Quy định về quy hoạch tổng mặt bằng còn tạo gánh nặng chi phí và thời gian tuân thủ
Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng, VCCI cho rằng, một số quy định còn tạo gánh nặng chi phí và thời gian tuân thủ…
Trả lời Công văn số 1985/BXD-PC ngày 03/06/2022 của Bộ Xây dựng về việc lấy ý kiến Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng (Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, một số quy định còn tạo gánh nặng chi phí và thời gian tuân thủ cho doanh nghiệp.
Cụ thể về hình thức một Nghị định sửa đổi nhiều Nghị định, theo VCCI, cơ quan soạn thảo đề xuất hình thức một Nghị định sửa đổi nhiều Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý của một bộ. Hình thức này có ưu điểm là giúp tiết kiệm thời gian, nhanh chóng điều chỉnh được những vướng mắc trên thực tế, tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy hai vấn đề của hình thức xây dựng pháp luật này.
Thứ nhất, do có quá nhiều vấn đề nhỏ trong một dự thảo khiến cá nhân, tổ chức liên quan và cả cơ quan có thẩm quyền ban hành khó theo dõi và đánh giá một cách tổng thể tác động của quy định được đề xuất. Hình thức này phù hợp với việc điều chỉnh các vướng mắc mang tính kỹ thuật chứ không nên đưa ra các chính sách mới, có tác động lớn, hoặc để xử lý các vấn đề phức tạp với nhiều bên liên quan. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo, cân nhắc việc xử lý các vấn đề mới, phức tạp trong Nghị định này (góp ý cụ thể dưới đây).
Thứ hai, tình trạng các cơ quan có thẩm quyền chậm thực hiện công tác hợp nhất văn bản gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp khi cần tra cứu quy định để áp dụng.
“Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nhanh chóng công bố các văn bản hợp nhất sau khi Nghị định này được ban hành”, VCCI góp ý.
Về quy hoạch tổng mặt bằng, VCCI cho rằng, Dự thảo bổ sung việc các dự án đầu tư xây dựng phải lập quy hoạch chi tiết rút gọn (gọi là quy hoạch tổng mặt bằng) và phải xin phê duyệt để làm cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng và cấp giấy phép xây dựng. Như vậy, quy định này đã bãi bỏ quy định miễn lập và thẩm định quy hoạch chi tiết đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 5ha (dưới 2ha đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở chung cư).
“Mặc dù gọi là quy hoạch chi tiết rút gọn, tuy nhiên, Dự thảo quy định trình tự thủ tục thẩm định phê duyệt quy hoạch này tương tự như trình tự thủ tục thẩm định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết. Như vậy, việc sửa đổi này sẽ tạo thêm thủ tục hành chính, gây gánh nặng chi phí và thời gian tuân thủ cho doanh nghiệp”, VCCI phân tích.
Theo VCCI, lý giải cho sửa đổi này, cơ quan soạn thảo cho rằng, khi không có quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch tổng mặt bằng thì sẽ dẫn đến khó khăn trong việc cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, vấn đề này có thể được khắc phục bằng việc có hướng dẫn chi tiết hơn khi cấp giấy phép xây dựng đối với các trường hợp chưa có quy hoạch chi tiết. Hiện nay, Luật Xây dựng và Nghị định 15/2021/NĐ-CP đã có quy định điều kiện cấp giấy phép xây dựng khi không có quy hoạch chi tiết thì sẽ dựa trên quy hoạch phân khu xây dựng và phải phù hợp với các quy định về quản lý kiến trúc, mục đích sử dụng đất, an toàn công trình, an toàn hạ tầng kỹ thuật, các hành lang bảo vệ, khoảng cách an toàn, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy, nổ.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án hướng dẫn cụ thể hơn việc cấp giấy phép xây dựng khi không có quy hoạch chi tiết, thay vì yêu cầu doanh nghiệp phải làm thêm thủ tục hành chính lập, thẩm định và xin phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng.
Bên cạnh những nội dung đã nêu, trong văn bản góp ý cho Dự thảo Nghị định, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc về quy định: Xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các công trình tiện ích khác trong khu đô thị và Kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
Nguồn : Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp