Rửa sạch những bàn tay trót nhúng chàm

Lời khuyên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực sự chí nghĩa, chí tình, nêu đạo lý “quay đầu là bờ”.

Rửa sạch những bàn tay trót nhúng chàm

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội dự hội nghị tiếp xúc cử tri. Ảnh: Trí Dũng

Dịp tiếp xúc cử tri mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có buổi nói chuyện trao đổi với các cử tri quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình của Thủ đô Hà Nội.

Trước vấn đề nhức nhối liên quan đến sự tồn vong của chế độ là vấn nạn tham nhũng trong bộ máy công quyền, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Những trường hợp ngoan cố thì phải xử, hiện nay cũng đang làm một số vụ”. Tổng Bí thư nhắc lại Hà Nội phải gương mẫu trong công tác này: “Phòng là tốt nhất, đừng để xảy ra rồi mới chống”.

Tổng Bí thư nói thêm: “Đây là cuộc đấu tranh nội bộ trong chính chúng ta, trong mỗi con người chúng ta, cho nên phải làm kiên trì, làm bền bỉ, phương pháp đúng, nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình, chứ không phải cốt xử nặng. Chúng ta khuyến khích ai đã trót “nhúng chàm” rồi thì rửa tay đi”.

Bên cạnh thành tựu đạt được về kinh tế, khoa học kỹ thuật, dân trí thì mặt trái của quá trình hội nhập phát triển kinh tế của Việt Nam là sự tha hoá, xuống cấp về đạo đức lối sống của không ít cán bộ, công chức nhà nước.

Người có chức quyền lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để tư lợi cá nhân. Gây thiệt hại tài sản, danh dự của nhà nước, làm nhân dân suy giảm lòng tin vào chế độ.

Thời gian vừa qua, hàng loạt đại án được phanh phui như vụ que xét nghiệm Việt Á của Bộ Y tế, vụ “chuyến bay giải cứu” Bộ Ngoại giao làm cho có cán bộ cấp Bộ Trưởng cùng hàng loạt thuộc cấp phải vào tù. Họ phải trả giá cho sự tham lam vô độ của mình.

Chắc chắn trong số họ, nhiều người từng có quãng thời gian nhiệt tình làm việc, đạt nhiều thành tích mới được đề bạt cất nhắc lên các vị trí quan trọng nắm nhiều quyền lực. Nay ngã ngựa thật tiếc lắm thay.

Ở một góc nhìn khác có thể họ là nạn nhân của nạn “đầu cơ chính trị”, doanh nghiệp không muốn làm ăn chân chính, cạnh tranh sòng phẳng mà họ chọn cách bắt tay với các thế lực chính trị, tạo cơ cấu bè cánh, phe nhóm đưa người cùng nhóm lợi ích vào vị trí nắm quyền, sau đó xâu xé lợi ích chia nhau. Có những cán bộ bị gài bẫy đưa vào các cuộc chiêu đãi ăn chơi sa đoạ, rồi sau đó bị khống chế buộc phải làm cùng ăn chia với các băng nhóm.

Rửa sạch những bàn tay trót nhúng chàm

Hàng loạt vụ án lớn được đưa ra xét xử.

Một phần để hiện trạng này xảy ra là do lỗi của hệ thống kiểm soát quyền lực, giám sát hoạt động của cán bộ cấp cao chưa được nghiêm minh, cụ thể. Có nhiều khe hở, lỗ hổng trong thể chế cho những kẻ cơ hội nắm được, tận dụng để bòn rút của công thành của tư, làm giàu bất chính trên mồ hôi xương máu của nhân dân.

Lãnh đạo cấp cao chỉ đạo xử lý hết sức nghiêm minh không có vùng cấm, nên chỉ trong năm 2022 có tới 15 cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, ban bí thư quản lý có cả Bộ trưởng, chủ tịch thành phố, tướng tá công an, quân đội…

Các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 2.474 vụ/ 4.646 bị can, truy tố 2.157 vụ/ 4.564 bị can, xét xử sơ thẩm 2.198 vụ/ 4.620 bị cáo về tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó về tham nhũng đã khởi tố mới 414 vụ/ 939 bị can).

Nhân dân nức lòng khi các tham quan, ô lại sâu mọt đục khoét hại nước hại dân bị lôi ra ánh sáng, đứng trước vành móng ngựa nhưng phía sau đó là cả một nỗi đau khi người lỗi lầm kia một thời từng là đồng chí, đồng đội của mình.

Nên lời khuyên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực sự chí nghĩa, chí tình, nêu đạo lý “quay đầu là bờ”. Ai đó nếu tay trót nhúng chàm rồi thì đừng ngoan cố, hãy vượt qua mặc cảm, sợ hãi, hãy “rửa tay” trước khi quá muộn. Chủ động thành khẩn khắc phục hậu quả nộp lại tài sản bất chính, từ chức để có thể rút lui trong danh dự.

Nhược bằng tìm mọi cách “cố đấm ăn xôi” giữ ghế, giữ tài sản để đến lúc bị cơ quan pháp luật sờ gáy, réo tên thì “thân bại danh liệt”, sự nghiệp cố gắng cả đời tan theo mây khói, tai tiếng ô danh sẽ theo đến bao đời, ảnh hưởng đến cả con cháu người thân ở lại.

Ai cũng có thể mắc lỗi lầm, nhưng cách ứng xử với lỗi lầm ấy mới là bản lĩnh. Người chọn con đường chạy trốn ra nước ngoài, người tìm mọi cách xoá dấu vết, sang tên tài sản, chạy tội, ngoan cố…, nhưng lưới trời lồng lộng thưa mà khó lọt. Cuối cùng vẫn phải cúi đầu đưa tay vào còng số tám, chấm dứt một đời mà mất bao nhiêu công sức mới có được sự nghiệp vẻ vang.

Người thực tâm hối cải, tự nguyện giao nộp phần trót nhận hối lộ, tham nhũng, tự vấn với lương tâm trách nhiệm, tự nguyện rời vị trí để người xứng đáng hơn lên thay thế. Sai mà dám sửa chắc chắn được khoan hồng. Càng có nhiều người như thế thì bộ máy chính quyền sẽ dần trong sạch, vận hành phục vụ mục đích tối thượng đó là lợi ích của đất nước, nhân dân.

Cuộc chiến phòng chống tham nhũng còn nhiều cam go, những kẻ tham ô còn nhiều mưu ma chước quỷ để ăn chặn của công rồi tìm đường thoát tội. Nhưng với sự đồng lòng nhất trí, quyết tâm cao, chúng ta sẽ từng bước thành công, rồi chuyển dần sang phòng tham nhũng là chính, chống sẽ là thứ yếu. Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống luật pháp, thể chế, kiểm tra giám sát quyền lực cá nhân một cách chặt chẽ thì tham nhũng chắc chắn phải lùi xa.

https://diendandoanhnghiep.vn/rua-sach-nhung-ban-tay-trot-nhung-cham-234856.html

Bài Viết Liên Quan

Back to top button