Tham vọng của OpenAI

Nếu như App Store bán tất cả các loại ứng dụng dùng trên điện thoại, còn cửa hàng của OpenAI thì chuyên bán những trí tuệ nhân tạo “kiểu ChatGPT”.

Tham vọng của OpenAI

Thứ 3 vừa qua, trong sự kiện DevDay, OpenAI tuyên bố sẽ cho ra đời cửa hàng bán trí tuệ nhân tạo (AI) vào cuối tháng 11. Cửa hàng mới của OpenAI sẽ bán các loại trí tuệ nhân tạo kiểu ChatGPT. Trong đó có cả mô hình GPT mới được cài đặt để người dùng có thể tự do sáng tạo phiên bản của riêng mình.

Cửa hàng sắp mở của OpenAI có mô hình hoạt động rất giống với App Store của Apple hay Google Play với Android trên điện thoại thông minh. Điều khác biệt là App Store bán tất cả các loại ứng dụng dùng được trên điện thoại, còn cửa hàng của OpenAI thì chuyên bán những trí tuệ nhân tạo “kiểu ChatGPT”. Tại cửa hàng mới này, người dùng có thể lựa chọn các ứng dụng trí tuệ nhân tạo phù hợp với nhu cầu.

Điều quan trọng nữa là các lập trình viên, hoặc thậm chí là những người kỹ thuật “tay ngang” cũng có thể tự tạo ra được ứng dụng “kiểu ChatGPT” trên cửa hàng này, giống như các nhà phát triển vẫn đang tạo ứng dụng đẩy lên App Store của Apple.

OpenAI công bố một bộ công cụ không phải lập trình (no-code) để người dùng có thể tự tạo ra được các AI GPT về học thuật, giải trí hay về những vấn đề khác có giá trị trong cuộc sống như công thức nấu ăn, mẹo vặt, v.v..

Giám đốc OpenAI, ông Altman tuyên bố: “Bạn có thể ra lệnh cho AI lập trình ra một ứng dụng ‘kiểu ChatGPT’ bằng ngôn ngữ đời thường”.

Ông thậm chí đã trình diễn điều này trên sân khấu, tạo ra một ứng dụng mới có chức năng tư vấn cho các người sáng lập về cách cải thiện công ty khởi nghiệp của họ.

Đây hứa hẹn là một chiến lược rất lớn của OpenAI. Họ đang biến mình từ một công ty làm sản phẩm trí tuệ nhân tạo trở thành một nền tảng kinh doanh trí tuệ nhân tạo. Cửa hàng ứng dụng “kiểu ChatGPT” rõ ràng là một bản sao của App Store. Trong những năm vừa qua, App Store là “quân bài chủ lực” giúp Apple thống trị mảng dịch vụ di động đồng thời cũng mang lại lợi nhuận kếch sù cho Apple. Thành thử không có gì khó hiểu khi OpenAI cũng muốn mình là một “Apple trong giới AI”.

Để trở thành một App Store cho AI, thì cửa hàng của OpenAI điều đầu tiên phải phong phú về số lượng ứng dụng. Vì thế, các nhà phát triển ứng dụng AI có một vai trò rất lớn. OpenAI hứa hẹn những người tạo ứng dụng “kiểu ChatGPT” thành công có thể kiếm được hàng trăm nghìn đô la mỗi năm.

Theo Giám đốc điều hành OpenAI, ông Altman, công ty cũng chú trọng đến chất lượng của các ứng dụng trên cửa hàng. Ông chia sẻ rằng, công ty sẽ trả hậu hĩnh cho những người tạo ra GPT được sử dụng nhiều nhất và hữu ích nhất bằng một phần doanh thu của mình. Và họ luôn khuyến khích người dùng tạo ra nhiều nội dung hơn nữa, làm đa dạng thêm sự lựa chọn cho các khách hàng. Trên cửa hàng hiện đã có sẵn ứng dụng do bên thứ 3, như Code.org, TripAdvisor hay Canva tạo ra.

Tại thời điểm này, OpenAI vẫn chưa cho biết về chính sách tính phí liên quan tới “cửa hàng GPT”.

Chiến lược này của OpenAI rõ ràng rất tham vọng vì nó cạnh tranh trực tiếp với các “ông lớn” trong ngành như Apple hay thậm chí là nhà tài trợ lớn nhất của họ, Microsoft. Microsoft cũng đang ráo riết tung ra bộ sản phẩm “kiểu ChatGPT” dành cho cộng việc Copilot, và Apple thì vẫn đang kiếm tiền từ những ứng dụng AI trên App Store của mình. Như vậy có thể thấy sẽ có một mâu thuẫn về quyền lợi giữa Apple, Microsoft và kẻ mới nổi OpenAI này.

Tuy Tổng giám đốc Microsoft, ông Satya Nadella đã xuất hiện trên sân khấu và bày tỏ sự phấn khích về sự hợp tác giữa Microsoft và OpenAI, nhưng liệu mối quan hệ này sẽ được duy trì bao lâu khi mâu thuẫn về quyền lợi bắt đầu xuất hiện? Các bước đi chiến lược tiếp theo của những ông lớn này hứa hẹn sẽ rất thú vị.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button