Sửa Luật Đấu giá tài sản: Khắc phục tình trạng “thông đồng, dìm giá”

Chất lượng dịch vụ đấu giá còn bất cập, tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, “thông đồng, dìm giá” ngày càng có xu hướng tinh vi, phức tạp.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh trong tờ trình trước  Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản tại Phiên họp 25, chiều 16/8.

Sửa Luật Đấu giá tài sản: Khắc phục tình trạng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn thực hiện Luật Đấu giá tài sản cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Cụ thể, một số quy định về trình tự, thủ tục đấu giá chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn. Việc áp dụng trình tự, thủ tục đấu giá đối với một số loại tài sản đặc thù còn gặp khó khăn.

Chất lượng của đội ngũ đấu giá viên vẫn còn hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề; còn tình trạng đấu giá viên vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp Tờ trình cũng nhấn mạnh chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung còn bất cập, tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, “thông đồng, dìm giá” ngày càng có xu hướng tinh vi, phức tạp, cơ chế kiểm soát còn bộc lộ một số vướng mắc, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá còn một số hạn chế, khó khăn.

“Còn tình trạng người có tài sản đấu giá chưa thực hiện vai trò, trách nhiệm của mình, thậm chí một số trường hợp còn có biểu hiện thông đồng, móc nối để trục lợi; việc giám sát quá trình đấu giá không thường xuyên, thậm chí là “buông lỏng”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.

Do đó, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đấu giá tài sản là rất cần thiết và cấp bách. Đồng tình với sự cần thiết phải sửa luật, song báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ thêm nhiều vấn đề.

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, việc bổ sung quy định thực hiện đấu giá trực tuyến thông qua cổng đấu giá tài sản quốc gia và trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản là phù hợp, bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, tránh tình trạng tiêu cực, gây thất thoát tài sản trong hoạt động đấu giá tài sản.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc quản lý cổng đấu giá tài sản quốc gia, như trách nhiệm về bảo mật thông tin trong quá trình tổ chức đấu giá tài sản bằng hình thức trực tuyến, lưu trữ thông tin phục vụ công tác tra cứu, theo dõi, giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán… bảo đảm việc vận hành thông suốt và hiệu quả của cổng đấu giá tài sản quốc gia…

Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục đấu giá tài sản như quy định về Quy chế cuộc đấu giá, niêm yết việc đấu giá tài sản, xem tài sản đấu giá, địa điểm tổ chức cuộc đấu giá.

Sửa Luật Đấu giá tài sản: Khắc phục tình trạng

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Địa điểm, thời gian bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá, người không được đăng ký tham gia đấu giá, tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước, thông báo công khai việc đấu giá tài sản, đấu giá theo thủ tục rút gọn; đấu giá không thành, hủy kết quả đấu giá và hậu quả pháp lý của hủy kết quả đấu giá…

Điều đó nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch và cách hiểu thống nhất trong quá trình thực thi, bảo đảm quyền lợi hợp pháp và nghĩa vụ của những chủ thể có liên quan đến tài sản đấu giá, bảo đảm hiệu quả trong hoạt động đấu giá tài sản, tránh hiện tượng thông đồng, dìm giá, làm nhiễu loạn hoạt động đấu giá tài sản.

Cơ quan thẩm tra cho rằng việc yêu cầu người có tài sản đấu giá phải xét duyệt điều kiện của người tham gia đấu giá là chưa phù hợp, nhất là đối với trường hợp người có tài sản đấu giá là cá nhân hoặc trường hợp có số lượng lớn người tham gia đấu giá đối với cùng một tài sản đấu giá.

Do đó, đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về hồ sơ đánh giá năng lực, điểm tích lũy kinh nghiệm của người tham gia đấu giá tài sản, nhất là đối với việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản, bảo đảm lựa chọn được người tham gia đấu giá tài sản có đủ năng lực về tài chính, chuyên môn và kinh nghiệm.

Cũng có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định thời hạn người trúng đấu giá nộp đủ tiền cho phù hợp với thực tế vì có ý kiến cho rằng quy định thời hạn sau 120 ngày nếu bên trúng đấu giá không nộp đủ tiền thì mới được hủy kết quả trúng đấu giá đất là quá dài đối với những tài sản trúng đấu giá có giá trị nhỏ.

Tuy nhiên, nếu rút ngắn thời hạn nộp tiền thì có thể gây ra khó khăn cho người trúng đấu giá nếu số tiền phải nộp lớn. Ý kiến khác đề nghị cần làm rõ trường hợp các bên có thỏa thuận khác thì hậu quả pháp lý đối với việc hủy kết quả đấu giá tài sản thi hành án và hợp đồng mua bán tài sản đấu giá đã được công chứng sẽ được xử lý như thế nào.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button