Quản lý thuốc lá thế hệ mới: Cần có cách tiếp cận phù hợp
Trước hàng loạt các bất cập đã và đang tồn tại, để giải quyết bài toán quản lý thuốc lá thế hệ mới, theo chuyên gia, hành lang pháp lý cho sản phẩm này cần có cách tiếp cận phù hợp…
Theo đó, Bộ Công Thương dự kiến sẽ đưa thuốc lá thế hệ mới vào đối tượng điều chỉnh của Nghị định thay thế Nghị định số 67/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá, để có hình thức quản lý phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Các phương án được cơ quan này cân nhắc bao gồm, “cấm” hoặc mở cùng lúc cho cả hai loại thuốc lá thế hệ mới, hoặc “cấm” loại này và “mở” loại kia, hoặc chỉ “mở” đối với một số sản phẩm của hai loại này và còn lại là “cấm”.
Thực tế, một khảo sát điều tra tình hình sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh, thành phố vào năm 2020 của Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng tới 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020), đặc biệt tập trung cao ở nhóm tuổi 15 – 24 tuổi.
Trong khi đó, theo khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012, thuốc lá được định nghĩa “là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác”. “Nguyên liệu thuốc lá” theo Điều 2.3 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được định nghĩa là “lá thuốc lá dưới dạng rời, tấm đã sơ chế tách cọng, sợi thuốc lá, cọng thuốc lá và nguyên liệu thay thế khác dùng để sản xuất thuốc lá”.
Như vậy, chiếu theo hai quy định này, thuốc lá thế hệ mới dù là thuốc lá làm nóng hay thuốc lá điện tử có chứa nicotin đều là sản phẩm thuốc lá thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và nên được đưa vào phạm vi điều chỉnh của Nghị định thay thế Nghị định 67/2013/NĐ-CP về kinh doanh thuốc lá. Vì vậy, không có lý do gì đủ thuyết phục để chỉ mở cửa cho thuốc lá làm nóng được kinh doanh trước theo Nghị định thay thế trong khi lại cấm thuốc lá điện tử.
Đặc biệt, nếu thiếu cơ sở pháp lý, lực lượng chức năng cũng sẽ khó có biện pháp quản lý hữu hiệu, hàng hóa vi phạm chỉ có thể xử lý dưới dạng hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, không đủ sức răn đe người vi phạm,… từ đó sẽ tạo cơ hội cho các đường dây buôn lậu tiếp tục hoành hành.
Từ thực tế đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, việc ban hành quy định kiểm soát thuốc lá thế hệ mới có chứa nicotin không chỉ giúp cơ quan quản lý kiểm soát loại hàng hóa đặc biệt này, mà còn giúp người dùng tiếp cận với các sản phẩm được kiểm soát nghiêm ngặt, bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn, giảm thiểu các rủi ro cho sức khỏe. Trong đó, cần thực hiện đồng bộ việc đưa cả thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng vào quy định quản lý.
Theo ông Lê Đại Hải – Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự và kinh tế, Bộ Tư pháp, thuốc lá mới (đặc biệt loại có chứa nguyên liệu thuốc lá) phù hợp với định nghĩa luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 cần đưa vào phạm vi điều chỉnh của Luật hiện hành. Thuốc lá thế hệ mới dù là nung nóng hay dung dịch có chứa nicotin đều là thuốc lá.
Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Chính sách – Pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương – Kiều Dương cho rằng, việc ban hành một khung pháp lý đồng bộ, đồng thời là cần thiết, giúp giải quyết dứt điểm những bất cập hiện nay đối với cả thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, góp phần đẩy lùi tình trạng nhập lậu, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho cơ quan quản lý thị trường.
Được biết, Bộ Công Thương đã có 2 tờ trình về việc ban hành Nghị quyết thí điểm chính sách quản lý đối với các loại hình thuốc lá thế hệ mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương thống nhất với Bộ Y tế về chính sách quản lý đối với các loại hình thuốc lá này.
Cho đến nay, Bộ Công Thương đã có 2 cuộc làm việc với Bộ Y tế và vẫn đang trong quá trình rà soát, thống nhất quan điểm để hoàn thiện chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới.