Quản trị nhân lực xanh trong bối cảnh chuyển đổi số
Ngày 20/6, tại Hà Nội, Trường Đại học Công đoàn tổ chức Hội thảo Quốc gia với chủ đề “Quản trị nhân lực xanh trong bối cảnh chuyển đổi số” nhằm luận giải về kinh tế xanh và tạo một diễn đàn học thuật để các nhà khoa học, nhà quản lý và các chuyên gia trong lĩnh vực quản trị nhân lực cùng trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và chia sẻ các nghiên cứu chuyên sâu về quản trị nguồn nhân lực xanh trong bối cảnh chuyển đổi số.
Hội thảo tập trung vào thảo luận những nội dung chính về thiết kế công việc xanh; tuyển dụng và lựa chọn xanh; đào tạo và phát triển xanh; quản lý hiệu suất xanh; quản lý khen thưởng và bồi thường xanh; sức khoẻ và an toàn xanh; quan hệ lao động xanh và sự tham gia của nhân viên nhằm thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả nguồn lực trong các tổ chức gắn kết với bảo vệ môi trường và thực hiện trách nhiệm xã hội một cách bền vững.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Đức Tĩnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn cho biết, Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp và nhận được hơn 100 bài viết. Tăng trưởng và phát triển xanh ngày càng trở thành xu hướng có tính quy luật trong sự phát triển nền kinh tế thế giới.
Ở Việt Nam, phát triển kinh tế xanh đã là lựa chọn trong sự phát triển chung của xã hội. Điều này được thể hiện rõ tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 01/10/2021: Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, và Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, ngày 7/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ “Phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, hướng tới nền kinh tế xanh”.
Để thực hiện được mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ và toàn diện các giải pháp, trong đó quản trị nhân lực xanh như là giải pháp cốt lõi; đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở nước ta trong những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ trong các hoạt động quản trị nhân lực đã và đang hỗ trợ đắc lực cho người lao động và tổ chức trong quá trình “xanh hóa” nhằm tạo ra đội ngũ nhân lực với kiến thức, kỹ năng xanh; góp phần tăng hiệu quả hoạt động và thực hiện tốt trách nhiệm xã hội một cách bền vững.
Thực hành quản trị nhân lực xanh góp phần ngăn chặn sự suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu, điều này là xu thế tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các quốc gia trên thế giới nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Việc áp dụng quản trị nhân lực xanh trong tổ chức, doanh nghiệp sẽ tạo ra các giá trị kinh doanh bền vững giúp giảm tác động tiêu cực của hoạt động kinh doanh đến môi trường bằng cách tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, giảm lượng rác thải vá khí thải.
Khi doanh nghiệp, tổ chức thực hiện quản trị nhân lực xanh có thể thu hút và giữ chân nhân tài bằng cách xây dựng hình ảnh doanh nghiệp xanh vào thông điệp tuyển dụng, tạo ra môi trường làm việc tích cực, thân thiện với môi trường. Ngoài ra doanh nghiệp có thể tạo lợi thế cạnh tranh bằng cách tạo hình ảnh tích cực, thu hút khách hàng và nhà đầu tư quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường.
Quản trị nhân lực xanh mạng lại cho tổ chức, doanh nghiệp nhiều lợi ích thiết thực không chỉ góp phẩn quản lý hiệu quả, minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh, môi trường được bảo vệ mà còn giúp đội ngũ nhân sự làm việc hiệu quả hơn và năng suất lao động tăng cao.
Lê Quân