Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích cần quy định cụ thể hơn
Mặc dù, Dự thảo Luật Viễn Thông (sửa đổi) đã sửa đổi nhiều nội dung, tuy nhiên, quy định tại Điều 32 của dự thảo luật này về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam còn chung chung.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu ý kiến tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Viễn Thông sửa đổi (dự thảo luật), ngày 25/10.
Quan tâm đến nội dung về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết hiện nay hồ sơ dự án Luật Viễn Thông (sửa đổi) đã tương đối đầy đủ, báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng trình bày khá chi tiết các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm cũng như vấn đề về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích.
“Dự thảo luật đã sửa đổi nhiều nội dung về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, hoạt động dịch vụ viễn thông công ích một cách phù hợp hơn. Tuy nhiên, quy định tại Điều 32 của dự thảo luật về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam còn chung chung”, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, quy định về tổ chức, hoạt động, nguồn kinh phí, sử dụng nguồn kinh phí cho hoạt động bộ máy của quỹ còn chưa cụ thể, chưa đảm bảo chi tiết để có thể thực hiện hiệu quả.
Cụ thể, về điều kiện để giao nhiệm vụ hỗ trợ, cung cấp, sử dụng dịch vụ viễn thông công ích, thiết bị đầu cuối, điều kiện đặt hàng hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông công ích, điều kiện đấu thầu, cung cấp sử dụng dịch vụ viễn thông công ích, thiết bị đầu cuối và điều kiện hỗ trợ trực tiếp đối tượng sử dụng dịch vụ viễn thông công ích, thiết bị đầu cuối.
Dự thảo luật có liệt kê các điều kiện cụ thể, và điều kiện cuối cùng là “các điều kiện khác”. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị làm rõ nội dung của “các điều kiện khác”, vì đây là nội dung rất quan trọng trong dự án luật.
Về mức đóng góp, đối tượng được miễn giảm đóng góp vào Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, đại biểu cho rằng, không nên xem xét miễn giảm cho các doanh nghiệp viễn thông vào quỹ này, dù là doanh nghiệp mới tham gia thị trường cung cấp dịch vụ viễn thông.
Góp ý vào dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) quan tâm về quy định đấu giá số thuê bao dịch vụ viễn thông, đồng tình với nội dung tại điểm c khoản 4 Điều 50 về giá khởi điểm đấu giá số thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất được xác định bằng tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người theo giá hiện hành của năm liền kề trước thời điểm đấu giá theo công bố của Tổng cục Thống kê tính trong một ngày.
Tuy nhiên, trong thực tế có rất nhiều số thuê bao có giá trị cao so với giá khởi điểm. Do đó, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng cần phân nhóm trong số có giá trị tiềm năng cao vì vừa tăng thu ngân sách, vừa giảm số lượng người trúng đấu giá mà không lấy.
“Nếu không phân nhóm sẽ xảy ra nhiều trường hợp bỏ cọc khi nhiều số trúng đấu giá lên tới vài chục, vài trăm triệu đến vài tỉ đồng. Người trúng đấu giá sau đó thấy không phù hợp với nhu cầu thì họ sẽ trả lại số đấu giá và chỉ mất cọc tương đương với 262 nghìn đồng”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nhấn mạnh.
Đề cập đến những số có giá trị cao, đồng thời tham khảo thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị việc phân nhóm này giao cho Bộ quy định cụ thể.
Số thuê bao di động sau khi đấu giá không thành ở các nhóm sẽ được chuyển xuống nhóm có mức giá khởi điểm thấp hơn để tiếp tục đấu giá. Số ở nhóm có mức giá khởi điểm thấp nhất sau khi đấu giá không thành sẽ được phân bổ trực tiếp cho các tổ chức, doanh nghiệp.
Quan tâm đến khái niệm dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho biết tại khoản 8 Điều 3 dự thảo luật quy định dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet là dịch vụ cung cấp tính năng chính là gửi, truyền, nhận thông tin giữa hai hoặc một nhóm người sử dụng dịch vụ viễn thông trên Internet.
Theo đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh quy định như vậy còn chung chung, chưa rõ ràng, chưa cụ thể. Cơ quan soạn thảo cần làm rõ, dịch vụ này có được coi là dịch vụ viễn thông như được quy định tại khoản 7, Điều 3 dự thảo luật hay không.
“Nếu dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet được coi là dịch vụ viễn thông thì loại hình dịch vụ này sẽ phải chịu ràng buộc, đáp ứng tất cả các nghĩa vụ của dịch vụ viễn thông truyền thống”, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề xuất.
Ngược lại, nếu dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet không được coi như dịch vụ viễn thông truyền thống thì nên thay đổi tên gọi, định nghĩa lại tại khoản 8, Điều 3 dự thảo luật để tránh sự nhầm lẫn trong cách hiểu, áp dụng, thực thi pháp luật.
Hiện nay, quy định trong dự thảo luật đang coi các dịch vụ nhắn tin, nghe gọi trên internet là một loại hình viễn thông cơ bản, được sử dụng bởi người sử dụng dịch vụ viễn thông trên internet.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng, các dịch vụ liên lạc OTT không thể coi là dịch vụ cơ bản bởi chúng có nhiều tính năng, giá trị gia tăng khác so với dịch vụ viễn thông truyền thống. Do đó, đề nghị cần nghiên cứu, đổi tên dịch vụ nêu trên thành dịch vụ truyền, nhận thông tin trên internet, hoặc dịch vụ truyền dịch thông tin trực tuyến, và định nghĩa lại cho phù hợp, đảm bảo sự trong sáng, dễ hiểu của văn bản pháp luật.