Tăng cường hợp tác giữa VCCI với chính quyền các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp

Nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác giữa VCCI với chính quyền các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, VCCI đã tổ chức buổi gặp gỡ Xuân Quý Mão giữa lãnh đạo 7 địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.
Tăng cường hợp tác giữa VCCI với chính quyền các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp
VCCI đã tổ chức buổi gặp gỡ VCCI Xuân Quý Mão giữa lãnh đạo 7 địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.

Tham dự buổi gặp mặt có ông Nguyễn Văn Nên – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Phan Văn Mãi – Ủy viên Trung ương đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Văn Được – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Long An; ông Cao Tiến Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai; ông Nguyễn Thanh Ngọc – Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh; bà Trần Tuệ Hiền – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước; ông Nguyễn Văn Dành – Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; ông Lê Ngọc Khánh – Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, từ ngày 1/12/2022 VCCI chính thức có tên gọi mới là Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam – tiếp tục là trung tâm kết nối quốc gia và điểm tựa tin cậy của các doanh nhân, doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch VCCI, từ Đại hội toàn quốc VCCI lần thứ VII vào tháng 12/2021, VCCI đã có tầm nhìn và chiến lược hoạt động mới, gắn với mục tiêu xây dựng cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh, quốc gia thịnh vượng.

Tăng cường hợp tác giữa VCCI với chính quyền các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại buổi gặp gỡ.

Thông tin về những kết quả của Hội nghị BCH VCCI sáng nay, Chủ tịch VCCI cho biết, Hội nghị BCH VCCI đã đánh giá năm 2022 VCCI đã có sự đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và phương thức hoạt động, đạt được nhiều kết quả nổi bật, có sức ảnh hưởng và tầm quan trọng chiến lược đối với sự phát triển của giới doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam cũng như kinh tế đất nước.

“Thực hiện tầm nhìn đồng hành xây dựng doanh nghiệp vững mạnh, quốc gia thịnh vượng, trong nhiệm kỳ này VCCI đang chuyển mạnh các hoạt động hướng tới phục vụ nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp và các địa phương. Cuối tháng 4 năm nay, VCCI sẽ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập, khẳng định 60 năm đồng hành, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chia sẻ.

Cũng theo Chủ tịch VCCI, thời gian tới VCCI tập trung đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với các tỉnh, thành phố để cùng địa phương thực hiện 3 mục tiêu: Thúc đẩy sự phát triển của giới doanh nhân, doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp địa phương; Mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư trong nước và quốc tế; Xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, đồng thời phát triển theo hướng xanh và bền vững.

Tăng cường hợp tác giữa VCCI với chính quyền các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công trao đổi với Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.

“VCCI sẽ đem 60 năm kinh nghiệm, bộ máy trên 800 cán bộ, chuyên gia và hệ thống quan hệ kết nối chính thức, chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp các nước trên toàn thế giới để hỗ trợ, phục vụ cho hoạt động hợp tác với các tỉnh, thành phố nhằm thực hiện 3 mục tiêu vừa nêu trên”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định. Đồng thời, ông cũng điểm lại một số nhiệm vụ công tác của VCCI trong năm 2023, trong đó có nhiều hoạt động quan trọng dành cho sự hợp tác với các địa phương, cụ thể như:

Một là, hợp tác xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững. Cụ thể: PCI và Green Index sẽ là một trọng tâm của nội dung này.

Hai là, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động các hiệp hội doanh nghiệp địa phương, thúc đẩy xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh địa phương. Cụ thể VCCI sẽ tổ chức các khoá bồi dưỡng cho các hiệp hội doanh nghiệp về kỹ năng, kinh nghiệm tổ chức và triển khai hoạt động hiệp hội; sẽ có một số ch/tr bồi dưỡng lãnh đạo doanh nghiệp; sẽ triển khai chương trình lan toả đạo đức doanh nhân Việt Nam; tổ chức thi sáng tác toàn quốc bài ca doanh nhân Việt Nam.

Ba là, hỗ trợ địa phương mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế và khai thác các hiệp định thương mại tự do FTA nước ta đã ký kết. Cụ thể là năm nay sẽ có các chương trình xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư do VCCI tổ chức tại các thị trường trọng điểm là Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ, sẽ mời đại diện lãnh đạo địa phương và các DN trong khu vực tham gia; VCCI cũng sẵn sàng hỗ trợ riêng cho các địa phương có nhu cầu tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư ở nước ngoài. VCCI sẽ tổ chức các lớp hướng dẫn khai thác các FTA cho các doanh nghiệp.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi bày tỏ lòng biết ơn đối với cộng đồng doanh nghiệp cả nước trong suốt thời gian qua đã đồng hành, góp ý và đầu tư vào Thành phố, đóng góp cho sự phát triển của Thành phố.

Tăng cường hợp tác giữa VCCI với chính quyền các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi gặp gỡ.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng kỳ vọng tại buổi gặp mặt hôm nay, Thành phố cũng như 6 địa phương sẽ được lắng nghe các ý kiến góp ý của VCCI cũng như các doanh nghiệp, để các địa phương làm tốt hơi việc cải thiện môi trường đầu tư, chuẩn bị các điều kiện để Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển đúng với vai trò của mình.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, năm 2020, 2021, TP.HCM cũng như nhiều địa phương trong cả nước đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, dịch bệnh đã tác động lớn đối với kinh tế xã hội của Thành phố, của vùng, cũng như của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đến năm 2022, Thành phố đã tập trung phục hồi và phát triển mạnh hơn dự kiến. Có được kết quả đó, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng là do nhân dân, công đồng doanh nghiệp năng động, vượt khó đẩ đứng dậy. Nhờ sự vượt khó, sự năng động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp Thành phố, nên Thành phố mới đạt được kết quả phục hồi như vậy.

“Đối với năm 2023, quý IV/2022 đã xuất hiện những tình huống khó khăn mới và không thuận lợi như 3 quý đầu của năm 2022. Từ những dấu hiệu khó khăn này, TP.HCM đã kịp thời ghi nhận và trong quá trình tương tác với cộng đồng doanh nghiệp tại TP.HCM, Thành phố đã có những ý kiến với Trung ương, đồng thời Chính phủ cũng có những đánh giá toàn diện hơn, sâu sắc hơn về tình hình chung, từ đó có những giải pháp, giúp Thành phố ổn định tình hình. Thành phố cũng đặt mục tiên tăng trưởng năm 2023 bằng với năm 2022”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá.

Bà Trần Tuệ Hiền – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đánh giá, việc tổ chức sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm thiết thực của VCCI đối với các hoạt động thúc đẩy kết nối, phát triển của doanh nghiệp với các cơ quan Nhà nước và đặc biệt là các địa phương vùng Đông Nam Bộ.

Tăng cường hợp tác giữa VCCI với chính quyền các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp
Bà Trần Tuệ Hiền – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đánh giá, việc tổ chức sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng.

Từ năm 2014, Chính phủ đã xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững là một nhiệm vụ rất là quan trọng và thường xuyên. Thông qua việc là hàng năm Chính phủ ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trờng kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ở cấp độ địa phương, bà Hiền cho biết, nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh được kết hợp lồng ghép đánh giá kết quả thực hiện mới, nâng cao các chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, đặc biệt là Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

“Tỉnh Bình Phước nhận thấy vai trò của VCCI rất to lớn và ngày càng khẳng định trong việc tham gia xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chủ trì điều tra, khảo sát và công bố chỉ số PCI hằng năm, đánh giá và xếp hạng chất lượng điều hành của chính quyền các tỉnh, thành phố, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc phát triển lớn mạnh của các doanh nghiệp”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền chia sẻ.

Theo bà Tuệ Hiền, có thể khẳng định Chỉ số PCI được xem là công cụ chính sách hướng tới sự thay đổi thực tiễn, là tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp và môi trường kinh doanh đối với từng địa phương, là kênh thông tin tham khảo tin cậy về địa điểm đầu tư, là động lực cải cách quan trọng đối với môi trường kinh doanh cấp tỉnh, thúc đẩy cho các tỉnh, thành phố phải vào cuộc để tập trung cải cách hành chính, thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh một cách nghiêm túc và thực chất.

Bà cũng cho biết, những năm gần đây thì tỉnh Bình Phước đã có rất nhiều nỗ lực trong việc cải thiện chỉ số PCI, kết hợp với thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện môi trường đồng tiền kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Với những quyết tâm của tỉnh trong việc xây dựng các kế hoạch, đề ra các cái giải pháp và đôn đốc thực hiện đã đạt được những cái kết quả nhất định.

“So với các địa phương trong cả nước cũng như khu vực Đông Nam Bộ, Bình Phước với xuất phát điểm thấp và hiện nay còn rất khiêm tốn, phải nỗ lực rất là lớn. Trên cơ sở bám sát Báo cáo PCI hàng năm với sự quan tâm, hỗ trợ của VCCI trong những phân tích, đánh giá chuyên sâu về lĩnh vực cạnh tranh của tỉnh, Bình Phước đã tập trung thực hiện các cái giải pháp để cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong khuôn khổ pháp luật và kịp thời có những giải pháp để đáp ứng yêu cầu cũng như đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp” bà Tuệ Hiền nhấn mạnh.

Tăng cường hợp tác giữa VCCI với chính quyền các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp
Toàn cảnh buổi gặp gỡ VCCI Xuân Quý Mão.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh cho biết, ngày 07/10/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW và Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 154/NQ-CP về phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu đến năm 2030 Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước. Bà Rịa – Vũng Tàu đã xây dựng Chương trình hành động cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết trên địa bàn.

Theo ông Khánh, trong Nghị quyết 24, Bộ Chính trị đã xác định 05 nhóm mục tiêu phát triển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, bao gồm cả công nghiệp, cảng biển và du lịch; tiếp tục phát triển, hiện đại hoá Cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép – Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực Châu Á và quốc tế; Phát triển thành phố Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế.

Tăng cường hợp tác giữa VCCI với chính quyền các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh phát biểu tại buổi gặp gỡ.

Ông Khánh cho biết, để làm cơ sở thực hiện Nghị quyết, đồng thời tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, tỉnh đang tập trung triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối liên vùng đảm bảo đúng tiến độ yêu cầu như: Đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cầu Phước An, Đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh, đường ven biển Vũng Tàu – Bình Thuận, các dự án hạ tầng kỹ thuật thiết yếu của Côn Đảo,…

“Đây là những dự án rất cấp thiết trước mắt cũng như lâu dài, tạo ra động lực mới, hình thành những không gian phát triển kinh tế mới để thúc đẩy tăng trưởng, tạo nền tảng phát triển bền vững, đồng thời phát huy cao nhất những lợi thế, tiềm năng của tỉnh, để Bà Rịa – Vũng Tàu tự tin, vững vàng trở thành một cục tăng trưởng của cả nước theo tinh thần Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị. Đây cũng chính là cơ hội, là thời cơ quan trọng để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh tại tỉnh”, ông Khánh đánh giá.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng khẳng định, chính quyền và cả hệ thống chính trị của Bà Rịa – Vũng Tàu luôn nỗ lực để đồng hành cùng các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc cải cách thủ tục hành chính, triển khai các chính sách hỗ trợ, đối thoại để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất với mong muốn các doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục phát triển, nâng cao về nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả sử dụng lao động; thể hiện vai trò là lực lượng chủ lực quân lý, tổ chức các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, theo phương châm “Lấy doanh nghiệp làm trung tâm, hướng đến doanh nghiệp”.

Về phía doanh nghiệp, ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (TRUONG HAI Group) mong muốn được tham gia phát triển kinh tế tại vùng Đông Nam Bộ nơi ông đã trưởng thành. Ông cho biết, may mắn nhất của Thaco cũng như cá nhân ông là đã tham gia vào những ngành nghề kinh tế thiết yếu chính của đất nước.

Tăng cường hợp tác giữa VCCI với chính quyền các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp
Doanh nhân, Phó Chủ tịch VCCI Trần Bá Dương – Chủ tịch Thaco Group.

Theo ông Dương, nền kinh tế một vùng, hay của một tỉnh đòi hỏi phải có tính tích hợp và bổ trợ. Ông cho rằng, trong phân công trách nhiệm đối với lãnh đạo các địa phương, cũng như đối với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ cũng cần phải tạo ra được tính tích hợp và tính bổ trợ.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung phát triển các ngành nghề ở các cấp độ đầu mối,  các ngành nghề đòi hỏi chế biến sâu, hàm lượng công nghệ cao phù hợp với trình độ nhân lực và mức sông của từng địa phương.

“Những phát triển về hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chỉ là phương tiện, công cụ để góp phần phát triển kinh tế. Mà phát triển kinh tế phải là năng lực cạnh tranh, vừa là cạnh tranh trong nội vùng và lớn hơn là cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế”, ông Dương nhận định.

Góp ý cho Bình Phước và Tây Ninh, những địa phương có nhiều tiềm năng về nông nghiệp, ông Dương cho rằng, nếu chúng ta tổ chức được một nền nông nghiệp mang tính tích hợp và tuần hoàn thì mức lợi nhuận sẽ rất cao, khoảng từ 30-40% doanh thu. Việc tổ chức được nền nông nghiệp này vừa có tính trong một doanh nghiệp vừa có tính nền kinh tế nông nghiệp.

Đối với TP.HCM, ông Dương cho rằng, hiện nay chúng ta hay ngộ nhận về công nghệ cao và nói nhiều về số hóa…, nhưng ông cho rằng, những vấn đề trên cũng chỉ là những giải pháp để thực hiện và tùy vào hoàn cảnh, điều kiện để lực chọn, nhưng cần chọn lộ trình phù hợp.

“Đã có rất nhiều doanh nghiệp say xưa với chuyển đổi số, nhưng trên thực tế, chiến lược phát triển của doanh nghiệp mình lại chưa ổn. Quản trị có tính truyền thống về cấu trúc, về sơ đồ tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quy trình chưa có, nhưng đã vội vàng mời tư vấn chuyển đổi số vào”, ông Dương khuyến cáo. Đồng thời cho rằng, đối với Việt Nam, do có quỹ đất dành cho nông nghiệp lớn, nên cần làm nông nghiệp hữu cơ quy mô lớn và công nghiệp hóa.

Bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch Tập đoàn BRG cũng cho rằng, vùng kinh tế khu vực phía Nam luôn là vùng kinh tế đặc biệt của cả nước. Tính riêng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm tám tỉnh thành, chỉ chiếm dưới 10% diện tích và dưới 20% dân số nhưng là vùng kinh tế năng động nhất, thường xuyên đóng góp tới hơn 40% GDP của cả nước, giá trị kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 40%, thu về hơn 44% tổng thu ngân sách, tăng trưởng kinh tế bình quân gấp hơn 1,5 lần mức trung bình của cả nước, và hiện thu hút 56% số dự án và 45% số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Tăng cường hợp tác giữa VCCI với chính quyền các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp
Bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch Tập đoàn BRG.

Bà Nga cho rằng, vùng kinh tế này đang được các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương quan tâm sâu sát và chỉ đạo quyết liệt, cả về thể chế chính quyền lẫn trong các dự án đầu tư công để tạo ra những nền tảng tốt hơn nữa phục vụ cho mục tiêu xa hơn là đưa cả khu vực này lên một tầm cao mới.

“Đó là lý do khi nói tới vùng kinh tế này, hầu hết các đối tác quốc tế của chúng tôi đều rất quan tâm và muốn tập đoàn chúng tôi mở rộng quy mô đầu tư, kinh doanh và hợp tác vì tiềm năng vô cùng to lớn của khu vực này”, bà Nga đánh giá.

Đồng thời, bà cũng cho rằng, Tập đoàn BRG hiện đang dành những nguồn lực tốt nhất khi thành lập tới 2 chi nhánh để có thể đẩy nhanh các hoạt động kinh doanh của mình. Tuy nhiên, việc đầu tư vào khu vực này của Tập đoàn hiện vẫn còn rất khiêm tốn.

Tăng cường hợp tác giữa VCCI với chính quyền các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp
Lãnh đạo các địa phương chụp hình lưu niệm với các doanh nghiệp.

“Chúng tôi mong muốn cùng với các đối tác mạnh trên thế giới đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ như sân gôn, khách sạn, vui chơi giải trí và dược phẩm. Hiện nay, một số dự án của chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị và chờ hoàn tất các thủ tục hành chính và trong các cuộc họp nội bộ, các đối tác quốc tế luôn thể hiện mong muốn sớm hoàn tất các thủ tục này để sớm đưa dự án vào vận hành vì tiềm lực tài chính đầu tư đã được khẳng định và đảm bảo, chắc chắn khi hoàn tất các thủ tục hành chính, dự án sẽ sớm được khởi công và hoàn thiện trong thời gian ngắn nhất để đưa vào vận hành và trở thành những điểm nhấn phát triển mới của khu vực”, Chủ tịch Tập đoàn BRG khẳng định.

Cũng trong khuôn khổ buổi gặp gỡ, đã diễn ra các cuộc gặp gỡ song phương giữa lãnh đạo chính quyền các tỉnh, thành phố với lãnh đạo các doanh nghiệp trong khu vực.

Tăng cường hợp tác giữa VCCI với chính quyền các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp

Tăng cường hợp tác giữa VCCI với chính quyền các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp

Tăng cường hợp tác giữa VCCI với chính quyền các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp

Tăng cường hợp tác giữa VCCI với chính quyền các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp

Nguồn: diendandoahnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button