Quản lý thuế trong kinh doanh vận tải – Đừng để “con sâu làm rầu nồi canh”
Không chỉ bất cập về hành lang pháp lý, hoạt động kinh doanh vận tải còn khiến dư luận chú ý vì những vấn đề về nghĩa vụ thuế, tuy nhiên, theo chuyên gia, đừng để “con sâu làm rầu nồi canh”…
Hiện đang có những luồng ý kiến trái chiều về sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, công bằng trong hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô giữa loại hình truyền thống và xe hợp đồng trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý (sửa đổi Nghị định 10/2020/NĐ-CP). Một trong những vấn đề khiến dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua là công tác quản lý thuế của các đơn vị kinh doanh vận tải.
Theo đó, nhìn nhận về hoạt động của loại hình vận tải hành khách theo phương thức hợp đồng, không ít ý kiến cho rằng, việc “siết chặt” quản lý với loại hình này không chỉ đảm bảo trật tự hoạt động của ngành vận tải hành khách bằng ô tô, mà còn giúp tránh thất thu ngân sách Nhà nước vì sự thiếu minh bạch, bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế.
Thế nhưng, liệu vận tải hành khách theo phương thức hợp đồng có phải “tội đồ” để phải áp dụng biện pháp “siết chặt”, hạn chế hoạt động kinh doanh, loại bỏ ra khỏi hệ thống vận tải, không được thừa nhận?
Không phủ nhận, bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn chân chính, vẫn còn đó không ít cá nhân, tổ chức còn thiếu nghiêm túc, chưa tự giác kê khai, thực hiện nghĩa vụ thuế theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vận tải hành khách nói chung và vận tải hành khách theo phương thức hợp đồng nói riêng đều không phải “tội đồ”, nhất là khi ngành thuế đang đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số, điện tử hóa công tác quản lý thuế. Trong đó, đã tích cực triển khai bản đồ số hộ kinh doanh, doanh nghiệp về công tác công khai thông tin hoạt động kinh doanh theo quy định của Luật Quản lý thuế từ phương thức thủ công trước đây sang phương thức điện tử.
Chưa kể, về công tác quản lý hành trình của các phương tiện tham gia hoạt động vận tải nói chung và vận tải hành khách nói riêng, Nghị định 47/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, từ ngày 01/7/2023, đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải thuộc đối tượng phải lắp camera hành trình theo quy định của Nghị định này, khi tham gia kinh doanh vận tải lần đầu bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera để được cấp phù hiệu, biển hiệu. Những xe kinh doanh vận tải buộc phải lắp camera hành trình bao gồm: Ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên; Ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo.
Với hàng loạt hành lang, chính sách này, hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, trong đó, có vận tải hành khách theo phương thức hợp đồng muốn “né” thực hiện nghĩa vụ thuế cũng khó.
Theo ông Phan Bá Mạnh – CEO Công ty công nghệ An Vui, để quản lý xe hợp đồng, luật pháp đã đủ, cái thiếu là công cụ quản lý. Với xe hợp đồng, đã có quy định hợp đồng điện tử và chủ trương sẽ đẩy loại hợp đồng này lên Cục Đường bộ hoặc Bộ Giao thông vận tải để quản lý.
Với cách làm như vậy, trước khi xe lăn bánh, hợp đồng sẽ được gửi lên Cục Đương bộ, dữ liệu tập trung ở đó. Khi cần kiểm tra chỉ cần quét mã vạch hợp đồng, lập tức truy xuất ngược trở lại máy chủ của Cục Đường bộ, có đủ thông tin hành khách, thời gian xuất bến. Dữ liệu đó sẽ đi kèm dữ liệu hóa đơn điện tử sang bên thuế, doanh nghiệp không thể “né” thuế được.
Liên quan đến vấn đề này, tại một diễn đàn trước đó, bà Tạ Thị Phương Lan – Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế cho biết, hiện chính sách thuế không phân biệt loại hình, theo nguyên tắc tự khai tự nộp, tự chịu trách nhiệm.
“Trong lĩnh vực giao thông vận tải, đối với những xe đã được cấp phù hiệu thì ngành thuế đang quản lý tốt vì có dữ liệu ngành giao thông vận tải. Hiện, việc thu thuế cũng thuận lợi hơn thông qua việc phát hành hóa đơn điện tử, khi áp dụng công nghệ, việc quản lý và thu thuế thuận tiện rất nhiều, gần như thu được 100%. Với lĩnh vực giao thông vận tải, hiện chỉ còn phần thuế thu nhập cá nhân với chủ phương tiện còn một số khó khăn”, bà Lan chia sẻ.
Thực tế, để đảm bảo việc tuân thủ của các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, Cục Thuế tại nhiều tỉnh, thành đã triển khai đến các Chi cục Thuế trực thuộc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý thuế đối với kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, trong đó lưu ý các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh vận tải phải thực hiện đăng ký thuế theo Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, đồng thời phải thực hiện kê khai, nộp lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật. Những trường hợp tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh vận tải nhưng không chấp hành quy định về đăng ký, kê khai, nộp thuế như nêu trên sẽ bị áp dụng các biện pháp chế tài theo quy định của pháp luật tùy theo mức độ sẽ áp dụng các biện pháp hành chính, thậm chí cả xử lý hình sự.
Không chỉ các cơ quan quản lý, mà bản thân các doanh nghiệp vận tải hành khách theo hợp đồng cũng đề xuất, muốn quản lý chặt chẽ vấn đề thuế, tránh thất thu và đảm bảo công bằng giữa các loại hình kinh doanh, nên bổ sung quy định đối với loại hình xe hợp đồng ngoài các quy định hiện hành, trước khi thực hiện chuyến đi, doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải xuất hoá đơn giá trị gia tăng (GTGT) của hợp đồng chuyến đi đó.
Bởi, bản chất của xe hợp đồng trước khi thực hiện chuyến đi giữa bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ đã có thoả thuận về lịch trình, lộ trình, chi phí và ký kết hợp đồng, vậy nên, việc xuất hoá đơn GTGT trước chuyến đi không gặp khó khăn. Trong trường hợp phát sinh, doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoàn toàn có thể xuất bổ sung hoá đơn sau chuyến đi hoặc điều chỉnh hoá đơn theo quy định hiện hành của Luật thuế.
“Việc xuất hoá đơn bắt buộc trước chuyến đi, kèm theo hợp đồng vận chuyển sẽ làm giảm thiểu tối đa tình trạng trốn thuế, đừng để “con sâu làm rầu nồi canh…”, các doanh nghiệp bày tỏ.