Phú Thọ: Đảm bảo mọi hoạt động thông suốt phục vụ người dân và doanh nghiệp
Ngay sau khi sáp nhập 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình thành tỉnh Phú Thọ mới, lãnh đạo tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt đảm bảo hiệu quả hoạt động của bộ máy nhằm phục vụ thông suốt hoạt động của người dân và doanh nghiệp.
Mở ra cơ hội phát triển rộng lớn hơn
Tại Kỳ họp đầu tiên HĐND tỉnh Phú Thọ mới ngày 1.7, ông Trần Duy Đông – Chủ tịch UBND tỉnh đã phát biểu nhận nhiệm vụ, khẳng định sẽ chung sức, đồng lòng để tỉnh thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của tỉnh và Trung ương, xây dựng hệ thống chính quyền từ tỉnh đến cơ sở ngày càng vững mạnh, hiệu quả, hiệu lực, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh Phú Thọ.
Ông Đông nhấn mạnh : việc hợp nhất của 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Hòa Bình đã hình thành một chỉnh thể thống nhất về hành chính – kinh tế – xã hội với quy mô lớn hơn; hòa quyện về không gian địa lý, lịch sử, văn hóa, dân cư và cơ cấu kinh tế; tích hợp nhiều động lực, bổ sung đa dạng tiềm năng, nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển. Tỉnh Phú Thọ mới với không gian rộng mở, lợi thế lớn hơn, đa dạng hơn, tiếp giáp với nhiều địa phương nhất trong cả nước, trong đó có Thủ đô Hà Nội; hệ thống giao thông được kết nối rộng mở rộng liên vùng, quy mô kinh tế đạt hơn 354 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 6/34 tỉnh của cả nước, diện tích 9.361km2, đứng thứ 15 cả nước; dân số trên 4 triệu người, đứng thứ 7; thu ngân sách đứng thứ 11 cả nước… Nhiều dư địa mới cho phát triển được mở ra tạo điều kiện thuận lợi hơn cho xây dựng tỉnh Phú Thọ trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, logistics, năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững, du lịch cội nguồn, du lịch sinh thái; trung tâm tổ chức các sự kiện của quốc gia và quốc tế; có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao; lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế tư nhân làm động lực và nguồn lực chủ yếu cho tăng trưởng.
Tuy nhiên, sau hợp nhất, địa giới hành chính của tỉnh tương đối rộng, địa hình chủ yếu là đồi núi, có sự chia cắt; chất lượng tăng trưởng và thu ngân sách Nhà nước chưa thực sự bền vững; khu vực kinh tế tư nhân còn yếu; mức độ phát triển, đời sống Nhân dân giữa các vùng miền còn có sự chênh lệch; kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ; cùng với đó là những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình kinh tế, chính trị thế giới, những khó khăn chung của nền kinh tế trong nước, những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, dịch bệnh… sẽ là những thách thức đối với quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển của tỉnh trong thời gian tới. Chủ tịch nêu giải pháp vận hành thật tốt mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Người dân đến giải quyết thủ tục tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường PhúThọ
Trang bị cơ sở hạ tầng tốt
Tại hội nghị giao ban giữa Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ tịch Trần Duy Đông chỉ đạo: khẩn trương trong việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, mức độ sẵn sàng, khả năng kết nối liên thông và vận hành hiệu quả của các hệ thống thông tin dùng chung gồm: Hệ thống hội nghị trực tuyến, Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính nhằm phát hiện khó khăn, vướng mắc để có những biện pháp chỉ đạo khắc phục kịp thời và đưa vào hoạt động chính thức từ ngày 1/7/2025.
Văn phòng UBND tỉnh cho biết: tình hình tổ chức và hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính sau khi đi vào thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp. Theo đó, để đảm bảo vận hành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp được thực hiện thông suốt ngay từ ngày đầu tiên hợp nhất 3 tỉnh, UBND tỉnh đã khẩn trương trong việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, mức độ sẵn sàng, khả năng kết nối liên thông và vận hành hiệu quả của các hệ thống thông tin dùng chung gồm: Hệ thống hội nghị trực tuyến, Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính nhằm phát hiện khó khăn, vướng mắc để có những biện pháp chỉ đạo khắc phục kịp thời và đưa vào hoạt động chính thức từ ngày 1/7/2025. Cơ bản các hệ thống đã được hình thành và vận hành, thực hiện vận hành thử nghiệm vào sáng 29/6/2025. Văn phòng UBND tỉnh đã liên tục cập nhật các quyết định của các Bộ, ngành Trung ương, chủ động đôn đốc, phối hợp với các Sở, ngành của tỉnh trình Chủ tịch UBND tỉnh công bố các thủ tục hành chính áp dụng trên địa bản.
Hiện nay, các Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình (cũ) vẫn đang hoạt động ổn định và được giữ nguyên tại vị trí cũ để tiếp nhận và trả kết quả cho công dân theo từng khu vực. Các xã đã có Trung tâm Phục vụ hành chính công. 148/148 xã đã bố trí đủ cán bộ, công chức để làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công; trong đó có xã bố trí các công chức thuộc các phòng chức năng đến Trung tâm để tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả.
Đến ngày 30/6/2025, VNPT đã cơ bản cấu hình Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh Phú Thọ (mới) và triển khai vận hành từ ngày 1/7/2025; thiết kế các chức năng phù hợp thuận tiện cho tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tuyến và cán bộ công chức thao tác xử lý. Bên cạnh đó vẫn duy trì Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc (cũ) để tra cứu và xử lý đối với các hồ sơ chưa hoàn thành, còn phải chỉnh sửa,…
Về đường truyền, đến nay VNPT và Viettel Phú Thọ đã nâng cấp tăng dung lượng Internet, cơ bản đảm bảo đường truyền hệ thống thông suốt. Về công bố, công khai TTHC: Tổng số TTHC trước khi sáp nhập là 1.879 thủ tục; trong đó, 1.495 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết cấp tỉnh; 268 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết cấp huyện; 116 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết cấp xã. Tổng số TTHC sau khi sáp nhập là 2.217 thủ tục, trong đó: 1.812 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh; 405 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã.
Tính đến nay đã ban hành 36 Quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính được phân cấp, phân quyền theo 28 Nghị định của Chính phủ, với 1.490 thủ tục được áp dụng trên địa bàn tỉnh, đảm bảo hoàn thành 100% Quyết định công bố của Bộ, ngành Trung ương.
Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính sau khi đi vào thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp còn một số khó khăn, vướng mắc như: Nhiều địa bàn cấp xã tại vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn; trang thiết bị đã được trang bị xong chất lượng chưa đảm bảo; hầu hết công chức được bố trí từ cấp xã lên do vậy, trình độ sử dụng công nghệ thông tin còn thấp, việc sử dụng Hệ thống thông tin giải quyết TTHC còn hạn chế…
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông giao các Phó Chủ tịch UBND tỉnh căn cứ lĩnh vực phụ trách, tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ, đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Thọ thông suốt, hiệu quả, tạo điều kiện cho mọi hoạt động của người dân và doanh nghiệp được thông suốt, hiệu quả.
Hiền Nam