Sửa Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn
Trước hàng loạt các đòi hỏi từ thực tiễn, nhất là khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng từ năm 2024, nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp là cấp thiết…
Theo đó, một trong những điểm hấp dẫn của Việt Nam trong thu hút FDI lâu nay là thuế thu nhập doanh nghiệp thấp, tuy nhiên, khi cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu được thực thi từ đầu năm 2024 thì lợi thế này bị suy giảm. Từ đó, các chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi các luật thuế, nhất là Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, được cho là một trong những giải pháp cấp thiết…
Thực tế cho thấy, mặc dù con số chính thức 20% là khá cao nhưng thuế suất ưu đãi (đặc biệt) thường được áp dụng lại rất hấp dẫn, dao động từ 5% đến 17% tùy theo lĩnh vực, quy mô và địa bàn đầu tư. Hơn nữa, pháp luật hiện hành của Việt Nam cho phép các hình thức miễn giảm thuế, do đó, thuế suất thực tế đối với FDI trong suốt thời gian đầu tư trung bình là 12,3%, với một số tập đoàn lớn, con số này thậm chí chỉ là một vài phần trăm.
Và trước thực tế đã nêu, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 nêu rõ, đề nghị Chính phủ cần khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu, rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đưa vào Chương trình năm 2023, năm 2024, kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; trong đó, cần tập trung nghiên cứu, xử lý nội dung liên quan đến áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, bảo đảm kịp thời áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024.
Mới đây, Bộ Tài chính cho biết, đối với dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), đơn vị dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2023 sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật để trình Chính phủ thông qua, trên cơ sở đó trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đăng ký bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024.
Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành và các Ủy ban của Quốc hội để nghiên cứu xây dựng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).
Theo Bộ Tài chính, đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp rộng, ảnh hưởng đến toàn bộ doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức có hoạt động kinh doanh; bên cạnh đó dự kiến sẽ phải rà soát lại, đánh giá kết quả tổng thể chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành để trên cơ sở đó đề xuất chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, đảm bảo cải thiện môi trường đầu tư, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong tình hình mới và thông lệ quốc tế…
Do đó, cơ quan này kiến nghị, các nội dung chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung tại Luật sẽ phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo và tham vấn ý kiến các chuyên gia, cơ quan, tổ chức trước khi trình các cấp có thẩm quyền…
Tuy nhiên, theo Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội, sửa Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp cần được ưu tiên hoàn thành trong năm 2024.
Cụ thể, đơn vị này cho rằng, hiện Chính phủ dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2023 hai Dự án Nghị quyết thí điểm để thực hiện thuế Tối thiểu toàn cầu theo trình tự, thủ tục rút gọn (Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao).
Các nội dung thực hiện thuế Tối thiểu toàn cầu cần được xem xét một cách tổng thể gắn liền với việc cải cách, hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư thông qua thuế thu nhập doanh nghiệp để có phương án chính sách thích hợp cho mọi doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài cũng như đầu tư trong nước, các nhà đầu tư hiện hành cũng như các nhà đầu tư mới.
“Tuy nhiên, các cơ quan liên quan của Chính phủ dường như chưa thật sự quan tâm đến việc xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và đang đề xuất lùi thời hạn trình Quốc hội dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp tại kỳ họp tháng 5/2024 sang kỳ họp tháng 10/2024”, Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội nhận xét.
Đồng thời cho rằng, dự kiến kế hoạch sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng này là chậm so với yêu cầu thực tế đang đặt ra, trong khi các nội dung liên quan đã được đề cập trong Báo cáo rà soát Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp của Chính phủ. Các cơ quan của Chính phủ cũng đã có nhiều thời gian nghiên cứu, chuẩn bị trên cơ sở các kiến nghị của khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong thời gian vừa qua.
Vì vậy, theo Thường trực Uỷ ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội, các cơ quan liên quan của Chính phủ cần khẩn trương tập trung xây dựng dự án sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, đặc biệt là nội dung về chính sách ưu đãi đầu tư thông qua thuế thu nhập doanh nghiệp trong bối cảnh thực hiện Thuế tối thiểu toàn cầu và coi đây là một trong những nhiệm vụ lập pháp ưu tiên cần hoàn thành trong năm 2024.
Liên quan đến nội dung này, trước đó, không ít chuyên gia đã đề xuất, vì lợi ích quốc gia, trước mắt Việt Nam cần chủ động thực hiện theo chương trình thuế tối thiểu toàn cầu, để giành quyền thu phần chênh lệch giữa thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế so với thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam. Về lâu dài, cần phải nghiên cứu sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, để đảm bảo tính ổn định chính sách.