Thành phố giao thông điện: Chính sách… hầu như chưa có

Ngoài sự hạn chế về hạ tầng, chính sách khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam hầu như chưa có.

LTS: Khởi động thành phố giao thông điện, TP HCM tiên phong thực thi cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26 về việc đưa khí phát thải về 0 vào năm 2050.

Thành phố giao thông điện: Chính sách... hầu như chưa có
Đưa xe buýt điện vào hoạt động giao thông đồng thời góp phần thay đổi thói quen của người dân trong việc lựa chọn sử dụng phương tiện giao thông xanh cũng là một mục tiêu quan trọng của TP HCM.

Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được phê duyệt tại Quyết định số 1168/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ “Khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.

Giải pháp từ thực tế

Tuy nhiên, đến nay, theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, số lượng xe điện hóa (hybrid, plug-in hybrid, và xe thuần điện) ở Việt Nam hiện còn rất ít, năm 2019 là 140 xe điện, năm 2020 tăng lên 900 xe và tăng 1.200 xe tính đến cuối 2021. Tất cả số xe trên đều là nhập khẩu và gần như toàn bộ là xe hybrid, xe plug-in hybrid, số xe chạy pin chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Hiện nay các chủ trương và định hướng về thúc đẩy sử dụng các loại xe thân thiện với môi trường đã được xác định trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Để hiện thực hoá được mục tiêu nêu trên đòi hỏi Việt Nam phải có các chính sách phù hợp, trong đó có vai trò không thể thiếu của các công cụ kinh tế, trong đó có công cụ chính sách thuế để thúc đẩy việc sản xuất, sử dụng các loại hàng hoá thân thiện với môi trường, trong đó có ngành công nghiệp ô tô.

Tuy nhiên, so với nhiều quốc gia khác, từ thực tiễn phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, để có một quy hoạch thành phố giao thông điện đồng bộ, Việt Nam cần có một số giải pháp như: Áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện trên cơ sở mức phát thải CO2 ra môi trường; Xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vượt trội nhằm thu hút đầu tư các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô điện, tập trung vào các dòng xe chưa sản xuất tại các quốc gia trong khu vực, hướng vào thị trường xuất khẩu; Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để cung cấp điện sạch cho các trạm sạc điện…

Các giải pháp đưa ra cũng cần được cân nhắc, tính toán kỹ trên nhiều mặt, nhất là trong bối cảnh công nghệ liên tục phát triển, quá trình quốc tế hóa và phân công lao động quốc tế diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Những quốc gia đi sau như Việt Nam bên cạnh các yếu tố thuận lợi cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Thành phố giao thông điện: Chính sách... hầu như chưa có
Sáng ngày 07/4, 100 xe điện VF e34 đã xuất phát từ vịnh Hạ Long trong hành trình “Cùng VF e34 chinh phục địa đầu Tổ quốc”. Đây là caravan quy mô lớn lần thứ 2 mà VinFast tổ chức chỉ trong vòng 3 năm, trở thành “đặc sản tinh thần” riêng có của cộng đồng khách hàng và những người yêu xe Việt.

Hoàn thiện quy chuẩn về xe điện

Cùng với các chính sách, hạ tầng, các quy chuẩn và tiêu chuẩn chưa đồng bộ cũng là những yếu tố tác động lớn đến sự phát triển xe điện tại Việt Nam.

Xe điện được phân loại vào nhóm xe cơ giới, do đó chịu sự quản lý của các quy định pháp luật về giao thông hiện hành. Tuy nhiên, xe điện thường đi kèm với các công nghệ tự lái. Do có đặc điểm vận hành đặc biệt nên cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng hệ thống quy định pháp luật phù hợp để quản lý, vận hành đảm bảo an toàn.

Vì vậy, để phát triển xe điện, Nhà nước cần ban hành lộ trình phát triển xe điện ở Việt Nam, trong các khoảng thời gian với các yêu cầu và mục tiêu cụ thể. Động lực cho sự phát triển ô tô điện trên thế giới chính là các quy định về bảo vệ môi trường cùng các chính sách về thuế và chế tài xử phạt.

Nhà nước ban hành quy hoạch chi tiết cho hạ tầng xe điện, bao gồm các địa điểm bố trí trạm, trang thiết bị nạp của trạm, công suất các trạm và sự cân bằng giữa công suất trạm nạp với mạng lưới điện cục bộ cũng như lưới điện quốc gia.

Các nhóm chính sách để khuyến khích nhà sản xuất và người tiêu dùng sử dụng xe ô tô điện, nhằm tạo tiền đề cho thị trường sản xuất kinh doanh xe điện vận hành.

Xây dựng các chế tài nhằm cụ thể hóa các quy định về xử lý các sản phẩm thải bỏ liên quan đến xe điện như ắc quy, các ô tô, xe máy quá niên hạn sử dụng.

Cần đưa quy hoạch trạm sạc vào quy hoạch hạ tầng giao thông, đô thị và quy hoạch mạng lưới hạ tầng điện đi kèm theo một cách đồng bộ. Xe điện là xu thế tất yếu. Để bắt kịp xu thế thì quy hoạch đó cần phải đồng bộ thì mới có sự phát triển bền vững, lâu dài. Có thể chúng ta làm quy hoạch trước, sau đó các nhà đầu tư thuộc các loại hình khác nhau hay ngay cả Nhà nước cũng có thể đầu tư. Tuy nhiên cần thiết phải có quy hoạch dài hạn, đồng bộ thì mới tối ưu được mục tiêu thành phố giao thông điện.

Và cũng phải nhấn mạnh về dài hạn, chúng ta nên cân nhắc câu chuyện quy hoạch ô tô chạy bằng khí hydro, chúng ta đã nghiên cứu từ trước, đây cũng là xu hướng của nhiều quốc gia phát triển đang theo đuổi.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải KNK mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước đang phát triển kể cả tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó, thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Pa-ri, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”.

Nguồn:diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button