Tăng cường quan hệ thương mại song phương Việt Nam-Pakistan

Việt Nam là cửa ngõ thâm nhập vào thị trường Đông Nam Á, còn Pakistan là cầu nối quan trọng để Việt Nam tiếp cận khu vực Trung và Tây Nam Á. Việt Nam và Pakistan coi trọng thúc đẩy mối quan hệ hợp tác mọi mặt giữa hai nước đã có truyền thống gắn bó hơn 50 năm, đặc biệt thương mại và đầu tư.

Nhiều tiềm năng hợp tác chưa được khai thác

Pakistan và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 8/11/1972. Hơn 50 năm qua, hai nước đã thúc đẩy quan hệ hợp tác, ký kết nhiều biên bản ghi nhỡ nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ truyền thống tốt đẹp như Biên bản ghi nhớ và Hiệp định như: Hiệp định Thương mại (5/2001); Biên bản ghi nhớ về việc thành lập Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Pakistan (4/2002); Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (3/2004),…

Tăng cường quan hệ thương mại song phương Việt Nam-Pakistan

Phát biểu tại Hội thảo giới thiệu Hội chợ Dệt may Pakistan TEXPO 2023 và cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam- Pakistan tổ chức mới đây tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Bùi Trung Nghĩa cho biết, kim ngạch thương mại trực tiếp Việt Nam – Pakistan đã có xu hướng tăng trong những năm vừa qua. Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt hơn 794 triệu USD, tăng 54,41% so với năm 2020 và năm 2022 đạt hơn 904 triệu USD (tương đương 1 tỷ USD), tăng 12,17% so với năm trước. Đặc biệt, hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực dệt may. Năm 2022, Pakistan nhập khẩu sợi trị giá gần 77 triệu USD từ Việt Nam, trong khi xuất khẩu sang Việt Nam gần 100 triệu USD các mặt hàng vải, dệt, da giày, sợi và bông. Việt Nam có ngành sản xuất hàng may, da giầy lớn với kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may, da giầy đạt 71 tỷ USD (trong đó dệt may đạt 44 tỷ USD và da giầy là 27 tỷ USD).

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Pakistan bao gồm: Điện thoại di động và linh kiện chiếm nhiều nhất (193 triệu USD), chè (102 triệu USD), hạt tiêu, thủy sản, sợi, cao su, hóa chất, máy móc, thiết bị và phụ tùng,… Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chính từ Pakistan bao gồm: Vải, bông, nguyên phụ liệu dệt may, dược phẩm, sợi các loại, hóa chất,…

Đại sứ Pakistan tại Việt Nam Samina Mehtab nhận định, vẫn còn những cơ hội chưa được khai thác giữa Pakistan và Việt Nam. Chính vì vậy, Đại sứ Pakistan kỳ vọng, cộng đồng doanh nghiệp hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác để cải thiện thương mại song phương trong các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực dệt may và da.

Thúc đẩy hơn nữa hợp tác thương mại giữa hai nước

Để củng cố và đẩy mạnh hợp tác thương mại giữa hai nước, Đại sứ Việt Nam tại Pakistan Nguyễn Tiên Phong cho rằng, hai bên cần cùng nhau khuyến khích, tăng cường nhận thức, tăng cường trao đổi đoàn các cấp: Đoàn cấp cao, bộ ngành, Hiệp hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tiếp xúc, tìm kiếm khả năng hợp tác nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại. Nhằm tổ chức hiệu quả việc trao đổi đoàn, các bên cần có sự chuẩn bị tốt trong việc tập hợp thông tin, liên kết với đối tác tiềm năng ngoài B2B, G2G, P2P, chúng ta cần có sự tham gia của cơ quan chức năng trực thuộc Chính Phủ thông qua các cơ chế B-G-B, G-B-G để mang lại kết quả thiết thực không chỉ dừng lại MOU mà bằng các hợp đồng thương mại, kinh tế được ký kết.

Bên cạnh đó, cần thiết lập các kênh thông tin thông qua kênh của Đại sứ quán, bộ phận thương vụ nhằm cung cấp thông tin kịp thời và hiệu quả cho doanh nghiệp hai nước, đồng thời tăng cường trao đổi thông tin liên quan đến chính sách thương mại và đầu tư, các hoạt động xúc tiến thương mại, công nghiệp, đầu tư, danh mục các hội chợ triển lãm tổ chức ở mỗi nước, danh mục các mặt hàng xuất nhập khẩu mà mỗi bên có lợi thế so sánh.

Về Xúc tiến thương mại, theo Bà Lê Thị Mai Anh, Trưởng phòng khu vực Châu Á, Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi, Bộ Công Thương, hai bên cần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư vào các dự án công nghiệp, thương mại. Hiện nay, Pakistan đang được hưởng nhiểu lợi ích của GSP+ từ EU và Việt Nam cũng ký kết EVFTA, 16 các FTA thế hệ mới với các đối tác trung tâm kinh tế lớn trên thế giới. Hai bên cần xem xét tận dụng quy tắc cộng gộp và xuất xứ hàng hóa đối (rule of origin, accumulation) với EVFTA của Việt Nam và quy chế GSP+ mà Pakistan đang được hưởng từ EU trong xuất nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa trong lĩnh vực dệt may; khả năng ký kết Hiệp định ưu đãi thương mại (PTA).

Đại diện Bộ Công Thương cũng lưu ý,  hai bên cũng cần xem xét thúc đẩy trong việc xóa bỏ các rào cản, thủ tục xuất nhập khẩu giữa hai bên và khó khăn trong thanh toán hàng hóa nhằm thúc đẩy mạnh hơn nữa việc giao thương hàng hóa giữa hai nước.

Nhằm hiện thực hóa tiềm năng hợp tác thương mại song phương, Phó chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa cũng nhấn mạnh thêm, cần tăng cường việc tổ chức những chương trình xúc tiến thương mại để doanh nghiệp hai nước có thể tìm hiểu nhu cầu lẫn nhau, đặc biệt doanh nghiệp Việt Nam có thể khảo sát thực tế tình hình thị trường, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Pakistan nói riêng và thông qua Pakistan để tiếp cận thị trường các nước Nam Á.

“Các quy định, chính sách đối với việc nhập khẩu hàng hóa vào Pakistan nói chung, và những khuyến nghị đối với hàng hóa Việt Nam nói riêng, đặc biệt là hàng nông sản thực phẩm khi xuất khẩu vào thị trường Pakistan cần được giới thiệu, đồng thời cũng cần lắng nghe chia sẻ về kinh nghiệm xuất khẩu, phân phối hàng Việt Nam vào thị trường Pakistan của các doanh nghiệp Việt Nam và Pakistan.”- Ông Nghĩa cho biết thêm.

Với thị trường hơn 230 triệu dân và GDP ở mức gần 400 tỷ USD, Phó Chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa hy vọng rằng, thời gian tới có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu, tiếp cận và kinh doanh với thị trường Pakistan. Cùng với các cơ quan xúc tiến thương mại và các tổ chức đối tác của Pakistan, Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan, Bộ Công thương, VCCI sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng kế hoạch mở rộng thị trường thông qua việc thành lập doanh nghiệp hoặc liên kết với doanh nghiệp Pakistan tại đây, cũng như tìm kiếm đối tác, thâm nhập thị trường, tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng của người dân Pakistan, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường Nam Á nói chung và Pakistan nói riêng.

Giang Tú (Vietnam Business Forum)

Bài Viết Liên Quan

Back to top button