Sức sống mới ở bản Tìa Ló

Bản Tìa Ló có vị trí “đắc địa”, nằm ở trung tâm của các danh thắng nổi tiếng của huyện Điện Biên Đông. Phía trên có đỉnh Phù Lồng, phía dưới có Hồ Noong U, 2 bên là Chợ phiên Keo Lôm (xã Keo Lôm) và Hồ Nậm Ngám (xã Pú Nhi). 

Cách trung tâm TP Điện Biên Phủ khoảng 40km, bản Tìa Ló, xã Noong U, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, nằm gói trọn trong vòng ôm của dãy Phù Lồng. Nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, sở hữu khí hậu quanh năm mát mẻ, Tía Ló như một thế giới khác, thế giới của gió núi và tiếng thì thầm của đại ngàn.

Sức sống mới ở bản Tìa Ló
Bản Tìa Ló – Huyện Điện Biên Đông – Tỉnh Điện Biên

Đặc biệt, Tía Ló nổi tiếng với hồ Noong U (có nghĩa là cái ao tĩnh lặng) hay hồ Pa Già (nghĩa là Ao Rồng), hồ tự nhiên duy nhất ở huyện vùng cao Điện Biên Đông. Được bao bọc giữa tứ bề núi rừng, lại nằm cạnh rừng thông hơn 20 năm tuổi, hồ Noong U với diện tích gần 5ha, đẹp như một bức tranh thủy mặc. Rừng thông và những vạt rừng tái sinh ôm trọn lòng hồ. Điểm nhấn cho cảnh sắc xung quanh hồ là những cây cầu gỗ nhỏ xinh xắn bắc qua những “vùng vịnh” nơi lòng hồ ăn sâu vào bờ – giúp cho du khách có thể khám phá được quanh lòng hồ thuận lợi. Những thảm hoa xung quanh hồ đua sắc, rặng lau sậy ven bờ bung nở hoa trắng muốt cả một vùng không gian. Khu vực gần bờ những bè cỏ, rong rêu và các ụ đá nổi nằm rải rác càng khiến khung cảnh quanh hồ trở nên ảo diệu.

Sức sống mới ở bản Tìa Ló
Khu du lịch sinh thái Hồ Noong U 

Vào những buổi sáng sớm, mặt hồ Noong U bảng lảng hơi sương. Sương sà trên lưng núi, lên những nương đá tai mèo, quanh hồ mây trắng bồng bềnh, mờ ảo. Những ngày nắng sớm, mặt hồ lóng lánh muôn hồng nghìn tía. Điểm xuyết trong không gian tĩnh lặng là tiếng kêu của một vài loại thú rừng cùng tiếng chim hót. Buổi trưa, mặt hồ trong xanh, hiền hòa như chiếc gương khổng lồ in bóng dáng núi, mây trời và rừng thông xanh.

Sức sống mới ở bản Tìa Ló

Từ bản có thể phóng tầm mắt bao quát được toàn cảnh núi đồi và những vạt nương lúa, ngô xanh mướt; cùng với đó là cánh rừng thông thẳng tắp vươn cao, tạo nên một vẻ đẹp nguyên sơ, hùng vỹ. Những bản làng của cộng đồng các dân tộc nằm yên bình dưới chân núi, bám lưng chừng núi là nơi đồng bào dân tộc Mông sinh sống lâu đời. Không gian nhà ở của người dân nơi đây hòa quyện vào phong cảnh hùng vĩ, hoang sơ và lãng mạn của núi rừng, sông hồ. Bà con vẫn giữ gần như trọn vẹn nét văn hóa, phong tục tập quán truyền thống, từ kiến trúc nhà cửa, nhạc cụ, trang phục… Người dân Tìa Lò thân thiện, hiếu khách. Đặc biệt, Tìa Ló là một trong những bản không có tệ nạn xã hội, tạo nên một cộng đồng yên bình và giàu bản sắc.

Sức sống mới ở bản Tìa Ló
Đỉnh Phù Lồng – Huyện Điện Biên Đông

Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và sự thân thiện của đồng bào dân tộc H’Mông, nơi đây cũng đang dần trở thành một điểm đến hấp dẫn. Nhiều tuyến đường về Tìa Ló đã được rải nhựa và đổ bê tông vững chắc. Ông Sùng A Ư, Bí thư Đảng ủy xã Noong U cho biết: Những năm qua, tuyến quốc lộ qua địa phận xã Noong U đã được đầu tư, nâng cấp rộng rãi. Các tuyến đường từ trung tâm xã đến các bản và tuyến liên xã, liên bản đã được UBND huyện đầu tư làm đường bê tông. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân xã Noong U phát triển kinh tế và nâng cao đời sống.

Phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở bản Tìa Ló, xã Noong U là chủ trương của huyện Điện Biên Đông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc, tạo sinh kế cho người dân, hướng tới phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Qua đó giáo dục tình yêu quê hương, bản mường, xây dựng tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Sức sống mới ở bản Tìa Ló

Bản Tìa Ló đã “thay da đổi thịt”, tràn đầy sức sống mới. Diện mạo từng bước được định hình thành một bản du lịch cộng đồng. Từ bên ngoài bản, cổng chào đã được xây dựng, trang trí đậm chất văn hóa truyền thống với khèn, nỏ – những vật dụng đặc trưng, gắn bó với dân tộc Mông. Tuyến đường nội bản được đổ bê tông kiên cố, sạch sẽ. Hai bên đường là hàng cây xanh và các loại hoa đủ sắc màu. Trong bản, các hộ dân đã chỉnh trang nhà cửa, khuôn viên, xếp đá làm hàng rào, xây cổng, trồng cây xanh, hoa tạo không gian thoáng đãng, cải tạo cảnh quan môi trường… Nhà truyền thống cùng các phong tục tập quán, văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông cũng được phục dựng.

Đây là kết quả sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở Tìa Lò nói riêng, huyện Điện Biên Đông nói chung. Quyết tâm xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, Huyện ủy Điện Biên Đông đã ban hành nghị quyết chuyên đề; UBND huyện xây dựng đề án và kế hoạch triển khai mô hình du lịch cộng đồng Tù Lu Tìa Ló. Kế hoạch đã giao nhiệm vụ cụ thể cho 23 cơ quan, đơn vị, tổ chức hội và đoàn thể của huyện chung tay hỗ trợ người dân Tìa Ló phát triển bản du lịch cộng đồng.

Sức sống mới ở bản Tìa Ló
Chợ phiên Keo Lôm (xã Keo Lôm)

Để tiếp cận kinh nghiệm thực tế, huyện Điện Biên Đông đã tổ chức cho 136 hộ dân bản Tìa Ló đến học tập kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng tại bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Để trang bị kiến thức về du lịch cộng đồng, UBND huyện cũng đã mở lớp tập huấn tại bản cho bà con. Những đồng bào người Mông bình thường chỉ lên nương, làm rẫy, giờ được hướng dẫn kỹ năng thiết yếu làm du lịch cộng đồng như: Trình diễn văn hóa dân gian, bảo tồn chế tác khèn Mông, nấu ăn, vận hành homestay và đón tiếp khách du lịch…

26 hộ dân tiêu biểu, có nhà đạt chuẩn được lựa chọn và hỗ trợ thêm phần cải tạo cảnh quan, đầu tư cơ sở vật chất và phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng. Xung quanh bản Tìa Ló vốn đã xanh tươi nay càng đẹp hơn nhờ hệ thống cây hoa, chiếu sáng, người dân cũng ý thức hơn với việc giữ gìn vệ sinh chung. Cả bản đều mong muốn mô hình du lịch cộng đồng của mình thành công, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Lê Minh

Bài Viết Liên Quan

Back to top button