Quảng Tây (Trung Quốc) sẽ là trọng điểm xuất khẩu nông sản của Việt Nam

“Quảng Tây vẫn sẽ là trọng điểm trong xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc với nền tảng hạ tầng tốt và đang tiếp tục được đầu tư, phát triển”.

Hiện nay, Trung Quốc điều chỉnh giảm cấp độ chính sách phòng, chống dịch COVID-19 đã giúp kiểm soát dịch bệnh trong hoạt động xuất nhập cảnh và thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu được nới lỏng đã tạo điều kiện cho giao thương nông sản giữa Việt Nam – Trung Quốc.

Ông Vương Chính Ba, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Tây (Trung Quốc) tại “Hội nghị thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt – Trung trong bối cảnh mới” ngày 14/2 đã chia sẻ: Hiện nay, mạng lưới thu mua nông sản của Hiệp hội này đang hoạt động tốt, có nhiều kinh nghiệm trong nhập khẩu hàng từ Việt Nam qua đường bộ, đường sắt, đường biển. Vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Tây mong muốn có thêm nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam liên hệ để hai bên hợp tác hơn nữa.

Quảng Tây (Trung Quốc) sẽ là trọng điểm xuất khẩu nông sản của Việt Nam

Trên 220 gian hàng của doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia Hội chợ thương mại quốc tế Việt – Trung 2022

Cùng với đó, Hội chợ thường niên Trung Quốc – ASEAN sắp tới cũng sẽ được tổ chức tại thủ phủ Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc gặp gỡ, trao đổi và được kỳ vọng có nhiều hợp đồng lớn được ký kết.

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Tây cũng cho biết sẽ tổ chức một cuộc triển lãm và bán sầu riêng Việt Nam quy mô lớn tại Nam Ninh, chủ yếu thông qua mô hình bán trước trực tuyến, để đổi mới mô hình bán trái cây Việt Nam tại Trung Quốc. Đây là một phần trong Dự án “Chợ trái cây quốc tế” tại Trung Quốc khởi động trong năm 2022 và điểm dừng chân đầu tiên sẽ là địa điểm thường trực của Hội chợ triển lãm Trung Quốc – ASEAN: Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây.

Quảng Tây (Trung Quốc) sẽ là trọng điểm xuất khẩu nông sản của Việt Nam
Ông Vương Chính Ba

Ông Vương Chính Ba kỳ vọng: “Để thúc đẩy giao thương nông sản giữa các doanh nghiệp của Hiệp hội với phía Việt Nam, chúng tôi hy vọng sẽ thiết lập mối quan hệ hợp tác trực tiếp nhất với các nhà cung cấp trái cây Việt Nam và giảm bớt các liên kết lưu thông”. Cùng với đó, đại diện Hiệp hội này cũng kiến nghị: “Phía Việt Nam cần tạo điều kiện hơn cho hoạt động thu mua online, tìm cách giảm bớt hơn nữa thời gian thông quan. Doanh nghiệp hai bên cũng cần bàn bạc, đàm phán kỹ để thông quan thuận lợi”.

Năm 2022, giá trị nhập khẩu nông sản Việt Nam tại Quảng Tây chỉ giảm khoảng 0,2% so với năm 2021, vì vậy sang năm 2023 được kỳ vọng sẽ có những kết quả vượt bậc hơn nữa. Ông Đỗ Nam Trung, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây cho biết Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương cùng Lạng Sơn đã có nhiều phối hợp kịp thời trong thời gian dịch bệnh. Chỉ có cửa khẩu Hữu Nghị là thông quan không ngừng. Đây là điểm sáng trong thương mại hai nước.

Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh đánh giá: doanh nghiệp Quảng Tây rất hào hứng, quan tâm đến nông sản Việt Nam, “đây là cơ sở để Quảng Tây vẫn sẽ là trọng điểm trong xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc với nền tảng hạ tầng tốt và đang tiếp tục được đầu tư, phát triển”.

“Với những thiên thời, địa lợi, nhân hòa đang có, tỉnh Quảng Tây cùng các địa phương có biên giới với tỉnh này của Việt Nam sẽ là điểm cầu nối giữa nông dân và người tiêu dùng. Tổng lãnh sự cho biết sẽ tiếp tục liên lạc chặt chẽ, phát huy vai trò hỗ trợ doanh nghiệp hai nước tiếp tục hợp tác trong thời gian tới”, ông Đỗ Nam Trung kỳ vọng.

Về định hướng hợp tác kinh tế với Trung Quốc thời gian tới, ông Tô Ngọc Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương  khuyến cáo các địa phương, cơ quan quản lý nên xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường.

“Chúng ta cần tận dụng hiệu quả hơn nữa cơ chế hợp tác giữa hai nước để tháo gỡ khó khăn, hàng rào kỹ thuật. Đồng thời xây dựng lộ trình, kế hoạch mở cửa thị trường cho mặt hàng xuất khẩu, đánh giá kỹ năng lực sản xuất trong nước và nhu cầu của thị trường Trung Quốc”, ông Sơn chia sẻ.

Về phía doanh nghiệp, đại diện Bộ Công thương đề nghị thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, doanh nghiệp phải chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu và nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường.

Một số biện pháp được đưa ra, gồm xây dựng đội ngũ nhân viên thông thạo thị trường, ngôn ngữ, tận dụng tuyến vận tải đường sắt liên vận Việt Nam – Trung Quốc và thúc đẩy khai thác thị trường thông qua hình thức thương mại điện tử.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button