Quảng Bình: “Xe 2 khúc” biển Lào “đại náo” cửa khẩu Cha Lo
Cục Hải quan Quảng Bình cho rằng không có chức năng xử lý với “xe 2 khúc” mang biển kiểm soát Lào hoán cải, nối trục có dấu hiệu quá tải, quá khổ thông quan cửa khẩu Cha Lo.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, tình trạng phương tiện vận tải hàng hóa mang biển kiểm soát Lào đi qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo – tỉnh Quảng Bình thời gian qua có dấu hiệu tăng đột biến. Đặc biệt, các phương tiện này đều đã hoán cải, nối thêm trục để chở được nhiều hàng hóa hơn nên thường hay được gọi với biệt danh “xe 2 khúc” với tải trọng trên dưới 70 tấn.
Qua quan sát, dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, Quốc Lộ 12 địa phận tỉnh Quảng Bình dẫn lên cửa khẩu quốc tế Cha Lo luôn ken đặc “xe 2 khúc”. Các phương tiện này đã bốc dỡ xong hàng hóa và đang trong thời gian chờ quay trở lại Lào để nhận hàng mới.
Sau khi “ăn hàng” tại Lào và làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu quốc tế Cha Lo, các phương tiện này sẽ di chuyển xuống tập kết tại ngã 3 Khe Ve rồi men theo Quốc lộ 12A đến đường Hồ Chí Minh, đi chuyển qua các địa phận các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An,… đến nơi tập kết. Trong đó, các phương tiện trên đều có dấu hiệu quá khổ, quá tải tuy nhiên vẫn được thông quan dễ dàng khiến dư luận đặt nghi vấn đề việc có sự chênh lệch trong việc chấp hành quy định tải trọng giữa doanh Việt Nam và doanh nghiệp Lào.
Cùng với đó, việc phải gánh cả nghìn xe tải trọng lớn mỗi ngày đang khiến tuyến đường dẫn lên cửa khẩu Cha Lo đang dần bị xuống cấp. Nhiều khu vực mặt đường bong tróc từng mảng dài, sụt lún sâu,… gây mất an toàn giao thông. Khi phát hiện sự có mặt của phóng viên, các phương tiện liền ngừng hoạt động, không tiến hành di chuyển, làm thủ tục thông quan.
Để tìm hiểu thông tin về công tác thông quan tại cửa khẩu, phóng viên đã liên hệ đến Chi cục Hải quan cửa khẩu Cha Lo nhưng vì quy chế phát ngôn nên đại diện đơn vị này hướng dẫn đến làm việc tại Cục Hải quan tỉnh Quảng Bình.
Tại Cục Hải quan tỉnh Quảng Bình, ông Trần Văn Sĩ – Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ (người được Cục Hải quan cử làm việc với đoàn) cho hay, vấn đề “xe 2 khúc” trên địa bàn cũng đang gây nhức nhối trong cộng đồng doanh nghiệp và việc xử lý các phương tiện này đang gặp nhiều khó khăn. Theo ông Sĩ, vấn đề này Cục Hải quan Quảng Bình cũng đang trong quá trình xử lý?!.
Đối với vấn đề xe Lào “đại náo” như hiện nay, ông Sĩ cho rằng xuất phát từ việc 2 nước Việt Nam và Lào có ký kết chung một Hiệp định thư về vận tải, quá cảnh hàng hóa giữa 2 quốc gia với nhau từ năm 2010. Theo vị này, xe Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Cha Lo khá nhiều năm và lực lượng Hải quan không có chức năng kiểm tra và xử lý vi phạm tải trọng?.
“Năm 2016 có Chỉ thị 32 của Thủ tướng Chính phủ về việc không thông quan cho các phương tiện quá tải trọng, thì lúc đó lực lượng Hải quan mới để ý xem tải trọng như thế nào là quá hay không quá. Tuy nhiên, lực lượng Hải quan không được giao chức năng này, nếu có phát hiện không được xử lý vi phạm”, ông Sĩ nói.
Cũng theo ông Sĩ, tại Hiệp định tạo thuận lợi cho giao thông vận tải giữa Việt Nam – Lào có đoạn 2 bên thừa nhận quyền của nhau nên đây cũng chính là vướng mắc, khó khăn trong xử lý vì tải trọng của Lào khác với tải trọng của Việt Nam. Cùng với đó, theo Chỉ thị Thủ tướng và quy định của Bộ Tài Chính thì lực lượng Hải quan không được thông quan nếu giấy đăng ký phương tiện không cho phép nhưng tại Lào có quy định tải trọng xe riêng nên không thể xử lý. Vì vậy, xe Lào cứ ùn ùn về đầy cửa khẩu và yêu cầu Hải quan phải tôn trọng Hiệp định, đành phải thông quan.
Vị này cho rằng việc xác định quá tải hay không quá tải không phải là chức năng của Hải quan, nếu tải trọng đè lên trục thì Hải quan không làm được vì không chuyên ngành nên cho thông quan. Đơn vị cũng đã thường xuyên báo cáo lên Tổng cục Hải quan, UBND tỉnh đề nghị quy định rõ tải trọng cho phép đối với các phương tiện này. Tuy nhiên, phần lớn giấy phép đều ghi tải trọng theo Lào, và vì việc tôn trọng nên thường dẫn đến vướng mắc.
“Xử lý cũng không được, mà không xử lý cũng không được, vì Hiệp định như thế và giấy tờ nước ngoài cũng như thế. Nếu là giấy tờ của Việt Nam thì rất dễ, nhưng giấy Lào, giấy tờ nước ngoài thì sẽ khác, nó sẽ ảnh hưởng đến quan hệ giữa 2 nước và có thể dẫn đến tắc đường. Nếu bên mình có động thái thì xe Việt qua đó đi về cũng sẽ rất khó. Trước mắt thì Hải quan sẽ cố gắng làm đúng quy định, nhưng cũng đừng ảnh hưởng đến hoạt động vận tải của doanh nghiệp Việt Nam khi sang bên đó. Cái này là vấn đề mà đơn vị đã báo cáo nhiều, năm nào cũng có nhưng không ai phản hồi. Cục Hải quan đã gửi kiến nghị đến Tổng cục Hải quan, gửi UBND tỉnh nhưng giải quyết trong nội bộ không được”, ông Sĩ thông tin.
Tại buổi trao đổi, phóng viên đề cập đến việc tham khảo văn bản kiến nghị của Cục Hải quan Quảng Bình, tuy nhiên vị này cho rằng không cung cấp được vì giải quyết nội bộ không xong, nếu có chỉ đạo thì sẽ cung cấp ngay. Trong khi đó, Cục Hải quan Quảng Bình đã có kiến nghị, thấy vấn đề và nhận thấy sẽ ảnh hưởng đến vấn đề vận tải trong nước và vận tải của nước ngoài rất rõ ràng.
Cùng với đó, ông Sĩ cũng thông tin về việc Hải quan có thiết bị cân tải trọng, tuy nhiên nếu đối chiếu theo quy định thì Hải quan không làm được. Bởi lẽ, không có quy định Hải quan sẽ phải cân theo bao nhiêu tấn, mà chỉ quy định không được thông quan hàng hóa nếu quá tải trọng ghi trong giấy phép đăng ký xe và bên Lào không có ghi tải trọng vào giấy phép hoặc nếu có thì ghi tải trọng rất lớn.
“Có cân nhưng cân xong để làm gì? Hải quan đã đề nghị bên Lào cho số tải trọng và họ vẫn làm, nhưng đường bên Lào rất tốt nên có thể chở được tải trọng rất lớn. Đơn vị đã báo cáo suốt nhưng không được trả lời”, ông Sĩ nói thêm.
Có thể nhận thấy rằng, việc chênh lệch về tải trọng và các quy định trong Hiệp định song phương giữa 2 nước đang bộc lộ nhiều bất cập. Trong đó, doanh nghiệp Việt Nam đã gặp nhiều bất lợi trong việc cạnh tranh với doanh nghiệp Lào, cùng với đó, hạ tầng giao thông tại Việt Nam cũng đang “oằn mình” gánh đội quân xe quá tải xuất phát từ Lào. Vì vậy, cần sớm có giáp pháp cụ thể để giải quyết vấn đề, trong đó hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động vận tải hàng hóa theo hướng cạnh tranh công bằng.
Để rộng đường dư luận, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có công văn gửi đến Công an tỉnh Quảng Bình, Phòng Cảnh sát giao thông, Sở Giao thông vận tải Quảng Bình để làm việc và đang chờ được phản hồi.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.