Phúc Sinh Group được định giá 320 triệu USD, lần đầu nhận vốn quỹ ngoại
Sau hơn 20 năm kinh doanh, trở thành 1 tập đoàn xuất khẩu nông sản hàng đầu với doanh thu 6.000-7.000 tỉ đồng, năm 2024 đánh dấu cột mốc Phúc Sinh Group lần đầu mở cửa đón vốn ngoại.
Phúc Sinh là công ty đầu tiên tại Việt Nam và cả trong khu vực Châu Á được quỹ đầu tư đến từ Châu Âu này đầu tư trực tiếp. Ông Phan Minh Thông, nhà sáng lập – Chủ tịch Phúc Sinh Group, chia sẻ cùng DĐDN về sự kiện.
Chọn đối tác với tầm nhìn “đúng” về triển vọng Việt Nam
– Thưa ông, vì sao ở thời điểm hiện nay, ông quyết định nhận vốn đầu tư từ nước ngoài?
Ông Phan Minh Thông: Sau 22 năm thành lập và phát triển, chúng tôi đã xây dựng được một hệ thống hoạt động hiệu quả ở cả trong nước và quốc tế. Đặc biệt, chúng tôi định hướng, xây dựng phát triển bền vững ngay từ đầu. Bên cạnh các chứng nhận, chứng chỉ về phát triển bền vững, Phúc Sinh là một trong những công ty đi đầu về ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị). Tất nhiên, chúng tôi phát triển hệ thống nhà máy, nhân sự – nền tảng cứng, “phần cứng” để thích ứng trong mọi bối cảnh và ngày càng tăng tốc đột phá hiệu quả hơn. Ở phía “phần mềm”, Phúc Sinh với những kinh nghiệm kinh doanh quốc tế suốt 22 năm qua, nếu có cơ hội, đầu tư tốt, chúng tôi cho rằng Phúc Sinh sẽ đột phá lên tầm cao mới. Đó cũng là lý do mà chúng tôi quyết định nhận vốn đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài.
– Ông đặt mục tiêu, tham vọng gì từ việc hợp tác đầu tư này?
Tôi muốn chia sẻ một câu chuyện như thế này: Với ngành nông nghiệp, chúng tôi đã rất sáng tạo và mang đến nhiều cảm hứng làm mới, vượt thoát mọi cách thức cũ cho ngành hàng Tiêu, Cà Phê nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung. Có thể nói, chúng tôi vượt ra khỏi ranh giới hay là vượt ra khỏi những giới hạn ban đầu từ một công ty tư nhân nhỏ để phát triển mạnh mẽ lên.
Trong giai đoạn Phúc Sinh bắt đầu phát triển mạnh mẽ khoảng 13 năm gần nhất, có rất nhiều các tập đoàn, công ty là các công ty tài chính như ngân hàng đầu tư tiếp cận với Phúc Sinh. Chúng tôi cũng chào đón để làm việc, tìm hiểu nhưng thực sự chưa chọn được đối tác phù hợp. Tuy nhiên gần đây, chúng tôi đã gặp được một đối tác mà cả 2 bên đều cảm thấy tương đồng về tầm nhìn, mục tiêu và đặc biệt sự tham gia của họ có thể hỗ trợ Phúc Sinh thêm cơ hội phát huy cả “phần cứng” lẫn “phần mềm” đang được các bên đánh giá rất cao của chúng tôi.
Và một trong những điều mà tôi nhận thấy, cảm thấy rất được khích lệ là khi trao đổi với tổ chức đầu tư này thì họ nói rằng là các công ty nông nghiệp của Việt Nam chưa được đánh giá xứng tầm; hay nói cách là bị đánh giá rất là rẻ so với các công ty của Thái Lan, Malaysia, Indonesia, thậm chí là Philippines…. Các công ty nông nghiệp ở các nước Đông Nam Á này được đánh giá giá trị rất cao. Trong khi đó, Việt Nam làm một là vựa nông nghiệp của thế giới mà lại bị đánh giá rất thấp. Chính chia sẻ này giúp tôi củng cố niềm tin về một đối tác tin cậy, đánh giá được đúng tiềm năng của nông nghiệp Việt Nam nói chung, Phúc Sinh nói riêng.
Cùng với đó, khi bắt tay hợp tác thực sự, tổ chức đầu tư này định giá Phúc Sinh Group (không bao gồm giá trị của các Công ty thành viên) là khoảng 320 triệu USD và dự phóng sẽ còn tăng giá trong nay mai. Đây là định giá khiến tôi hài lòng.
“Đòn bẩy” nâng tầm giá trị mới
– Thưa ông, việc mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường và mặt hàng kinh doanh thường đi liền với việc tăng chi phí làm khó kiểm soát chất lượng đầu ra và đầu vào. Phúc Sinh sẽ làm gì để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, phát triển bền vững và sản xuất xanh?
Phải nói rằng Phúc Sinh đã xây dựng hệ thống phần mềm, xây dựng hệ thống số quản trị từ rất lâu và chúng tôi luôn cập nhật, cải tiến để phù hợp với các vấn đề trong phát triển hiện tại. Cho nên với các yêu cầu mới, đặc biệt yêu cầu xanh và chuẩn xanh, tuy là khó khăn trong một mặt bằng/ bối cảnh kinh doanh chung vẫn chỉ mới bắt đầu chạy đua cùng ESG, nhưng Phúc Sinh chắc chắn có đủ nền tảng, hệ thống để quản trị tốt.
Trên thực tế hệ thống khách hàng của chúng tôi rất đa dạng trên toàn thế giới. Với thị trường quen thuộc tại 102 quốc gia, chúng tôi đáp ứng mọi yêu cầu và sẵn sàng vượt mọi rào cản kỹ thuật từ mỗi thị trường khác nhau. Cùng với đó, chúng tôi luôn luôn nỗ lực, cố gắng trong vấn đề quản trị cải tiến công việc sản xuất kinh doanh sao cho phù hợp với xu hướng thế giới. Bởi vì xu hướng thế giới là luôn thay đổi, nên Phúc Sinh cũng không ngừng đầu tư để thay đổi, cải tiến.
Nhìn lại quãng đường 22 năm qua với quyết định nhận vốn đầu tư lần này, đối với tôi đây là một việc tín hiệu tích cực trong việc phát triển và là “đòn bẩy” để Phúc Sinh nhảy vọt, nâng tầm giá trị ở tầm vóc mới. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiến tạo bước phát triển khác biệt mới trong tương lai.
– Lâu nay chúng ta hay nói tới chuyện liên kết chuỗi giá trị, nhưng hầu như việc này còn khá hình thức và chủ yếu liên kết với các tác nhân ở thị trường trong nước. Ông có nghĩ rằng việc liên kết, bắt tay với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài sẽ là “trend” (xu hướng) của ngành nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới?
Phúc Sinh luôn đi đầu các xu hướng nông nghiệp, hay ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, trong kinh doanh… Với cuộc bắt tay hợp tác đón vốn đầu tư, tôi nghĩ rằng việc liên kết, bắt tay với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài là một bài học tuyệt vời trước hết trong vấn đề định giá công ty. Bởi vì có rất nhiều công ty nông nghiệp mà khi nhìn thấy Phúc Sinh với mức định giá 320 triệu USD, họ cũng có thể tự tin hơn rằng cái size (hay quy mô) của họ cũng không phải là thua kém lắm. Hay là nếu “hình thức, nội dung” của họ, ở khía cạnh nào đó có thể cải tiến tốt hơn thì họ cũng có thể thay đổi, để nâng định giá doanh nghiệp tốt hơn. Tôi cho rằng đấy cũng là một tín hiệu tốt, một xu hướng tốt và một cảm hứng lớn cho ngành.
Vấn đề thứ hai, tôi nghĩ rằng ngành nông nghiệp Việt Nam đang rất đang phát triển rất dữ dội và họ đang chuyển mình, chúng ta cũng cần tiếp tục phát triển hơn nữa. Do đó, nếu có sự hợp tác với các đối tác ở nước ngoài thì cũng là cơ hội, xu hướng tốt mà chúng ta cần nắm bắt. Việt Nam hiện tại là một “địa chỉ” rất được chú trọng sau đại dịch, đặc biệt cho vấn đề lương thực và nơi cung cấp lương thực hay là các thực phẩm cho rất nhiều nước trên thế giới. Nếu liên kết, bắt tay với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài trở thành xu hướng mạnh mẽ, thì câu chuyện/ điều kiện thúc đẩy các yếu tố sản xuất, chế biến sâu, phát triển bền vững đều sẽ tốt hơn, sẽ rất tốt cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
– Ông đánh giá thế nào về tiềm năng đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam?
Đó là cơ hội lớn. Hiện tại, nước ngoài đầu tư vào Việt Nam rất nhiều, nhưng tôi nghĩ rằng hiện tại lẫn trong tương lai, đó sẽ còn là cơ hội lớn hơn nữa. Bởi các nhà đầu tư nước ngoài muốn rót vốn vào ta vì rất nhiều nguyên nhân, trong đó ESG là tiêu chí đầu tiên để họ chọn các công ty. Đặc biệt là các công ty nông nghiệp. Cùng các yếu tố như Việt Nam đã ký kết hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTAs), tạo điều kiện cho vốn đầu tư nước ngoài vào ta, cũng như điều kiện hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam; cộng hưởng là các chính sách “xây tổ đón đại bàng”, các ưu đãi thuế, lợi thế lao động.v.v, tôi nghĩ rằng sẽ có làn sóng lớn đầu tư vào ngành nông nghiệp.
– Ra biển lớn thì sóng lớn, Phúc Sinh phòng ngừa rủi ro như thế nào, thưa ông?
Phúc Sinh đã bán hàng khắp nơi trên thế giới nhiều năm, mặt hàng chuyển khẩu rồi kinh doanh quốc tế nhiều năm rồi chứ không phải một năm và chúng tôi bán ở các thị trường lớn như là Châu Âu với Hamburg, Rotterdam, Châu Mỹ với New York… Chúng tôi bán hàng qua các cảng lớn ở Trung Đông như Dubai nhiều năm qua. Chúng tôi cũng gặp rất nhiều các công ty đa quốc gia lớn kinh doanh cạnh tranh, không những ở nước ngoài mà tại Việt Nam… Thị trường càng rộng, chúng tôi càng trang bị kinh nghiệm, kiến thức thực tế rất nhiều.
Tất nhiên là kinh doanh thì phải luôn học hỏi, luôn luôn update (cập nhật) những cái mới, kể cả từ hệ thống phần mềm đến hệ thống kinh doanh, buôn bán… Phúc Sinh luôn nhận thấy rằng là mình luôn phải học hỏi nhưng chúng tôi cũng rất tự tin trong vấn đề phát triển kinh doanh ra thế giới, vì chúng tôi có nền tảng tốt và đặc biệt “hậu thuẫn” cho chúng tôi là quê hương, là đất nước, là sự đa dạng và phong phú sản vật, sản phẩm nông sản. Phải nói là Việt Nam là một nguồn cung cấp lớn cho cả thế giới, phong phú cả về số lượng lẫn chất lượng. Đất nước chúng ta từng được ví là “bếp ăn” của thế giới, và cũng có thể nói rộng hơn, là “vựa” lương thực – thực phẩm của thế giới. Do đó, trở thành một trong những thương hiệu từ Việt Nam đi khắp 5 châu, đối với Phúc Sinh, càng ra biển, chúng tôi càng tự tin hội nhập.
– Trân trọng cảm ơn Ông đã chia sẻ!