Thấy gì từ kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết?

Thông tin KQKD quý 2 cho thấy doanh thu của các doanh nghiệp tuy vẫn còn giảm, nhưng đã có dấu hiệu phục hồi và áp lực chi phí lãi vay còn đè nặng khi dòng tiền chưa thực sự hanh thông.

Doanh nghiệp đã đi qua vùng đáy

Nhìn vào các doanh nghiệp có cổ phiếu niêm yết trên hai sàn HSX và HNX ở thời điểm hiện tại, kết quả kinh doanh quý 2 giảm nhẹ 0,5% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng có dấu hiệu tích cực hơn là đã tăng 8% so với quý 1/2023. Việc giảm nhẹ so với cùng kỳ là do quý 1, quý 2/2022 là những quý cao điểm phục hồi sau Covid-19 và trước thời điểm chính sách thắt chặt tiền tệ xảy ra.

Thấy gì từ kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết?

Trong báo cáo KQKD quý 2/2023, hầu hết các nhóm ngành phi tài chính đều giảm rất mạnh, nhưng so với quý 1/2023 thì lại có dấu hiệu phục hồi tích cực

Nhìn sâu hơn vào kết quả kinh doanh (KQKD) thì nhóm ngành tài chính có dấu hiệu tăng trưởng tốt hơn (tăng 28,4%) so với cùng kỳ năm trước và tăng 9% so với cùng quý. Bên cạnh đó là nhóm công nghệ thông tin cũng đang tăng khá tốt, con số lần lượt là 23,9% và 8%. Đây là hai nhóm ngành hỗ trợ trong việc kéo thị trường tăng trưởng, bù đắp cho những nhóm ngành khác.

Mặt trái mà chúng ta đang thấy là những dấu hiệu khá xấu của gần như tất cả các nhóm ngành còn lại, như bất động sản giảm 46,6%, nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng tiêu dùng không thiết yếu, bán lẻ và xuất khẩu công nghiệp đều có mức giảm từ 11-14,6% so với cùng kỳ năm trước.

Chúng ta thấy bức tranh so với cùng kỳ năm trước, hầu hết các nhóm ngành phi tài chính đều giảm rất mạnh, nhưng so với quý 1/2023 thì lại có dấu hiệu phục hồi tích cực. Đây là cơ sở mà chúng tôi rất kỳ vọng vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết đã ở vùng đáy vào khoảng quý 4 năm ngoái và quý 1 năm nay, đồng thời bắt đầu khởi sắc trở lại từ quý 2.

Chưa hết áp lực chi phí

Vậy tại sao lợi nhuận lại giảm trên các nhóm ngành? Có thể kể đến các nguyên nhân sau: Một là về chi phí lãi vay, chỉ trừ ba nhóm ngành năng lượng, tiện ích và bất động sản có phần chi phí lãi vay tiết giảm, thì gần như tất cả các nhóm ngành còn lại đều có dấu hiệu gia tăng chi phí lãi vay rất cao trong quý 2/2023 so với cùng kỳ năm trước. Xét về tổng quan trên hơn 300 doanh nghiệp mà chúng tôi thu thập, đã có mức chi phí lãi vay tăng đến 19% so với cùng kỳ năm trước.

Thấy gì từ kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết?

Nhóm ngành chứng khoán, ngân hàng vẫn đang là trụ đỡ chắc chắn cho thị trường chứng khoán

Hai là tổng nợ, là một vấn đề rất đáng chú ý. Tổng nợ của toàn nền kinh tế đang có dấu hiệu giảm mạnh, nhìn chung tổng cả hai sàn giảm 9% so với cùng kỳ năm trước nhưng so với quý 1 thì tăng 4%.

Do nền lãi suất vay gia tăng mạnh trong khoảng thời gian vừa qua, áp lực chi phí lãi vay mạnh, nên doanh nghiệp đã rất cố gắng để giảm tổng nợ. Mặt khác, do tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn nên khả năng bán hàng cũng bị thu hẹp, dẫn đến vốn lưu động cần cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp giảm và nợ ngắn hạn để bổ sung cho nguồn vốn đó đã có dấu hiệu giảm sút rõ rệt.

Hiện trên các phương tiện truyền thông thường xuyên nhắc đến việc các ngân hàng đã giảm lãi vay từ 1-2% so với thời điểm đầu năm, tuy nhiên trên số liệu thực tế, chi phí lãi vay của các doanh nghiệp không những không giảm, thậm chí còn tăng trong bối cảnh các doanh nghiệp cũng đang cố gắng giảm vay nợ.

Như vậy có thể hiểu, khi chi phí lãi vay tăng, vay nợ giảm, chứng tỏ lãi vay mà các doanh nghiệp đang chịu thực tế rất cao; nguyên nhân là do độ trễ chính sách, lãi suất huy động giảm trước lãi suất cho vay giảm sau và với tốc độ giảm như hiện tại, thì có thể quý 3, quý 4 năm nay, chúng ta mới nhìn thấy chi phí lãi vay của doanh nghiệp thực sự giảm và giảm nhanh.

Bên cạnh vấn đề lãi vay còn có các chi phí khác như chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp. Đây là một trong những cấu phần chi phí lớn của doanh nghiệp, nếu chi phí này giảm thì sẽ giảm áp lực cho doanh nghiệp từ đó giúp lợi nhuận trong thời điểm đó sẽ gia tăng. Tuy nhiên chi phí này giảm cũng thể hiện một điều rằng, các doanh nghiệp đang khó khăn hơn trong việc bán hàng.

Ba là vấn đề hàng tồn kho của các doanh nghiệp, các khoản  phải thu và phải trả diễn biến ra sao, từ đó chúng ta sẽ nhìn ra được câu chuyện nội tại doanh nghiệp cũng như ngành nói chung.

Hàng tồn kho có sự phân hóa khá rõ ràng, trong đó hàng tiêu dùng không thiết yếu và nguyên vật liệu cũng như bất động sản giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Đến hiện tại điều này vẫn đang tiếp diễn, nhưng không giảm nhiều nữa, bằng chứng là quý 2/2023 giảm chỉ còn dưới 1% so với quý 1. Trong khi đó, nhóm công nghệ thông tin, sức khỏe, năng lượng, tiện ích thì đang có sự gia tăng mạnh mẽ hàng tồn kho.

Về khoản phải thu và phải trả cũng đang có dấu hiệu gia tăng trên toàn sàn so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, khoản phải thu tăng 11%, có ý nghĩa rằng khi bán hàng ra thì các doanh nghiệp khách hàng chưa trả tiền ngay, khiến tổng giá trị nợ nhiều hơn trên tổng doanh thu sẽ tạo ra rủi ro. Đây không phải tín hiệu tích cực, bởi vì khi khoản phải thu, phải trả tăng thì khả năng thanh toán của các doanh nghiệp đang không quá tốt.

Từ các phân tích trên, chúng tôi đưa ra các đánh giá tổng quan như sau: Thứ nhất, doanh thu của các doanh nghiệp tuy vẫn còn giảm, nhưng đã có dấu hiệu phục hồi trên toàn ngành ở thời điểm gần đây.

Mặc dù lợi nhuận chưa có khả năng tăng trưởng tương ứng, nhưng chúng ta bắt đầu nhìn thấy những dấu hiệu nhen nhóm của sự phục hồi mà trong đó nhóm ngành chứng khoán, ngân hàng vẫn đang là trụ đỡ chắc chắn cho thị trường.

Thứ hai, là áp lực về chi phí như chi phí lãi vay hiện đang tăng rất mạnh, gây áp lực nặng cho hầu hết tất cả các nhóm ngành. Ngay cả khi tổng nợ đã suy giảm nhiều thì áp lực này vẫn hiện hữu khiến các doanh nghiệp phải vật lộn.

Thứ ba, nhìn chung các doanh nghiệp vẫn đang phải chịu áp lực về mặt chi phí. Do tình hình hoạt động kinh doanh khó khăn nên chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đã và đang có dấu hiệu suy giảm so với cùng kỳ năm trước, dù chúng ta đã nhìn thấy dấu hiệu nhen nhóm tích cực trở lại trong quý 2 với nhóm ngành bất động sản, bán lẻ hàng tiêu dùng không thiết yếu.

Thứ tư, nếu nhìn sâu vào doanh nghiệp, chúng ta đang thấy câu chuyện tiết giảm hàng tồn kho dần dần đi đến bước cuối cùng và một số nhóm ngành đã bắt đầu quay trở lại, khôi phục gia tăng hàng tồn kho, tích trữ nguyên liệu cũng như thành phẩm. Các khoản phải thu, phải trả thể hiện sự khó khăn “nhức nhối” trong việc dòng tiền chưa hoàn toàn hanh thông.

Triển vọng các nhóm ngành

Về triển vọng trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết, chúng tôi cho rằng nó tương ứng với ba giai đoạn: Ngắn hạn là những nhóm ngành được kỳ vọng hưởng lợi từ bối cảnh vĩ mô hiện tại. Nếu không có gì bất thường thì sẽ có xu hướng hồi phục rõ nét trong thời gian tới, nhóm đầu tiên và gần nhất đó là nguyên vật liệu, bán lẻ, được hưởng lợi từ yếu tố chính sách như thúc đẩy đầu tư công; còn bán lẻ thúc đẩy từ việc giảm thuế VAT.

Nhóm tiếp theo với tầm nhìn trung hạn trong quý 3 là nhóm chứng khoán, công nghệ, thủy sản. Với nhóm chứng khoán, chúng ta chờ đợi bên cạnh câu chuyện hạ lãi suất, còn có vận hành KRX và nâng hạng thị trường. Nhóm công nghệ vẫn là câu chuyện xuyên suốt trong nhiều năm trở lại đây về mã đầu ngành FPT.

Còn nhóm ngành thủy sản chúng tôi không có nhận định quá tích cực, nhưng ngành này có một số yếu tố thuận lợi, đặc biệt khi nhu cầu tiêu thụ thủy sản của các đối tác thương mại như Mỹ, EU kỳ vọng sẽ khởi sắc trở lại trong những tháng cuối năm và cũng là mùa tiêu thụ thủy sản cao điểm ở thị trường này.

Dài hạn hơn là nhóm ngành ngân hàng và bất động sản. Chúng tôi kỳ vọng kết quả kinh doanh chỉ thực sự hồi phục từ quý 4 về sau, đó là thời điểm mà rủi ro về thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã giảm bớt, mặt bằng lãi suất giảm thực sự bắt đầu thẩm thấu vào thị trường, cũng như kỳ vọng vào những chính sách khơi thông thị trường bất động sản của Chính phủ.

 

Bài Viết Liên Quan

Back to top button