Quản chặt mã vùng trồng để bảo vệ thương hiệu nông sản Việt

Quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói là điểm then chốt trong truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam khi đạt điều kiện xuất khẩu ra thị trường thế giới…

Tuy nhiên, những thông tin cảnh báo từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc về tình trạng vi phạm kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng và một số mặt hàng nông sản xuất khẩu từ Việt Nam khiến nhiều chuyên gia bày tỏ quan ngại. Theo Bộ NN&PTNT, việc buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói dẫn đến tình trạng kiểm soát không hiệu quả các đối tượng kiểm dịch thực vật mà nước nhập khẩu quan tâm và làm gia tăng số lượng các lô hàng vi phạm quy định của Trung Quốc.

Xung quanh câu chuyện này, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trò chuyện với TS Hoàng Xuân Trường – Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam).

Quản chặt mã vùng trồng để bảo vệ thương hiệu nông sản Việt

TS Hoàng Xuân Trường – Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam). Ảnh: Nguyễn Giang

– Thưa Tiến sĩ, vì sao phía Trung Quốc liên tục đưa ra thông tin cảnh báo vi phạm yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với các lô hàng nông sản nêu trên? Phải chăng chất lượng nông sản cũng như các quy trình kiểm tra của chúng ta trước nay còn quá lỏng lẻo?

Theo tôi, việc cảnh báo về vi phạm yêu cầu kiểm dịch thực vật là rất cần thiết, không chỉ riêng thị trường Trung Quốc mà các thị trường nói chung. Việc nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đã vi phạm kiểm dịch hoặc chưa chứng minh được đầy đủ nguồn gốc sản phẩm của mình có nằm trong vùng nguyên liệu đã được cấp mã số vùng trồng, một phần cũng do công tác quản lý kiểm tra, giám sát tại vùng trồng còn lỏng lẻo.

Ý thức của chính các doanh nghiệp và người dân tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm cũng là vấn đề cần lưu tâm. Họ chưa có kế hoạch sản xuất kết hợp với kinh doanh dựa trên thông tin thị trường có được. Hiện nay với công nghệ theo dõi, giám sát tự động từ xa kết hợp với các chỉ số về năng suất, chất lượng sản phẩm đã được cơ quan nhà nước cấp mã vùng trồng thì rất dễ phát hiện ra các sai phạm của các cơ sở đóng gói và xuất khẩu. Ví dụ: Nếu một địa phương được cấp mã số vùng trồng cho một sản phẩm A là 100 ha với năng suất sản lượng tối đa là B kg/ha thì hoàn toàn có thể kiểm tra được việc vi phạm nếu anh xuất bán sang nước bạn với sản lượng (B + C)/ha.

Hơn nữa về phía cơ quan quản lý nhà nước thì lực lượng mỏng, không có đủ thời gian và nhân lực để quản lý từng lô hàng. Hiện các văn bản quy định của nước ta về mã vùng trồng đều rất rõ ràng, minh bạch. Các hộ sản xuất khi được cấp mã vùng trồng đều đã ký các cam kết và được hướng dẫn sử dụng đúng mục đích không cho mượn mã, không lạm dùng để làm ảnh hưởng tới cả chuỗi giá trị chung của cả nước.

Về chất lượng nông sản của ta, theo tôi ngày càng tốt hơn do ý thức của người dân ngày càng được tăng cường, tuy nhiên ở một số nơi khi trồng tự phát không có quy hoạch, chưa tuân thủ quy trình, mua bán không rõ nguồn gốc, cả nể, hám lợi để mua hàng kém chất lượng, số lượng sản phẩm vượt mức so với vùng trồng đã được cấp mã số đó là những nguyên nhân gây nên tình trạng Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã có những cảnh báo và thông báo về việc vi phạm yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với các lô hàng nông sản nêu trên về Bộ NN&PTNT của nước ta.

– Theo ông, việc một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu mạo danh, gian lận mã số vùng trồng để làm thủ tục xuất khẩu nông sản có phải là nguyên nhân dẫn đến sự việc này? Nếu những gian lận nêu trên diễn ra thường xuyên thì hệ lụy sẽ thế nào?

Phải nhắc lại rõ ràng rằng, việc mạo danh, gian lận mã số vùng trồng để trục lợi trong kinh doanh đặc biệt là xuất khẩu là vi phạm pháp luật cần cảnh báo và nghiêm cấm hành vi này. Vì nó ảnh hưởng tới cả ngành hàng và uy tín của những người làm ăn chân chính.

Nếu những gian lận nêu trên diễn ra thường xuyên thì để lại hệ lụy rất lớn, cụ thể:

Thứ nhất là mất đi thị trường tiềm năng mà Đảng và Nhà nước ta cùng các bộ ban ngành đã dày công xây dựng, vun đắp mới có được.

Thứ hai là mất uy tín niềm tin với khách hàng trên toàn thế giới, rất khó mở rộng thêm thị trường mới.

Thứ ba là ảnh hưởng trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp đã và đang làm ăn chân chính, họ có thể bị phá sản và phải đầu tư lại từ đầu với hệ thống cây trồng khác mà không có thị trường…

Quản chặt mã vùng trồng để bảo vệ thương hiệu nông sản Việt

Một vườn sầu riêng tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Ngọc Thương

– Vậy, chúng ta cần phải làm gì để quản lý tốt mã vùng trồng, ngăn chặn tình trạng gian lận, thưa ông?

Để quản ly tốt thì theo tôi cần có giải pháp đồng bộ, đó là có hệ thống quản lý kết hợp giữa nhân lực tại chỗ (xã, huyện, tỉnh) và công nghệ giám sát các vùng nguyên liệu đã được cấp mã số vùng trồng.

Ví dụ: Nếu cả nước có 10 vùng được cấp mã vùng trồng với tổng diện tích 1000 ha sản phẩm chuối đủ điều kiện xuất khẩu, thì cần có một phần mềm quản lý. Các chủ vùng nguyên liệu được cấp mã cần báo cáo kế hoạch cụ thể về quy trình sản xuất, thời điểm thu hoạch, sản lượng, sản phẩm được bán cho ai? ở đâu?… lên Cục BVTV hoặc báo cho Chi cục BVTV tại các tỉnh tập hợp gửi lên Cục. Có như vậy, cơ quan quản lý nhà nước mới nắm được thời điểm nào vùng nào sẽ thu hoạch sản phẩm và thông báo với các nước mà doanh nghiệp nào đó đã mua vùng nguyên liệu đó.

Có nghĩa thông tin cần minh bạch từ vùng sản xuất được cấp mã tới doanh nghiệp sơ chế chế biến, tới doanh nghiệp xuất khẩu, tới nhà nhập khẩu (nước bạn). Việc các chủ hộ, HTX, trang trại hợp tác cung cấp thông tin và báo cáo thường xuyên tới cơ quan quản lý nhà nước cũng chính là hình thức bảo vệ chính mình, bảo vệ cả ngành hàng của nước ta và hạn chế tối đa việc gian lận mã số vùng trồng.

– Để phát triển, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam, cũng như xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho nông sản Việt, ông có kiến nghị gì?

Cũng như nhiều người, tôi mong rằng chúng ta hãy cùng nhau xây dựng được lòng tin, niềm tin vào nhau, vào sự thay đổi nhận thức của cả hệ thống trong đó chủ chốt là các doanh nghiệp đầu tàu đang xuất khẩu, tới người dân sản xuất và chính quyền địa phương. Chúng ta cần bảo vệ được những đơn vị làm ăn chân chính, tạo được uy tín với thế giới.

Cần áp dụng công nghệ vào quản lý các vùng nguyên liệu đã được cấp mã vùng trồng, song song với đó là việc tăng cường tuyên truyền, giám sát từ vùng sản xuất, tới các nơi thu mua, sơ chế, chế biến và xuất khẩu. Các địa phương cũng cần quy hoạch rõ vùng nguyên liệu và thông báo với các đối tác để họ nắm được thông tin.

– Trân trọng cảm ơn ông!

Bài Viết Liên Quan

Back to top button