Sức sống mới cho du lịch nông nghiệp

Các địa phương có thế mạnh về nông nghiệp đang có nhiều lợi thế hơn trong việc đáp ứng nhu cầu du lịch tương lai.

Doanh nhân Nhữ Thị Ngần – Tổng Giám đốc Công ty Hanoi Tourism cho biết, “cái bắt tay” giữa doanh nghiệp – các hộ dân làm nông nghiệp, cùng sự bảo trợ của các cơ quan quản lý, của địa phương thì tin rằng sẽ có các sản phẩm du lịch nông nghiệp mang nét đặc thù và có tính cạnh tranh cao.

Sức sống mới cho du lịch nông nghiệp

Theo nữ doanh nhân, thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, du lịch nông nghiệp, nông thôn ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ, mang lại làn gió mới, sức sống mới ở khu vực nông thôn.

– Là doanh nghiệp có sự kết nối chặt chẽ với nhiều địa phương và luôn nằm trong top doanh thu cao trên cả nước, bà nhận định ra sao về tiềm năng của du lịch nông nghiệp hiện nay?

Trong quá trình đồng hành với địa phương trong việc thay đổi, phát triển và khác biệt hóa sản phẩm du lịch để thu hút du khách, tôi nhận thấy mỗi địa phương trải dài từ Bắc đến Nam đều sở hữu đặc trưng văn hóa, tiềm năng phát triển du lịch gắn với nông nghiệp khác nhau. Việt Nam là một đất nước nông nghiệp và đây chính là chất liệu và là điểm mạnh nhất mà doanh nghiệp và địa phương cần tập trung khai thác.

Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, du khách càng ngày càng có xu hướng quan tâm sức khoẻ, chú trọng đến thực phẩm sạch, môi trường trong sạch gắn liền với tự nhiên. Do đó, các địa phương có thế mạnh về nông nghiệp đang có nhiều lợi thế hơn trong việc đáp ứng nhu cầu du lịch tương lai. Du lịch nông nghiệp luôn đem lại cho du khách những cảm xúc mới lạ mà gần gũi không bao giờ nhàm chán.

Cụ thể, trong quá trình phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội, bên cạnh các sản phẩm truyền thống văn hoá, các tour tham quan di tích lịch sử, chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng. Đặc biệt, tại các khu vực đô thị trung tâm được phát triển mở rộng của Hà Nội như Sóc Sơn, Ba Vì, Chương Mỹ,…du khách có nhiều lựa chọn trải nghiệm với hàng chục trang trại sinh thái, những điểm du lịch làng nghề, kết hợp tham quan các di tích, di sản.

Mặt khác, đa dạng hoá trải nghiệm gắn với phát triển du lịch với nông nghiệp, nông thôn, không những đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân, cho địa phương, phục hồi du lịch hiệu quả mà còn tạo thành những mảnh ghép du lịch đa dạng, kết nối các sản phẩm du lịch, gia tăng sự lựa chọn cho du khách trải nghiệm.

Sức sống mới cho du lịch nông nghiệp

– Doanh nghiệp và địa phương cần làm gì để khai thác triệt để thế mạnh, đặc sắc riêng vùng miền tại các làng du lịch, thúc đẩy sự phát triển của du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, thưa bà?

Dù Việt Nam có nhiều tài nguyên để phát triển du lịch nông nghiệp nhưng trên thực tế, những khu vực có đủ khả năng khai thác chuyên nghiệp không nhiều. Thực tế cho thấy, không phải địa phương nào có tiềm năng nông nghiệp lớn thì sẽ thành công trong việc xây dựng sản phẩm du lịch. Cụ thể, địa phương muốn làm du lịch cần đáp ứng yếu tố về môi trường, về cảnh quan, phương thức sản xuất và dịch vụ mà người dân có thể cung ứng và đáp ứng nhu cầu của du khách.

Hầu hết các cơ sở nông nghiệp hiện nay chỉ mang tính chất làm thử du lịch, các sản phẩm mang tính tự phát, chưa biết cách vận hành chuyên nghiệp. Sản phẩm du lịch nông nghiệp mới chỉ dừng lại ở các “chất liệu thô”, chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu.

Để khắc phục được điều này, tôi cho rằng cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước và sự phối hợp của các doanh nghiệp du lịch. Với doanh nghiệp du lịch, chúng tôi có kinh nghiệm để hiểu được tâm lý tiêu dùng của du khách, kinh nghiệm về việc vận hành sản phẩm du lịch, quá trình kinh doanh dịch vụ sản phẩm du lịch đó. Người nông dân sẽ hiểu được sản phẩm của mình và biết cách cung ứng sản phẩm phù hợp với yêu cầu thị trường. Do đó, với “cái bắt tay” giữa doanh nghiệp – các hộ dân làm nông nghiệp, cùng sự bảo trợ của các cơ quan quản lý, của địa phương, tôi tin rằng chúng ta sẽ tạo ra các sản phẩm du lịch nông nghiệp mang nét đặc thù và có tính cạnh tranh cao.

– Dự báo của bà về tiến độ phục hồi của doanh nghiệp du lịch và bức tranh du lịch trong nước và quốc tế, thưa bà?

Mặc dù bức tranh toàn cảnh du lịch Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đang có nhiều tín hiệu khả quan nhưng chúng tôi vẫn cho rằng, chặng đường phục hồi của du lịch Việt vẫn sẽ vẫn kéo dài trong 3 năm tới để có thể quay lại “thời kỳ hoàng kim” như trước dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong khó khăn vẫn luôn hiện hữu cơ hội, chúng tôi nhận thấy rằng, số ít các doanh nghiệp du lịch có khả năng thích ứng tốt, biết tận dụng thời cơ đã xoay chuyển tình thế, tạo ra những sản phẩm du lịch vô cùng đặc sắc sẽ phục hồi tương đối vào năm 2024.

Hy vọng rằng, với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, những thành quả từ xây dựng nông thôn mới đã trở thành điểm tựa vững chắc để Việt Nam phát triển du lịch gắn với nông nghiệp. Qua đó, tạo ra những sản phẩm mới, đa dạng phục vụ nhu cầu của du khách bên cạnh các loại hình du lịch thế mạnh đồng thời góp phần quan trọng nâng cao đời sống cho nông dân, thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy đà phục hồi và tăng trưởng của toàn ngành du lịch Việt Nam.

Xin cảm ơn bà!

Bài Viết Liên Quan

Back to top button