Rủi ro thâm hụt nguồn cung xăng dầu

Theo đại diện Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, việc cắt giảm sản lượng của nhóm OPEC+ có thể đặt thị trường dầu thô vào rủi ro thâm hụt nguồn cung trong giai đoạn tới.

Trên thị trường thế giới, giá dầu bắt đầu có sự tăng vọt từ những phiên đầu tuần, đến sáng ngày 4/4, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 0,14% lên 80,53 USD/thùng vào lúc 7h17 (giờ Việt Nam), trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 6 tăng 0,14% lên 84,97 USD/thùng. Liên quan đến những biến động trên thị trường dầu mỏ, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trò chuyện với ông Nguyễn Đức Dũng – Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) xoay quanh chủ đề này.

Rủi ro thâm hụt nguồn cung xăng dầu

Ông Nguyễn Đức Dũng – Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

 – Xin ông cho biết, đâu là nguyên nhân khiến giá dầu tăng mạnh, điều này mang đến chỉ báo gì cho thị trường trong thời gian tới?

Nguyên nhân chính khiến giá dầu thô tăng vọt trong phiên đầu tuần này là do quyết định cắt giảm sản lượng tự nguyên lên tới khoảng 1,66 triệu thùng dầu/ngày của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+). Đây là yếu tố mang tính bất ngờ rất lớn với thị trường, khi trước đó, các lãnh đạo trong nhóm và các chuyên gia nhận định OPEC+ sẽ chỉ tiếp tục duy trì mức cắt giảm 2 triệu thùng/ngày theo cam kết hồi tháng 10 năm ngoái, nên thị trường phản ứng rất mạnh đối với tin tức này.

Như vậy, tổng mức cắt giảm sẽ khoảng 3,7 triệu thùng dầu/ngày, tương đương với khoảng 3,7% nhu cầu tiêu thụ toàn thế giới. Điều này thể hiện quyết tâm của nhóm OPEC+ trong việc hạn chế tác động vĩ mô tiêu cực đã gây sức ép tới giá dầu trong thời gian qua, nhưng cũng đặt thị trường dầu thô vào rủi ro thâm hụt nguồn cung trong giai đoạn tới.

– Trước đó, có nhiều dự báo rằng giá dầu sẽ tăng mạnh vào giữa năm 2023 trở đi, ông có quan điểm thế nào về điều này?

Giai đoạn quý 3 sẽ là mùa lái xe cao điểm, đặc biệt là các quốc gia tiêu thụ lớn như Mỹ, châu Âu. Tồn kho xăng dầu trong giai đoạn này thường chỉ bằng một nửa so với giai đoạn đầu năm, do nhu cầu tăng cao. Bên cạnh đó, nhu cầu tại quốc gia nhập khẩu hàng đầu là Trung Quốc cũng được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ sau khi mở cửa trở lại, đặc biệt là giai đoạn nửa cuối năm.

Rủi ro thâm hụt nguồn cung xăng dầu

Việc cắt giảm sản lượng dầu thể hiện quyết tâm của nhóm OPEC+ trong việc hạn chế tác động vĩ mô tiêu cực đã gây sức ép tới giá dầu trong thời gian qua

Trong bối cảnh nguồn cung bị cắt giảm, giá dầu sẽ được thúc đẩy mạnh hơn vào những tháng cao điểm này. Tuy nhiên, với rủi ro lãi suất tăng cao tại các nền kinh tế Bắc Mỹ, Tây Âu đang đè nặng lên triển vọng tăng trưởng, tôi cho rằng tiêu thụ tại khu vực này sẽ yếu hơn năm ngoái và hạn chế một phần đà tăng nóng của giá.

– Giá dầu tăng liệu có tác động đến thị trường xăng dầu trong nước và nếu có sẽ tác động ra sao, thưa ông?

Dầu thô là đầu vào quan trọng của nhiều lĩnh vực kinh tế đối với bất kỳ quốc gia nào, trong đó có Việt Nam. Giai đoạn năm ngoái khi giá dầu trên thế giới liên tục tăng cao, giá xăng trong nước đã có giai đoạn (như quý 2/2022) được điều chỉnh tăng 7 lần liên tiếp và có thời điểm vượt mốc 32.000 đồng đối với xăng RON95-III.

Trong trường hợp giá dầu trên thế giới tăng cao trong giai đoạn tới, giá xăng dầu trong nước nhiều khả năng cũng sẽ được điều chỉnh tăng phù hợp với xu hướng. Tuy nhiên, tôi cho rằng sẽ khó có thể tăng mạnh như giai đoạn năm ngoái, do nhu cầu suy yếu tại khu vực châu Âu và Bắc Mỹ sẽ bù đắp một phần sự tăng trưởng tại khu vực châu Á, giúp cho biến động của giá dầu ổn định hơn.

– Theo ông, để tránh xảy ra tình trạng bất ổn trên thị trường xăng dầu như năm 2022, Việt Nam cần có biện pháp điều hành ra sao, nhất là trong công tác dự báo giá?

Theo quan điểm của tôi, công tác dự báo giá sẽ rất quan trọng, là cơ sở đưa ra cơ chế điều chỉnh kịp thời, đảm bảo ổn định giá cả trong nước. Để đạt được điều này, cần phải theo dõi sát sao diễn biến cung cầu và tình hình vĩ mô trên thế giới, từ đó chủ động đưa ra trước các kịch bản có thể xảy ra và giải pháp đi kèm.

Hiện nay, tại Việt Nam đã có một số đơn vị cung cấp các thông tin, phân tích và dự báo một cách chính thống, chuyên nghiệp về thị trường xăng dầu. Đơn cử như Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam, đang cung cấp các bản tin thị trường tới lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công Thương và các cơ quan thông tấn, báo chí. Các dự báo, phân tích này sẽ rất hữu ích trong công tác dự báo giá xăng dầu thế giới và trong nước.

– Đặc biệt, để giúp doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tránh được thua lỗ, thì cần có giải pháp phòng ngừa như thế nào, thưa ông?

Với những biến động trên thị trường xăng dầu thế giới, các doanh nghiệp trong nước cần quan tâm trực diện hơn đối với biện pháp để phòng ngừa rủi ro về giá, trong đó có bảo hiểm giá. Bảo hiểm giá dựa trên nguyên tắc thỏa thuận ấn định cố định giá giao dịch cho một lô hàng tại một thời điểm trong một thời hạn nhất định, chuyển giao hàng trong tương lai. Ưu điểm của phương thức bảo hiểm giá là bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp khi giá tăng.

Hiện nay, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) đã triển khai các sản phẩm năng lượng như dầu WTI, dầu Brent, hay xăng pha chế RBOB liên thông trực tiếp với các sở giao dịch trên thế giới, công cụ bảo hiểm giá hiệu quả cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, MXV còn triển khai giao dịch các hợp đồng mini, micro để giúp phù hợp với nhiều chiến lược bảo hiểm giá, tương ứng với nhiều quy mô doanh nghiệp hơn.

Kế hoạch trong thời gian tới sẽ là phát triển các hợp đồng quyền chọn, cung cấp cho các DN xăng dầu quyền mua hoặc không mua sản phẩm với mức giá cố định trong tương lai. Điều này mang đến lợi thế rất lớn trong bối cảnh giá xăng dầu sẽ còn biến động trong thời gian tới.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bài Viết Liên Quan

Back to top button