Tại sao Trung Quốc ngần ngại tung ra các gói cứu trợ kinh tế lớn?
Bằng việc giảm bớt các chính sách phản chu kỳ, Trung Quốc đã cố gắng duy trì tăng trưởng ngay cả khi nhu cầu không tăng, nhưng những thách thức kinh tế lại đang đặt ra vấn đề với tăng trưởng toàn cầu.
Tuân thủ “nguyên tắc suy giảm”
Theo SCMP, tổng cầu của Trung Quốc đã suy yếu đáng kể trong ba năm qua. Ngoài những tác động lâu dài từ chính sách chống Covid-19, nước này còn bị đè nặng bởi nhu cầu toàn cầu sụt giảm và xuất khẩu đã sụt giảm 14,5% so với cùng kỳ trong tháng 7.
Trước những áp lực suy thoái như vậy, quyết định của Chính phủ không công bố gói kích thích lớn như nhiều người dự đoán đã khiến các nhà quan sát nước ngoài và Trung Quốc phải bối rối. Trong khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn nắm rõ được tình trạng suy thoái kinh tế đang diễn ra, nhưng đồng thời họ cũng có thể ước tính về nguy cơ nhận được gói cứu trợ còn tệ hơn nguy cơ không hành động. Hoặc có thể, Chính phủ nước này hoàn toàn tin tưởng vào khả năng phục hồi của nền kinh tế trong nước trước suy thoái kinh tế toàn cầu và cho rằng nó sẽ tự phục hồi nhanh chóng.
Zhang Jun, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc đánh giá, Trung Quốc đang phải đối mặt với những rào cản đáng kể trước bất kỳ sự can thiệp kinh tế bổ sung nào. Việc tích lũy các khoản nợ khổng lồ, đặc biệt là giữa các chính quyền địa phương đã khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không có nhiều cơ hội để hành động.
Ngoài ra, môi trường bên ngoài ngày càng trở nên bất lợi ít nhất kể từ năm 2018, đặt ra những thách thức chưa từng có mà Trung Quốc phải đối mặt trong 40 năm qua. Do đó, cách tiếp cận ngày càng thận trọng trong quản lý kinh tế vĩ mô là điều hoàn toàn dễ hiểu, trong đó chính sách tiền tệ là một trường hợp thú vị.
“Ví dụ, khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 3/2020, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã ngay lập tức cắt giảm lãi suất xuống gần bằng 0. Ngược lại, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) chỉ hạ lãi suất 0,2 điểm phần trăm.
Tương tự, trong khi Fed đã tăng lãi suất nhanh chóng để đối phó với lạm phát gia tăng, tăng 5 điểm phần trăm kể từ tháng 3 năm ngoái, PBoC đã theo đuổi một loạt việc cắt giảm lãi suất khiêm tốn để đáp ứng tăng trưởng GDP và nhu cầu giảm”, ông Zhang Jun phân tích.
Thực tế, cách tiếp cận này cũng là lý do chính khiến Trung Quốc tránh được tình trạng lạm phát phi mã trong hai năm qua. Điều này đã được làm rõ trong bài phát biểu hồi tháng 4 của cựu Thống đốc PBoC – Yi Gang trong chuyến thăm Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington.
Trong bài phát biểu của mình, vị cựu Thống đốc nhấn mạnh việc PBoC tuân thủ “nguyên tắc suy giảm”, điều này gợi ý rằng các ngân hàng trung ương nên kiềm chế hành động quyết liệt trong những trường hợp không chắc chắn.
Mặc dù khái niệm này được đưa ra từ lâu, nhưng bài phát biểu của ông Yi Gang đã đưa ra những hiểu biết sâu sắc, về sự thay đổi trong tư duy chính sách kinh tế của Trung Quốc trong những năm gần đây.
Theo đó, về lý thuyết, một chính sách tiền tệ thận trọng hơn có thể điều chỉnh tốt hơn các biện pháp ngắn hạn và mục tiêu dài hạn. Để đạt được mục tiêu này, các ngân hàng trung ương nên đặt lãi suất thực càng gần với tốc độ tăng trưởng sản lượng tiềm năng càng tốt.
Bài phát biểu của ông Yi Gang phản ánh phong cách chính sách của các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Trung Quốc, nó giúp giải thích tại sao nền kinh tế Trung Quốc trở nên ít biến động hơn trong những năm gần đây. Với việc giảm bớt các chính sách phản chu kỳ, Trung Quốc đã cố gắng duy trì tăng trưởng ngay cả khi nhu cầu không tăng đột biến.
Điều này có thể phù hợp với kế hoạch phát triển của chính phủ, nhằm mục đích giảm thiểu chi phí khổng lồ liên quan đến việc đạt được mức tăng trưởng không cân bằng, như sự gia tăng nhanh chóng của các rủi ro tài chính ngắn hạn.
Kiềm chế rủi ro tài chính hệ thống
Vị Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc rời bỏ chính sách kinh tế vĩ mô tích cực có thể là do giới lãnh đạo nhận ra mối đe dọa, khi nước này đã đạt đến ngưỡng quan trọng về rủi ro tài chính hệ thống vài năm trước.
Đây là nguyên nhân khiến Bắc Kinh đã phát động nỗ lực “giảm thiểu rủi ro” toàn diện vào năm 2016. Để giảm thiểu rủi ro và giải quyết tình trạng tài chính hóa quá mức của nền kinh tế thực, Trung Quốc khởi xướng một làn sóng can thiệp tài chính có mục tiêu và giảm đòn bẩy, trấn áp ngành quản lý tài sản và gây ra sự điều chỉnh trong lĩnh vực tài chính cũng như bất động sản có đòn bẩy tài chính cao.
Tuy nhiên, rủi ro và bất ổn ngày càng xuất hiện từ áp lực bên ngoài. Trước đó, khi nền kinh tế Trung Quốc còn tương đối nhỏ và có tỷ giá hối đoái cố định, chính sách trong nước của nước này phần lớn được cách ly khỏi những ảnh hưởng bên ngoài. Nhưng nền kinh tế đã trở nên quá lớn và mối quan hệ của Trung Quốc với các nền kinh tế khác cũng thay đổi đáng kể, khiến Chính phủ phải áp dụng cách tiếp cận thận trọng hơn nhằm đối phó với tình trạng không chắc chắn.
“Ví dụ, PBoC hiện phải theo dõi chặt chẽ những thay đổi trong chênh lệch lãi suất Mỹ-Trung và đánh giá tác động tiềm tàng đối với thị trường vốn và tỷ giá đồng Nhân dân tệ. Các chính sách giảm rủi ro có thể đã tỏ ra hiệu quả trong việc ngăn chặn khủng hoảng tài chính hoặc nợ, nhưng đại dịch, các chính sách về Covid-19 sau đó đã cản trở khả năng tái cân bằng và phục hồi của nền kinh tế, dẫn đến nhu cầu giảm thêm.
Mục tiêu đưa tổng cầu trở lại mức trước đại dịch là rất quan trọng để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Nhưng để đạt được mục tiêu này, các chính sách tài chính và tiền tệ của Trung Quốc phải chủ động hơn, do các chính sách giảm thiểu rủi ro đã được duy trì trong một thời gian dài.
Trung Quốc vẫn có thể làm nhiều hơn nữa để tái cân bằng nền kinh tế của mình. Bằng cách cam kết thực hiện cải cách cơ cấu, xóa bỏ rào cản gia nhập và mở cửa các lĩnh vực hiện đang bị đóng cửa đối với cạnh tranh nước ngoài. Đồng thời có thể tạo ra nhiều cơ hội thị trường cho khu vực tư nhân và tiến gần hơn đến việc đạt được mục tiêu ổn định kinh tế lâu dài”, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế Trung Quốc nói.