Tăng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp: Tăng trưởng GDP 6,5% là khả thi
Trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp nên được tạo điều kiện cải thiện tiếp cận vốn tốt hơn, bao gồm cả chính sách hạ lãi suất, cũng như kéo dài thời gian ân hạn cho vay với thời hạn dài hơn.
LTS: Theo Thống đốc NHNN, hiện nay, NHNN đang xem xét và sớm thông báo tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thời gian qua, việc đồng loạt hạ lãi suất gồm cả lãi suất huy động và lãi suất cơ bản của Nhà nước có ba ý nghĩa quan trọng đó là: thông điệp về áp lực lạm phát ở Việt Nam đã được cải thiện; thể hiện sự linh hoạt trong chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) theo mục tiêu vừa kiểm soát lạm phát vừa hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế xã hội hậu Covid-19; và là điều kiện rất quan trọng để giảm lãi suất cho vay.
Lãi suất neo cao
Chúng ta đều thấy trong nửa cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, có một làn sóng tăng lãi suất mãnh mẽ từ các Ngân hàng Trung ương trên thế giới và Việt Nam cũng vậy. Nhưng khi lạm phát được kiểm soát tốt, có dấu hiệu chậm lại, thì NHNN Việt Nam đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, giúp các ngân hàng thương mại giảm bớt chi phí vốn tiếp cận từ NHNN. Đồng thời, các ngân hàng thương mại cũng giảm lãi suất huy động, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn trong bối cảnh lãi suất đang neo ở mức khá cao.
Tuy nhiên đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn phàn nàn họ phải chịu lãi suất ở các khoản vay cũ từ 12-15% và có những khoản vay mới là trên 10%. Với mức cho vay trên 10% thì bất kỳ doanh nghiệp nào cũng không thể kéo dài được.
Có những doanh nghiệp nhận được đơn hàng, dù lỗ nhưng vẫn phải làm để giữ chuỗi cung ứng, thị phần, cũng như công ăn việc làm cho người lao động. Do đó, việc hạ lãi suất theo thực tiễn của doanh nghiệp là hết sức cần thiết, điều này giúp không chỉ doanh nghiệp mà giúp cho chính các ngân hàng.
Khi ngân hàng cho vay quá cao, có lời, nhưng phải đối diện với nguy cơ mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp và rơi vào “bẫy” nợ khó đòi, thì việc hạ lãi suất có ích cho cả hai bên và tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.
Nới “room” tín dụng
Chúng ta phải tiếp tục hạ lãi suất cho vay và nới “room” tín dụng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với nguồn lực rẻ hơn, rộng hơn, hỗ trợ tăng trưởng tốt hơn. Bởi vì chúng ta vẫn còn nhiều dư địa.
Thực tế, việc hạ lãi suất cho vay chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ phải là doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn đáp ứng được các điều kiện cho vay đó. Do đó, doanh nghiệp nên được tạo điều kiện cải thiện tiếp cận vốn tốt hơn, bao gồm cả chính sách hạ lãi suất, cũng như kéo dài thời gian ân hạn cho vay với thời hạn dài hơn. Bên cạnh chính sách tiền tệ, chúng ta cần tiếp tục cải thiện về thủ tục hành chính, không để tình trạng giảm một cửa mà cửa khác vẫn bị o ép.
Động lực cho tăng trưởng
Vừa qua, Tổng cục Thống kê đã công bố tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 6 tháng đầu năm là 3,72%. Để đạt được mục tiêu từ nay đến cuối năm tăng trưởng 6,5% thì nửa cuối năm phải tăng 9%. Con số này là một thách thức thực sự mặc dù trước đó ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) cùng với World Bank đã đưa ra những khẳng định khá lạc quan là Việt Nam sẽ đạt được tăng trưởng 6,5%.
Chúng tôi cho rằng, Việt Nam có cả thuận lợi và khó khăn. Thuận lợi liên quan đến đà tăng trưởng, đến những tín hiệu tích cực của tháng 5, từ các địa phương đầu tàu kinh tế đến các doanh nghiệp trên thế giới đều có sự khởi sắc. Đặc biệt, chúng ta đã có sự đột phá trong phát triển nông nghiệp, xuất khẩu nông sản, bên cạnh những khó khăn của các ngành dệt may, da giày, đồ gỗ và một số ngành khác.
Ngoài ra, điều kiện về đối ngoại vẫn đang khá tốt theo hướng tiếp tục có sự mở rộng về FTA. Với tổng thể như vậy, nếu Việt Nam làm tốt các chính sách về tiền tệ, chính sách tài chính, giảm thiểu các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp với Nhà nước, giảm, giãn thuế… cùng một loạt các chính sách khác, trong đó có cả chính sách về môi trường đầu tư, giảm chi phí, thực hiện đa dạng hóa thị trường của doanh nghiệp để bù lại những thị trường đang bị co hẹp.