POW lùi để sáng
Công cuộc chuyển dịch sang năng lượng tái tạo khiến Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power, HoSE: POW) phải chấp nhận lùi một bước để tìm đường tiến xa hơn.
Cổ phiếu POW trong mấy phiên vừa qua vẫn trồi sụt xen kẽ hoặc “bật chế độ” xanh lá quanh ngưỡng 12.850 đồng – 13.3000 đ/cp. POW đang khó bật xa ngay trong ngắn hạn dù có thông tin tích cực vừa công bố.
Tin tốt nhưng… cũ
Theo báo cáo tài chính có kiểm toán, POW ghi nhận doanh thu điều chỉnh giảm hơn 10 tỷ đồng trong khi tổng chi phí điều chỉnh giảm hơn 255 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Kết quả, lợi nhuận trước và sau thuế của POW được điều chỉnh tăng thêm lần lượt 245 tỷ và 230 tỷ đồng sau kiểm toán.
Giải trình nguyên nhân, POW cho biết có sự chênh lệch trước và sau kiểm toán chủ yếu là do thay đổi về lợi nhuận của CTCP Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2). Trước đó, NT2 đã đính chính báo cáo tài chính quý 4/2022 với điều chỉnh lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán tăng gấp 27 lần lên 160 tỷ đồng nhờ giảm 198 tỷ đồng khoản mục trích lập dự phòng phải thu khó đòi. Do POW đang là cổ đông chi phối nắm giữ gần 60% cổ phần tại NT2, nên các kết quả hợp nhất từ công ty này sẽ bị thay đổi nếu công ty thay đổi.
Theo một chuyên gia, sở dĩ thị trường không phản ứng tích cực với thông tin nói trên của POW do: Thứ nhất, việc doanh nghiệp “kém” tiên liệu về kết quả kinh doanh khiến nhiều nhà đầu tư thu lợi hoặc chịu thiệt, đây không phải là lần đầu.
Thứ hai, những kết quả tích cực của POW năm 2022 đã được nhà đầu tư hưởng ứng từ trước, với cổ phiếu POW đã có quãng tăng không rộng nhưng dần đều tính trong 1 tháng và 3 tháng qua kể từ cuối 2022 (ở mức giá 10.900đ/cp) đến nay.
Cửa sáng tạm hẹp ở 2023
Khi trao đổi về kế hoạch kinh doanh cả năm 2023, Tổng Giám đốc POW Lê Như Linh nhấn mạnh, nếu các điều kiện về nhu cầu phụ tải, giá thị trường và nhiên liệu đầu vào… cho phép, POW đặt mục tiêu phấn đấu sản lượng điện năm 2023 là 17 kWh. Đây là nhiệm vụ khó khăn đối với Tổng Công ty trong bối cảnh các xung đột địa chính trị còn diễn biến phức tạp. Cùng với đó, lãi suất còn ở mức cao, làm tăng chi phí tài chính của các nhà máy.
Một nghịch lý là trong khi POW đặt chỉ tiêu kế hoạch doanh thu toàn tổng công ty rất cao 30.322 tỷ đồng (tổng doanh thu và thu nhập năm 2022 đạt được là 28.790 tỷ đồng), nhưng chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế lại rất thấp, chỉ 1.277 tỷ đồng so với kết quả ghi nhận 2.809 tỷ đồng.
POW dường như đã tiên liệu các khó khăn năm 2023, bao gồm các kế hoạch sửa chữa, đại tu và trung tu nhiều nhà máy như Nhà máy điện Cà Mau 2, Nhà máy điện Nhơn Trạch 1, Nhà máy điện Nhơn Trạch 2, Nhà máy điện Hủa Na… và “tính sẵn” về chi phí sản xuất tăng do chi phí bảo dưỡng sửa chữa tăng, trong khi vẫn để doanh thu cao phản ánh nhu cầu và sản lượng của các nhà máy?
Đáng chú ý trong các kế hoạch 2023, POW cũng đặt mục tiêu nghiên cứu, triển khai các dự án năng lượng tái tạo khi có hiệu quả. Được biết, cạnh tranh với năng lượng tái tạo vẫn luôn đòi hỏi POW và nhóm các công ty con có hướng đi chuẩn bị từ sớm.
Với năng lực tài chính mà Fitch Ratings xếp hạng tín nhiệm quốc tế năm thứ 2 liên tiếp ở mức “BB” với triển vọng tích cực tại cuối 2022, POW sẽ có cơ hội huy động vốn quốc tế cho các dự án đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Tuy nhiên, công cuộc chuyển dịch năng lượng khiến POW sẽ phải chấp nhận lùi một bước để tìm đường tiến xa hơn.