Sửa Luật Đất đai: Cần có quy định cụ thể về đất phát triển hạ tầng du lịch
Để có thể thúc đẩy du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08-NQ/TW năm 2017, góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), chuyên gia cho rằng, cần có quy định cụ thể về đất du lịch…
Theo đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chỉnh lý theo hướng không phân nhóm mà quy định trực tiếp các trường hợp thu hồi đất, liệt kê đến 30 trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 79).
Như xây dựng công trình giao thông bao gồm: đường ôtô cao tốc, đường ôtô, đường trong đô thị, đường nông thôn, điểm dừng xe, điểm đón trả khách, trạm thu phí giao thông, công trình kho bãi, nhà để xe ôtô;
Xây dựng cơ sở y tế, cơ sở dịch vụ xã hội được Nhà nước thành lập hoặc cho phép hoạt động, bao gồm: bệnh viện, phòng khám; phòng chẩn trị y học cổ truyền; cơ sở dịch vụ cận lâm sàng; cơ sở cấp cứu ngoại viện;
Xây dựng cơ sở giáo dục, đào tạo được Nhà nước thành lập hoặc cho phép hoạt động, bao gồm: nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, trường tiểu học, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp;…
Xoay quanh quy định đã nêu, góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh các đối tượng đã đề xuất, cần bổ sung đối tượng là dự án phát triển hạ tầng du lịch. Bởi, phát triển hạ tầng du lịch là một trong những giải pháp quan trọng để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08-NQ/TW năm 2017 của Bộ Chính trị.
Thực tế, theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW, du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc; có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh, quốc phòng. Đồng thời, cần tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch, khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao tại các địa bàn trọng điểm.
Để thực hiện được các vấn đề theo tinh thần định hướng này thì cần có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư tham gia phát triển hạ tầng du lịch bằng những dự án phức hợp, quy mô lớn, mà trước tiên chính là việc hỗ trợ tiếp cận đất đai. Trong đó, đất sạch là điều kiện tiên quyết để các dự án được hình thành.
Nhìn nhận về vấn đề này, GS. Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, các dự án phát triển du lịch đã được đưa vào diện Nhà nước thu hồi đất trong Luật đất đai 2003, Nghị định 84/2007/NĐ-CP cũng đã Luật hóa du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và đủ điều kiện được Nhà nước thu hồi đất, tuy nhiên, đến Luật Đất đai năm 2013 thì quy định này bị loại bỏ và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng không nhắc đến đối tượng này. Trong khi đó, Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị vẫn tiếp tục khẳng định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đến nay, dù Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chỉnh sửa nhiều lần nhưng vẫn bỏ quên các dự án du lịch, khiến những quy định pháp luật đang đi ngược lại với thực tiễn.
“Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, như Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra, cần phải có quy định cụ thể về đất du lịch. Đồng thời có những chính sách, cơ chế thực sự cởi mở về đất đai, thuế, đầu tư… để du lịch phát triển. Việc phát triển kinh tế mỗi giai đoạn đều có sự ưu tiên khác nhau, chúng ta đã xác định kinh tế du lịch là mũi nhọn, thì các dự án du lịch, tổ hợp du lịch phải thuộc diện Nhà nước thu hồi đất. Tôi đã nhiều lần phát biểu góp ý vấn đề này trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai, kiến nghị các dự án du lịch phải được bổ sung vào diện thu hồi đất để phát triển kinh tế, xã hội”, GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Đồng quan điểm đã nêu, một số ý kiến cũng cho rằng, khung pháp lý về phát triển cơ sở hạ tầng về du lịch hiện nay chưa đầy đủ, chưa thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận nguồn lực đất đai để phát triển cơ sở hạ tầng du lịch. Luật Du lịch hiện hành cũng không bao gồm việc xây dựng và hình thành, phát triển hạ tầng du lịch, dịch vụ. Từ đó kỳ vọng, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tạo ra những những điểm đột phá.
Liên quan đến Điều 79 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ngoài những vấn đề về đất cho phát triển hạ tầng du lịch, một số ý kiến đề xuất, cần bổ sung các dự án khu đô thị mới quy mô trên 300ha vào diện Nhà nước đứng ra thu hồi.
Bởi, Dự thảo Luật (sửa đổi) hiện không có quy định thu hồi đất đối với dự án khu đô thị mới, trong khi đó việc phát triển các khu đô thị có quy mô lớn (từ 300 ha thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương của Thủ tướng Chính phủ trở lên) là hiện hữu và được quy định tại Luật Đầu tư; đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất và kế hoạch phát triển nhà ở. Quy định cũng bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, bởi, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng và Luật Đầu tư cũng có các chế định, quy định về phát triển các khu đô thị mới.