Thép Sông Hồng, kết quả kinh doanh của Việt Thành cũng không mấy khả quan. Theo đó, công ty này chỉ ghi nhận hơn 90 tỷ đồng doanh thu năm 2017 và lỗ hơn 700 triệu đồng. Đến năm 2018, doanh thu công ty thu hẹp chỉ còn hơn 4 tỷ và lỗ thêm 12 tỷ.

Sang năm 2019, Việt Thành không ghi nhận bất kỳ đồng doanh thu nào và ghi nhận 1,5 tỷ đồng vào năm 2020 sau đó.

Về phía bà Trần Thị Huệ Chi, ngoài Công ty Việt Thành, bà còn là chủ sở hữu và đại diện pháp luật của khoảng 17 công ty trong lĩnh vực bất động sản; buôn bán sản phẩm thép; hóa chất, sản phẩm hóa dầu; thiết bị y tế…

Tuy nhiên, 7/17 công ty liên quan bà Chi đã giải thể hoặc tạm dừng hoạt động (chủ yếu thuộc nhóm bán buôn, buôn thép…). Trong khi đó, các công ty đang hoạt động còn lại chủ yếu liên quan lĩnh vực bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng và mua bán nợ.

Nguồn; Zingnews.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button