Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Đổi cách tính thuế phải đánh giá kỹ lưỡng

Thay đổi phương pháp tính thuế mà không đánh giá tác động kỹ lưỡng, ảnh hưởng đến khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bia phổ thông thương hiệu Việt, sẽ gián tiếp ảnh hưởng lớn đến thu NSNN.

Đề cương Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) có đưa ra một số đề xuất sửa đổi phương pháp tính thuế, đó là: Bên cạnh việc áp dụng thuế suất theo tỷ lệ phần trăm (thuế tương đối) như hiện hành, có đề xuất bổ sung phương pháp tính thuế tuyệt đối và phương pháp hỗn hợp (áp dụng đồng thời cả thuế suất theo tỷ lệ phần trăm và mức thu tuyệt đối) và đề xuất áp dụng đối với các mặt hàng như sau:

Bổ sung thuế tuyệt đối và áp dụng thuế hỗn hợp đối với mặt hàng thuốc lá (mức thuế cụ thể sẽ được nghiên cứu đề xuất sau, nếu Dự thảo Dự án Luật thuế TTĐB được đưa vào chương trình);

Giữ nguyên phương pháp tính thuế tương đối, đồng thời có điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB theo lộ trình đối với mặt hàng rượu, bia.

Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Đổi cách tính thuế phải đánh giá kỹ lưỡng

Ông Nguyễn Văn Phụng, Chuyên gia cao cấp về Thuế và Quản trị Doanh nghiệp

Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), có một số ý kiến cho rằng cần nghiên cứu, bổ sung phương pháp tính thuế tuyệt đối, phương pháp tính thuế hỗn hợp áp dụng đối với mặt hàng rượu, bia. Quan điểm và lý sự của các ý kiến này cho rằng: Áp thuế tuyệt đối hoặc thuế hỗn hợp là cách tính thuế tiên tiến, đơn giản, dễ thực hiện, nhiều quốc gia đã áp dụng nhằm hạn chế tiêu dùng, hạn chế sản xuất đối với các mặt hàng có hại cho sức khoẻ như thuốc lá, rượu, bia.

Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo tài liệu Dự thảo Luật đang giữ quan điểm chưa áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp, phương pháp tính thuế tuyệt đối. Dự thảo đang thể hiện giữ nguyên phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm, phương pháp truyền thống được áp dụng lâu nay và đang phù hợp với thực tế Việt Nam trong cả hiện tại cũng như dự báo trong nhiều giai đoạn phát triển tới của đất nước.

Các vấn đề khi xem xét, áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối và thuế hỗn hợp.

Thuế tương đối hay thuế theo tỷ lệ phần trăm (%) tính trên cơ sở tính thuế (giá tính thuế, trị giá tính thuế, doanh thu tính thuế, …), Thuế tuyệt đối, hay Thuế hỗn hợp (gồm cả thuế tuyệt đối và thuế phần trăm) là các phương pháp tính thuế đều có những ưu điểm cũng như các nhược điểm nhất định.

Việt Nam đã có quy định về phương pháp tính thuế hỗn hợp, phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm, phương pháp tính thuế tuyệt đối tại Luật Thuế Xuất khẩu, Thuế Nhập khẩu (Luật số 107/2016/QH13 ngày 06/04/2016).

Việc cân nhắc lựa chọn áp dụng phương pháp tính thuế nào, thông thường sẽ tùy thuộc vào các yếu tố: Yêu cầu động viên thuế của Nhà nước; Đặc điểm của đối tượng chịu thuế (gồm hàng hóa/dịch vụ chịu thuế, chủ thể kinh doanh hàng hóa/dịch vụ chịu thuế …); Mức độ tuân thủ/tự giác của Người nộp thuế; Khả năng và trình độ của cơ quan quản lý thuế; Trình độ kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước theo chức năng (đối với cả Cơ quan quản lý thuế, Người nộp thuế, và các Đối tác có liên quan); Sự minh bạch, tính liêm khiết của thị trường, cơ hội và khả năng giám sát của người dân. … Các cơ quan tham mưu sẽ có những nghiên cứu kỹ lưỡng về những điều kiện cần và đủ, phân tích rõ và đánh giá bài toán lợi ích và chi phí … trên cơ sở đó mà đề xuất áp dụng phương pháp tính thuế phù hợp nhất trong từng giai đoạn phát triển.

Thuế tuyệt đối có ưu điểm là tạo sự rõ ràng, nhất quán, người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế biết chính xác số tiền thuế sẽ phải nộp là bao nhiêu tại thời điểm tính thuế. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của thuế tuyệt đối là không bắt kịp được sự biến động của giá cả khi có lạm phát hoặc giảm phát. Đối với môi trường kinh doanh, thuế tuyệt đối có thể tạo cơ hội cho việc phát sinh các hành vi lũng đoạn thị trường, tình trạng “cá lớn nuốt cá bé” hoặc một số thương hiệu ngoại nhập có thể làm triệt tiêu một số mặt hàng hoặc ngành nghề truyền thống của địa phương nếu như công tác quản lý thị trường còn hạn chế.

Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Đổi cách tính thuế phải đánh giá kỹ lưỡng

Thay đổi phương pháp tính thuế mà không đánh giá tác động kỹ lưỡng, ảnh hưởng đến khả năng sản xuất kinh doanh của DN bia phổ thông thương hiệu Việt, sẽ gián tiếp ảnh hưởng lớn đến thu NSNN cũng như cân đối ngân sách của các địa phương.

Điều gì sẽ xảy ra nếu như chúng ta quy định mặt hàng rượu sẽ áp dụng thuế tuyệt đối. Giả định mức thuế đối với 01 lít rượu (loại có độ cồn trên 350) là 100.000 đồng, không phân biệt xuất xứ, nhãn hiệu? Khi ta có 01 chai rượu mạnh loại có thương hiệu lớn mà người dân đang ngưỡng mộ, giá thị trường đang chấp nhận là 900.000 đồng; Đặt bên cạnh để so sánh là 01 chai rượu có cùng độ cồn và cùng dung tích, nhưng là nhãn hiệu nhà sản xuất là một cơ sở sản xuất truyền thống (có tên tuổi vài chục năm) và mức giá thị trường đang là 100.000 đồng. Người tiêu dùng sẽ chấp nhận ra sao và mức đóng góp ngân sách liệu có công bằng nếu như chúng ta so sánh với phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm (giả định thuế suất là 65%)?

Một số khuyến nghị

Bất luận trong trường hợp nào, ở xã hội nào, đất nước nào, ở giai đoạn nào trong tiến trình phát triển của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ, Thuế đều phải dựa trên cơ sở kinh tế vốn có của nó là sản xuất kinh doanh, sức khỏe của nền kinh tế, là thu nhập và chi tiêu của người dân, là sự tồn tại và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Với Việt Nam, chúng ta vừa mới trải qua hơn 02 năm đại dịch Covid-19, cộng với bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, xung đột vũ trang do mâu thuẫn giữa các quốc gia lớn trên thế giới, các doanh nghiệp và nền kinh tế trong nước nói chung, các doanh nghiệp sản xuất bia rượu trong nước nói riêng, họ đang gặp rất nhiều khó khăn.

Trong giai đoạn hiện nay, ngoài các mục tiêu điều tiết tiêu dùng, tạo lập và ổn định NSNN như định hướng của Chính phủ đã đặt ra thì chính sách, pháp luật về thuế TTĐB, cần phải đóng vai trò là công cụ hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, dần phục hồi sản xuất kinh doanh để tạo sự phát triển bền vững lâu dài. Các phương pháp tính thuế TTĐB khi xem xét, sửa đổi cần được cân nhắc, đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng ưu, nhược để áp dụng cho phù hợp với bối cảnh, điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam.

Theo đó, tôi đưa ra một số khuyến nghị, lưu ý để Bộ Tài chính, Chính phủ và Quốc hội cân nhắc kỹ lưỡng khi nghiên cứu phương pháp tính thuế mới (hỗn hợp, tuyệt đối) đối với ngành rượu bia, gắn với mục tiêu và đạo lý chính sách, tránh tạo ra những tác động nặng nề cho các doanh nghiệp sản xuất bia thương hiệu Việt trong nước:

Một là, cần đảm bảo sự công bằng xã hội, không gây khó cho doanh nghiệp, bảo vệ ngành đồ uống trong nước, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc

Tại thị trường bia rượu hiện nay của Việt Nam, giá bán giữa các sản phẩm có sự chênh lệch lớn giữa các sản phẩm phổ thông và sản phẩm phân khúc trên phổ thông. Nếu áp dụng mức thuế tuyệt đối trên số lít sản phẩm, giá của các dòng sản phẩm phân khúc trên phổ thông sẽ rẻ hơn tương đối so với giá của chính dòng sản phẩm này trong trường hợp tính theo tỷ lệ phần trăm, trong khi giá của dòng sản phẩm phổ thông sẽ bị đẩy cao lên. Do đó, nếu thu thuế theo phương pháp tuyệt đối hoặc hỗn hợp sẽ tạo áp lực lớn đối với sản phẩm phổ thông giá thấp, ảnh hưởng đến sản xuất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất rượu bia thương hiệu Việt trong nước, thậm chí có thể khiến các nhà máy bia trong nước phải phá sản, đóng cửa.

Những tác động trực tiếp có thể nhận thấy khá rõ như: Khi tạo ra mặt bằng giá cao hơn do tác động của chính sách thuế sẽ khiến sức mua của thị trường sụt giảm, bia không tiêu thụ được trong khi có đến 80% thị phần tiêu thụ là các dòng bia phổ thông thương hiệu Việt. Sức mua giảm dẫn đến doanh thu giảm, khả năng sản xuất giảm, gây ra các hệ luỵ như kết quả kinh doanh thua lỗ, khó duy trì sản xuất, cắt giảm nhân công, thanh lý tài sản cố định.

Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Đổi cách tính thuế phải đánh giá kỹ lưỡng

Nếu thu thuế theo phương pháp tuyệt đối hoặc hỗn hợp sẽ tạo áp lực lớn đối với sản phẩm phổ thông giá thấp, ảnh hưởng đến sản xuất và khả năng cạnh tranh của các DN sản xuất rượu bia thương hiệu Việt trong nước, thậm chí có thể khiến các nhà máy bia trong nước phải phá sản, đóng cửa.

Tác động kéo theo là thu hẹp quy mô hoạt động và giảm hiệu quả kinh doanh của các ngành dịch vụ, du lịch, giải trí với vai trò là những nơi sử dụng sản phẩm rượu bia phục vụ nhu cầu tiêu thụ của khách hàng. Kế tiếp cũng sẽ là tác động tiêu cực việc làm, thu nhập của các cơ sở này cũng như các đại lý bán hàng bia, rượu.

Một thực tế hiển nhiên ai cũng thấy là các nhãn hiệu thương mại bia ngoại danh tiếng như Heineken, Tiger, Ashahi, Sapporo… đã được sản xuất lớn tại Việt Nam bởi các doanh nghiệp FDI. Do vậy khi doanh nghiệp được lợi thế cạnh tranh do chính sách thuế thì hệ quả tất yếu sẽ là: Thị phần sản xuất bia thương hiệu Việt bị sụt giảm, các mặt hàng bia thương hiệu quốc tế sẽ dần thay thế, chiếm lĩnh thị trường, từ đó dẫn đến tình trạng độc quyền và khi người tiêu dùng đã quen với “gu ngoại” họ sẽ tăng dần giá bán để đạt được mục tiêu tối đa lợi nhuận.

Trên thực tế, chính sách thuế TTĐB theo hướng áp dụng theo tỷ lệ phần trăm, điều chỉnh thuế suất theo lộ trình từng giai đoạn trong thời gian nhiều năm qua cũng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất bia địa phương tái cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để gia tăng sức cạnh tranh, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.

Vì vậy, việc duy trì phương pháp thu thuế tương đối sẽ phù hợp hơn với điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay, ít nhất trong trong giai đoạn hiện nay và thời gian tương lai khoảng 5 năm đến 10 năm tới nhằm tránh gây tổn hại đến ngành sản xuất bia trong nước thương hiệu Việt, trong điều kiện chúng ta đang dần vươn lên trên thị trường.

Hai là, điều tiết thu nhập, định hướng tiêu dùng, giảm tác động tiêu cực của đồ uống có cồn đến sức khoẻ con người

Mặc dù Việt Nam ta đã vươn lên trở thành một nước trong nhóm nước có thu nhập trung bình nhưng đại đa số người dân có mức thu nhập trung bình hoặc thấp. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, GDP bình quân đầu người của Việt Nam dao động từ 3.500 USD – 4.100 USD/người/năm. Theo thống kê, mức tiêu thụ rượu bia của Việt Nam trong các năm từ 2017-2019 trong khoảng từ 42,5 – 47,6 lít/người/năm (Giai đoạn năm 2020-2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giảm xuống lần lượt là 44,6 và 41,05 lít/người/năm) và phần lớn mức tiêu thụ sẽ ở các sản phẩm bia phổ thông thương hiệu Việt vì chúng phù hợp với thu nhập của người dân.

Do vậy, nếu chúng ta áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp hoặc phương pháp thuế tuyệt đối, chắc chắn giá bán của dòng sản phẩm phổ thông sẽ bị cao lên tương đối và giá bán của dòng sản phẩm phân khúc trên phổ thông sẽ rẻ đi tương đối. Điều này chưa chắc đã làm dịch chuyển hướng tiêu dùng sang sản phẩm phân khúc trên phổ thông (với lý sự tranh luận là các sản phẩm này có chất lượng cao hơn, ít gây hại hơn cho người tiêu dùng). Điều dễ hiểu là thói quen tiêu dùng của đại đa số người dân chúng ta đang nằm các dòng sản phẩm phổ thông bởi chúng có chất lượng chấp nhận được, hương vị hợp khẩu vị của số đông, giá cả lại phù hợp với thu nhập và vị trí xã hội.

Thực tiễn cuộc sống hiện nay đang thể hiện một xu hướng là đại đa số người dân (kể cả người có thu nhập trung bình, trung bình khá), một khi giá sản phẩm phổ thông bị đẩy lên cao, có thể dẫn đến tăng tiêu dùng ở các sản phẩm rượu bia không chính thức như rượu tự nấu thủ công, rượu tự nấu thủ công ngâm với thảo mộc, rượu giả/nhái, rượu không nhãn mác, rượu bia nhập lậu,…trong khi các sản phẩm này thường có chất lượng không được kiểm chứng và là nguyên nhân chính gây ra các tác hại của bia rượu như: ảnh hưởng đến sức khoẻ, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, tai nạn giao thông, bệnh tật,… Nếu xu hướng đó xuất hiện và lan tỏa thì chúng ta cũng không thể đạt được mục tiêu của Chính phủ đề ra là việc điều chỉnh thuế TTĐB phải hạn chế tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khoẻ người dân.

Ngoài ra, khi phát sinh nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm hàng lậu, hàng giả sẽ làm gia tăng hoạt động buôn lậu, kinh doanh hàng giả, trốn tránh thuế, gây tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước. Rõ ràng là, nếu công quản lý thị trường không tốt, sự phối hợp giữa các cơ quan có chức năng kiểm tra, giám sát không đồng bộ, không nhịp nhàng, không đầy đủ trách nhiệm như xảy ra đâu đó trong thời gian vừa qua … thì sẽ không thể bảo vệ được các doanh nghiệp sản xuất bia rượu chân chính, và khi đó, việc điều chỉnh thuế để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng sẽ không đạt được hiệu quả, không đạt mục tiêu như kỳ vọng, đồng thời vẫn tiếp tục tác động gây thất thu NSNN.

Ba là, bảo đảm nguồn thu NSNN và chi phí quản

Trên phương diện quản lý NSNN, việc đề xuất tăng thuế TTĐB dù theo phương pháp tính thuế nào cũng sẽ giúp tăng thu nguồn thu cho NSNN. Tuy nhiên, chúng ta cũng cũng cần cân nhắc kỹ những tác động của các đề xuất thay đổi đến sức mua của thị trường, tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sự phát triển của nền kinh tế trong triển vọng dài hạn.

Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Đổi cách tính thuế phải đánh giá kỹ lưỡng

Tiếp tục duy trì phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm và cân nhắc điều chỉnh tăng thuế suất theo lộ trình phù hợp với nhịp của thị trường và sức khỏe của doanh nghiệp.

Niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp luôn đặt vào sự tham mưu của các cơ quan quản lý nhà nước đối với Quốc hội, Chính phủ. Do vậy, kiên trì quan điểm dài hạn luôn đảm bảo nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu một cách bền vững, đồng thời vấn đề chi phí hành thu của cơ quan thuế, cần phải được tính đến mỗi khi có đề xuất một chính sách mới, phương pháp tính thuế mới, một biện pháp quản lý mới.

Đóng góp cho NSNN của ngành công nghiệp đồ uống trong giai đoạn gần đây tương đối cao và ổn định (từ 50 nghìn tỷ đồng đến 56,8 nghìn tỷ đồng mỗi năm). Trong bối cảnh các doanh nghiệp trong ngành đồ uống đang cần phục hồi sau ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, mức đóng góp ngân sách như vậy là rất đáng khích lệ.

Nếu thay đổi phương pháp tính thuế mà không đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng, ảnh hưởng đến khả năng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bia phổ thông thương hiệu Việt (đang sản xuất tại các nhà máy bia địa phương trải khắp cả nước) sẽ gián tiếp ảnh hưởng rất lớn đến thu NSNN cũng như cân đối ngân sách của các địa phương. Khi thị phần sụt giảm do mặt bằng giá bị đẩy cao lên (bởi tác động của thuế), sản lượng sản xuất và tiêu thụ giảm, đóng góp NSNN qua đó cũng sẽ giảm theo là điều dễ được nhận biết.

Lựa chọn phương pháp tính thuế nào là lựa chọn của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ, sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước để đảm bảo trong xu thế hội nhập của thế giới phải tạo ra lợi thế của quốc gia mình. Vì vậy, trong điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay, chúng tôi cho rằng thời điểm này chưa phải là thời điểm thích hợp để áp dụng phương pháp hỗn hợp hay phương pháp tuyệt đối, kể cả trên phương diện thu NSNN và chi phí quản lý thuế.

Mong rằng Chính phủ sẽ trình lên Quốc hội tiếp tục duy trì phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm và cân nhắc điều chỉnh tăng thuế suất theo lộ trình phù hợp với nhịp của thị trường và sức khỏe của doanh nghiệp.

Nếu được chấp nhận, việc tăng thuế tỷ lệ phần trăm ở mức vừa phải và lộ trình như nêu trên có thể được xem là phương án có hiệu quả trong phân bổ nguồn lực sẽ giúp đảm bảo ổn định nguồn thu NSNN, đồng thời vẫn điều tiết, định hướng tiêu dùng, giảm mức độ sử dụng đồ uống có cồn mà vẫn giúp các doanh nghiệp sản xuất bia rượu trong nước ổn định phát triển sản xuất kinh doanh.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button