Quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc: Cùng gắn bó bền chặt – Hướng tới sự thịnh vượng 100 năm

Chiều 16/12, tại Hà Nội, Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội Hữu nghị Việt – Hàn (VIKOFA) và Tập đoàn truyền thông Herald đã tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc 2022. Sự kiện nhằm hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc (22/12/1992 – 22/12/2022).

Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc: Cùng gắn bó bền chặt - Hướng tới sự thịnh vượng 100 năm
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Việt Nam và Hàn Quốc đã trở thành những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của nhau. Việt Nam là đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc trong ASEAN, chiếm 30% đầu tư Hàn Quốc vào ASEAN và 50% tổng kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc và ASEAN.

Theo chiều ngược lại, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Trung Quốc và Mỹ), với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 đạt 78 tỷ USD. Trong 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam – Hàn Quốc đạt 73,5 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2021. Hàn Quốc cũng là đối tác FDI lớn nhất tại Việt Nam với trên 9.400 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 81 tỷ USD tính đến tháng 10/2022.

Các nhà đầu tư Hàn Quốc hiện diện tại 19/21 ngành kinh tế và 59/63 tỉnh thành, có đóng góp tích cực đến chuyển đổi cơ cấu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tên tuổi các tập đoàn của Hàn Quốc như Samsung, LG, Hyundai, Posco, Lotte… đã trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam là đối tác trọng tâm trong “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của Hàn Quốc.

Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc: Cùng gắn bó bền chặt - Hướng tới sự thịnh vượng 100 năm
Quang cảnh của diễn đàn

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhận định, trước những biến động của tình hình kinh tế, chính trị quốc tế cũng như những xu thế kinh tế lớn hiện nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam nói chung và Quốc hội Việt Nam nói riêng nhận thức rõ tầm quan trọng và cấp thiết của việc điều chỉnh mô hình tăng trưởng, liên kết kinh tế theo hướng bền vững hơn, tự cường hơn, phát huy tối đa nội lực, kết hợp với tối ưu hóa ngoại lực. Luật pháp, chính sách của Nhà nước và định hướng thu hút FDI của Việt Nam hiện nay đang chuyển từ chỉ đơn thuần “thu hút” vốn FDI sang “hợp tác” với các nhà đầu tư nước ngoài trên tinh thần ”lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ”, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Hai nước còn rất nhiều dư địa, tiềm năng để hợp tác bởi nội lực dồi dào của mỗi quốc gia cũng như nhịp chuyển động mạnh mẽ của thời đại CMCN 4.0, của liên kết, hội nhập khu vực sâu sắc và bản sắc văn hóa đặc sắc của hai dân tộc.

“Quốc hội Việt Nam và Chính phủ Việt Nam thông qua việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật sẽ tiếp tục tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc, đáp ứng yêu cầu hội nhập cũng như thông lệ quốc tế trong giai đoạn phát triển mới”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc: Cùng gắn bó bền chặt - Hướng tới sự thịnh vượng 100 năm
Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI phát biểu tại diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI cho biết, chủ đề của diễn đàn “Cùng gắn bó bền chặt – Hướng tới sự thịnh vượng 100 năm” rất có ý nghĩa, với hàm ý hai nước đã viết lên câu chuyện thành công của 30 năm hợp tác, nhưng với tầm nhìn thịnh vượng 100 năm, chúng ta đang có cơ hội và hãy cùng nhau viết tiếp câu chuyện thành công 100 năm, đem lại sự phát triển thịnh vượng lâu bền hàng trăm năm cho 2 đất nước.

Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, Trong quá trình “hướng tới sự thịnh vượng 100 năm”, hai nước sẽ cùng nhau hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2023 và 150 tỷ USD vào năm 2030. Riêng với Việt Nam còn có mốc thời gian là đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam sẽ cần duy trì tốc độ tăng trưởng GDP liên tục 6-7% mỗi năm, đây chính là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam cùng phát triển.

Bà Oh Young Ju – Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam nêu rõ, để thúc đẩy thương mại, đầu tư và giao lưu nhân dân, hiện Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc đang cùng trao đổi về phương pháp hợp tác hướng tới tương lai trong 30 năm tiếp theo, dựa trên thành công của nền tảng quan hệ hai nước trong 30 năm qua.

Ông Kim Han Yong – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) cho biết, hiện đã có gần 9.500 doanh nghiệp Hàn Quốc kinh doanh tại 59/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Các doanh nghiệp này đang là “cầu nối” tích cực, đóng góp vào sự hợp tác hữu nghị giữa hai đất nước, đồng thời duy trì đà phát triển trải dài trong nhiều lĩnh vực và mở rộng trên các địa bàn.

Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc: Cùng gắn bó bền chặt - Hướng tới sự thịnh vượng 100 năm
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại diễn đàn

Trong tương lai, theo ông Kim Han Yong, Việt Nam vẫn là điểm hấp dẫn của nhà đầu tư Hàn Quốc nhờ dân số gần 100 triệu dân và là một mắt xích trong chuỗi cung ứng hàng hoá toàn cầu, nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng ổn định. Đặc biệt, phát huy thế mạnh là cầu nối vững chắc, Korcham sẽ nỗ lực hết sức, nhằm giúp đỡ thiết thực hơn cho cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia trong thời gian tới.

TS. Vũ Tiến Lộc – Đại biểu Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc (VIKOFA) mong muốn Hàn Quốc tiếp tục đi đầu trong làn sóng đầu tư thứ hai vào Việt Nam trong tầm nhìn 30 năm tới. Những lĩnh vực ưu tiên hợp tác đầu tư sẽ bao gồm: Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, xây dựng nền kinh tế thông minh; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ; phát triển công nghiệp văn hóa; phát triển du lịch; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, đặc sản… Cùng với hợp tác kinh tế, hợp tác Việt – Hàn trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, y tế… cần được tiếp tục đẩy mạnh; các hoạt động giao lưu nhân dân, chia sẻ những giá trị văn hoá tinh thần cần được lan tỏa.

Hương Ly – Bùi Liên (Vietnam Business Forum)

Bài Viết Liên Quan

Back to top button