Thấy gì từ thuế quan 2.0 của Tổng thống Trump?
Chính quyền Trump vừa áp thuế mới từ 25% đến 40% lên 14 quốc gia, bao gồm cả đồng minh thân cận như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Vào ngày 7/7, chính quyền Trump đã công bố loạt thuế quan mới áp dụng đối với 14 quốc gia, với mức thuế dao động từ 25% đến 40%. Danh sách các quốc gia bị áp thuế rất đa dạng, bao gồm cả những đồng minh thân cận như Nhật Bản và Hàn Quốc, điều chưa từng có tiền lệ trong chính sách đối ngoại gần đây của Hoa Kỳ.
Theo giới quan sát, các quốc gia bị nhắm tới dường như không có nhiều điểm chung. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó lại gắn bó chặt chẽ hơn với các cấu trúc kinh tế không do Mỹ dẫn dắt, chẳng hạn như BRICS, điển hình là Nam Phi.
Đối với nhóm quốc gia này, mức thuế mới được áp dụng trung bình từ 25% đến 35%. Tuy nhiên, Tổng thống Trump gần đây tuyên bố sẽ tăng thêm 10% thuế nếu các nước này nghiêng về phía BRICS để đối đầu với Mỹ.
Nhóm tiếp theo bị áp mức thuế cao hơn, từ 25% đến 40%, là các quốc gia hưởng lợi từ quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch COVID-19 và làn sóng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc sang Đông Nam Á, như Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia và cả Thái Lan, một đối tác thân thiết của Hoa Kỳ.
Do đó, động cơ sâu xa của loạt thuế quan này không chỉ là điều chỉnh cán cân thương mại, mà còn phản ánh một tính toán địa chiến lược: ngăn chặn việc hình thành một cấu trúc kinh tế kết nối các nước thuộc Nam bán cầu, vốn có thể làm suy yếu vai trò trung tâm của Hoa Kỳ.
Trong bối cảnh đó, thuế quan không còn là công cụ bảo hộ truyền thống mà đã trở thành công cụ nhằm phá vỡ các liên kết kinh tế nằm ngoài quỹ đạo của Hoa Kỳ. Khác với việc đàm phán các hiệp định thương mại hay củng cố các thể chế đa phương, chính quyền Trump đang sử dụng gánh nặng kinh tế như một hình thức “răn đe mềm” không công khai, để gây sức ép song phương, nhằm thu hẹp không gian chiến lược của các nước đang phát triển.
Đáng chú ý hơn cả là việc áp thuế với các đồng minh chiến lược như Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong nhiều thập kỷ, Hoa Kỳ luôn cố gắng giữ ranh giới giữa cạnh tranh thương mại và quan hệ an ninh.
Quyết định đánh thuế lần này đã làm lu mờ ranh giới đó. Mức thuế 25% áp lên hàng hóa Nhật Bản và Hàn Quốc không chỉ là vấn đề điều chỉnh lợi ích kinh tế, mà còn là một thông điệp rõ ràng: Washington sẽ không còn dành ngoại lệ cho các đồng minh nữa.
Cách tiếp cận này mang đậm dấu ấn của “ngoại giao giao dịch”, một đặc trưng nổi bật trong chính sách đối ngoại của ông Trump kể từ nhiệm kỳ đầu.
Đối với Nhật Bản và Hàn Quốc, những nước đang đối mặt với các thách thức an ninh từ Trung Quốc và Triều Tiên, việc bị đối xử như đối thủ kinh tế đã bào mòn lòng tin chiến lược.
Tại Tokyo, các quan điểm ủng hộ chính sách quốc phòng độc lập và giảm phụ thuộc vào Mỹ sẽ càng được củng cố. Tại Seoul, liên minh Mỹ – Hàn sẽ tiếp tục là chủ đề tranh luận nội bộ, đặc biệt là về tính hiệu quả chiến lược. Kết quả là, những gì từng là nền tảng của trật tự an ninh khu vực giờ đang đứng trước nguy cơ bị tái định hình bởi sức ép kinh tế.

Tác động rộng hơn có thể lan tới Đông Nam Á. Khi ngay cả các đồng minh thân cận cũng không còn được Hoa Kỳ bảo vệ về thương mại, các nước ASEAN sẽ khó duy trì niềm tin vào tính nhất quán của chính sách Mỹ.
Điều này sẽ đẩy nhanh nỗ lực tìm kiếm sự cân bằng chiến lược, thông qua tăng cường hội nhập nội khối hoặc mở rộng hợp tác với Trung Quốc, Ấn Độ và các cường quốc khu vực khác.
Loạt thuế quan của Tổng thống Trump cần được nhìn nhận trong bối cảnh rộng lớn hơn của một trật tự thế giới đang chuyển dịch sang mô hình đa trung tâm.
Sự trỗi dậy của các cường quốc khu vực, kết hợp với ảnh hưởng kéo dài của đại dịch và các cuộc xung đột ở nhiều điểm “nóng”, đã làm gia tăng sự phân mảnh trong hệ thống quốc tế. Trong môi trường đó, việc sử dụng thuế quan như công cụ chính trị có thể hiệu quả trong ngắn hạn, nhưng dễ phản tác dụng về lâu dài.
Một chính sách đối ngoại nhưng thiếu tính dự đoán và ràng buộc thể chế có thể khiến Mỹ tự cô lập khỏi mạng lưới lòng tin toàn cầu. Trong nỗ lực ngăn chặn sự hình thành một trật tự kinh tế thay thế, Washington có thể vô tình đẩy nhanh quá trình đó, khi các quốc gia tìm cách bảo vệ chủ quyền kinh tế trước nguy cơ bị trừng phạt đơn phương.
– Diễn đàn Doanh nghiệp