Tài chính xanh và phát triển bền vững (kỳ 1): Kinh nghiệm tại các quốc gia

Tài chính xanh có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương, vùng, quốc gia…

Hiểu đúng về tài chính xanh

Có nhiều định nghĩa khác nhau về tài chính xanh.

Tài chính xanh và phát triển bền vững (kỳ 1): Kinh nghiệm tại các quốc gia

Để giải quyết ngoại tác tiêu cực đến môi trường, vai trò quy hoạch, định hướng vài điều tiết của chính phủ là rất quan trọng. Trong khi các giải pháp truyền thống chưa được áp dụng hoặc chưa mang lại hiệu quả như mong đợi, tài chính xanh (Green Finance) đang trở thành giải pháp khả thi được thảo luận sôi nổi cả về lý thuyết lẫn thực tiễn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh minh họa

Một cách khái quát, tài chính xanh có thể được hiểu theo định nghĩa của Chương trình UNEP:  Tài chính xanh là các giải pháp hướng tới phát triển bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu thông qua các sản phẩm và dịch vụ tài chính được cung cấp bởi các định chế tài chính.

Hay nói cách khác, tài chính xanh được hiểu tăng mức độ dòng tài chính (từ ngân hàng, tín dụng vi mô, bảo hiểm và đầu tư) từ nhiều nguồn lực (khu vực công, khu vực tư nhân và các tổ chức phi lợi nhuận) cho các ưu tiên phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ đó, các ngoại tác tiêu cực về môi trường và xã hội được giải quyết hiệu quả. Các dự án được tài trợ không chỉ hướng đến lợi nhuận mà còn tạo ra các lợi ích về môi trường. Đồng thời, trách nhiệm giải trình cũng được yêu cầu cao hơn.

Theo UNEP, so với các cách tiếp cận trước, các giải pháp về tài chính xanh được là sự phối hợp đa chiều giữa chính phủ, doanh nghiệp và người dân như sơ đồ 1 mô tả. Trong đó, chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc ứng dụng, điều tiết và và định hướng các giải pháp về tài chính xanh theo nhiều cách khác nhau. Ở cấp độ quốc gia, các giải pháp về tài chính công có thể được thúc đẩy thông qua những thay đổi trong khung pháp lý của các quốc gia, hài hòa hóa các giải pháp tài chính công, tăng cường các giải pháp tài chính xanh từ các lĩnh vực khác nhau. Trong khi đó, chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh quá trình ra quyết định tài chính của doanh nghiệp, thúc đẩy khu vực tư quan tâm nhiều hơn đến khía cạnh môi trường, phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững vùng, tăng đầu tư vào các lĩnh vực sạch và công nghệ xanh, tài trợ cho nền kinh tế xanh dựa trên tài nguyên thiên nhiên bền vững.

Tài chính xanh và phát triển bền vững (kỳ 1): Kinh nghiệm tại các quốc gia

Sơ đồ quan hệ đối tác đa chiều nhằm thúc đẩy sự phát triển của tài chính xanh Nguồn: UNEP

Các giải pháp về tài chính xanh tại một số quốc gia

Như đề cập tài chính xanh là một khái niệm rộng và chưa thống nhất về định nghĩa. Theo đó, các giải pháp về tài chính xanh cũng rất đa dạng và tùy thuộc vào từng quốc gia.

Trung Quốc

Theo Ngân hàng đầu tư Châu Âu, Trung Quốc đang ở giai đoạn quan trọng của việc điều chỉnh cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình phát triển. Theo đó, nhu cầu về tài chính xanh để hỗ trợ các ngành công nghiệp xanh và phát triển bền vững không ngừng tăng lên.

Một cách tổng quan, các giải pháp chính về tài chính xanh mà quốc gia này đang thực thi có thể được khái quát thành các nội dung chính sách gồm: Phát triển mạnh mẽ tín dụng xanh; Nâng cao vai trò của thị trường chứng khoán trong việc hỗ trợ đầu tư xanh; Hình thành Quỹ Phát triển Xanh và huy động vốn xã hội thông qua Quan hệ đối tác công tư (Public & Private Partnerships – PPP); Phát triển Bảo hiểm Xanh; Cải thiện thị trường giao dịch quyền phát thải và phát triển các công cụ tài chính liên quan; Hỗ trợ các sáng kiến của chính quyền địa phương nhằm phát triển tài chính xanh; Thúc đẩy Hợp tác Quốc tế về Tài chính Xanh; Phòng ngừa rủi ro tài chính và tăng cường thực hiện

Hàn Quốc

Theo Noh, chính phủ Hàn Quốc thực thi các giải pháp về Tài chính xanh tính đến năm 2018 thông qua Kế hoạch chủ động chuẩn bị trước biến đổi khí hậu.

Một cách khái quát, các giải pháp tài chính xanh tại Hàn Quốc được thúc đẩy và phát triển đồng bộ theo các chính sách chính như sau: (1) Hình thành các quỹ tài trợ hoạt động bảo vệ môi trường; Theo Noh (2018), chính phủ Hàn Quốc tạo ra các Quỹ môi trường Nhà nước như Quỹ Khí hậu xanh hay quỹ Bảo vệ môi trường. Thông qua các quỹ này, Bộ Môi trường Hàn Quốc thực hiện cấp các khoản tín dụng cho hoạt động sản xuất công nghiệp thân thiện với môi trường như phát triển năng lượng mới hay sử dụng năng lượng tái tạo;

(2) Thúc đẩy sự tham gia của các định chế tài chính vào các giải pháp tài chính xanh.

Bên cạnh các quỹ tài trợ môi trường, chính phủ Hàn Quốc cũng khuyến khích các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước tham gia vào các giải pháp tài chính xanh như các chính sách hỗ trợ tín dụng xanh. Không chỉ các ngân hàng thương mại, các định chế tài chính khác cũng tham gia vào các giải pháp này. Chẳng hạn, năm 2017, Quỹ Hưu trí nhà nước (National Pension Service- NPS) đã đầu tư 200 tỷ won vào hai quỹ đầu tư vốn tư nhân xanh (Green Private Equity Funds- PEFs) để xây dựng các cơ sở hạng tầng xanh nội địa như các nhà máy điện năng lượng tái tạo, nhà máy xử lý rác thải…;

(3) Phát triển thị trường trái phiếu xanh: Khác với nhiều quốc gia, trái phiếu xanh tại Hàn Quốc thường không phải là trái phiếu chính phủ.  Loại trái phiếu xanh phổ biến là trái phiếu doanh nghiệp, phát hành đại chúng nhằm tài trợ cho các dự án môi trường hoặc năng lượng tái tạo. Ví dụ, năm 2016, công ty tài chính Huyndai đã phát hành trái phiếu xanh nhằm tài trợ tài chính cho việc mua các phương tiện sử dụng động cơ hybrid.

(4) Tạo ra thị trường giao dịch quyền phát thải: Chính phủ Hàn Quốc chính thức triển khai vận hành thị trường Giao dịch phát thải (Emission Trading Scheme- ETS) từ năm 2015 hướng tới việc giảm thiểu phát thải một cách hiệu quả trong các ngành nghề khác nhau của nền kinh tế.

Singapore

Theo quan điểm của chính phủ Singapore, các giải pháp về tài chính xanh hiệu quả là sự kết hợp xem xét cả ba lĩnh vực chính liên quan là Môi trường, Xã hội và Quản trị (Environmental, Social, & Governance – ESG). Các nhà đầu tư và các công ty ngày càng chú ý nhiều hơn đến hiệu suất ESG và nhận ra rằng nó có thể có tác động nhất định đến danh tiếng, giá trị, hoạt động kinh doanh và đầu tư của công ty.

Theo đó, để thúc đẩy cơ chế này ở doanh nghiệp, Singapore tập trung tích hợp sâu hơn các vấn đề ESG vào các tổ chức tài chính ở Singapore nhằm phát huy tối đa tác động tích cực của nó đến môi trường. Trong những năm gần đây, chính phủ Singapore đang thúc đẩy tích hợp ESG trong lĩnh vực tài chính. Nhiều hoạt động nghiên cứu và phát triển hơn trong các sản phẩm ESG, mở rộng các sản phẩm tài chính xanh sẵn có và thúc đẩy thị trường trái phiếu xanh. Sàn giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) cũng đã bắt buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc ESG đối với tất cả các công ty niêm yết bắt đầu từ năm 2018.

ESG có thể được hiểu là liên kết các tiêu chuẩn bền vững của công ty với các quyết định đầu tư. Trong các lĩnh vực khác nhau, các tiêu chí ESG đã nổi lên như một cách giúp các nhà đầu tư hiểu và đánh giá khả năng phục hồi và tính bền vững lâu dài của các khoản đầu tư. Một cách khái quát, việc vận dụng các Nguyên tắc Đầu tư có Trách nhiệm (the Principles for Responsible Investment – PRI) của Liên Hiệp Quốc để kết hợp các vấn đề ESG trong chính sách tài chính xanh của Singapore có thể được khái quát như sau:

Tài chính xanh và phát triển bền vững (kỳ 1): Kinh nghiệm tại các quốc gia

Ứng dụng tiêu chí ESG trong tài chính xanh của Singapore

Theo đó, các ngành được đánh giá có rủi ro cao là nông nghiệp, hóa chất, quốc phòng, năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, lâm nghiệp, cơ sở hạ tầng, khai thác mỏ và kim loại, và quản lý chất thải. Những ngành này được xem xét đặc biệt khi áp dụng các chính sách tài chính có trách nhiệm liên quan đến mô hình kinh doanh và mức độ rủi ro của họ.

Như vậy, các giải pháp về tài chính xanh được hiểu là tổng hòa của nhiều giải pháp. Để thực sự giải quyết hiệu quả các vấn đề môi trường, các giải pháp về tài chính xanh cần được phát triển đồng bộ. Trong đó, việc vận dụng tiêu chí ESG có thể là giải pháp khả thi để nâng cao hiệu quả môi trường của tài chính xanh và tạo nền tảng cho phát triển bền vững của kinh tế vùng, cụ thể ở đây là vùng Đông Nam Bộ.

Kỳ 2: Thực trạng tại vùng Đông Nam Bộ và các giải pháp khả thi

Tác giả Trần Trung Kiên – Khoa Tài chính công, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM

Bài Viết Liên Quan

Back to top button