Phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp phải ứng phó thế nào?
Kinh tế toàn cầu gặp khó khăn khiến nhiều nước gia tăng bảo hộ hàng hóa trong nước nhằm hỗ trợ sản xuất nội địa, trong đó có việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trong thời gian gần đây…
Theo một số liệu của các cơ quan chức năng cho thấy, số lượng các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang tăng nhanh. Trong năm 2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với 12 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại; lũy kế đến hết năm 2023 là hơn 235 vụ việc.
Theo các chuyên gia, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam ngày càng đi vào chiều sâu, với việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Theo đó, các hiệp định thương mại tự do đã giúp Việt Nam đạt được những thuận lợi hơn trong xuất khẩu hàng hóa và mở rộng thị trường. Tuy nhiên, chính từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu, nhiều mặt hàng của Việt Nam đã tạo ra sức cạnh tranh lớn tại thị trường nước nhập khẩu, khiến ngành sản xuất tại các nước này đề nghị Chính phủ của họ điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Chia sẻ về nội dung này, TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, việc bị áp thuế phòng vệ thương mại sẽ dẫn tới giá xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam tăng lên đáng kể, làm giảm sức cạnh tranh so với hàng hóa từ các thị trường không bị áp thuế khác. Mặt khác, các mức thuế cao đánh vào các sản phẩm của Việt Nam ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của doanh nghiệp và có thể kéo dài trong nhiều năm.
Trong nhiều trường hợp, mức thuế quá cao có thể khiến doanh nghiệp phải từ bỏ thị trường. Thậm chí, trong trường hợp khả quan, khi bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với mức thuế thấp, một số doanh nghiệp vẫn có thể duy trì được thị trường xuất khẩu, tuy nhiên, xuất khẩu có thể không gia tăng như kỳ vọng, hay nói cách khác, biện pháp phòng vệ thương mại sẽ kìm hãm tốc độ gia tăng xuất khẩu, cản trở việc mở rộng thị phần. Ngoài ra, việc bị kiện phòng vệ thương mại sẽ khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với những thủ tục phát sinh làm hao tốn thời gian và nguồn lực…
Để ứng phó với phòng vệ thương mại, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – cho rằng, các doanh nghiệp cần nâng cao hiểu biết về công cụ phòng vệ thương mại và kỹ năng sử dụng công cụ này. Cũng theo bà Trang, các doanh nghiệp cần phải luôn duy trì hệ thống kế toán minh bạch, chặt chẽ và phù hợp.
“Bởi các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đòi hỏi việc cung cấp các số liệu, bằng chứng về chi phí sản xuất hàng hóa, các giấy tờ giao dịch liên quan của các lô hàng trong giai đoạn điều tra (thường là trong vòng 1 năm liền trước vụ kiện), mà khi vụ kiện đã xảy ra thì doanh nghiệp không thể quay trở lại để sắp xếp”, bà Trang lý giải.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Thu Trang cũng cho biết, do khối lượng công việc phải làm, các chứng từ số liệu phải cung cấp trong các vụ điều tra phòng vệ thương mại thường rất lớn, trong khi thời hạn tố tụng lại rất ngắn.
“Do đó, doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi các hệ thống cảnh báo về nguy cơ phòng vệ thương mại để chuẩn bị trước từ sớm. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chuẩn bị trước về nguồn nhân lực, vật lực cho các vụ kiện phòng vệ thương mại, bởi các vụ kiện ở nước ngoài thường rất tốn kém tiền của, công sức, do đó cần sự đầu tư sẵn sàng”, bà Trang nói.
Ở một góc nhìn khác để bảo vệ doanh nghiệp, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Lee và Cộng sự cho rằng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước về phòng vệ thương mại để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các cam kết quốc tế, phù hợp với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và đảm bảo lợi ích của nền kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Bên cạnh đó, nữ chuyên gia cũng cho rằng, cần tăng cường năng lực của cơ quan điều tra phòng vệ thương mại để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, tương xứng với xu hướng gia tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, qua đó nhằm hỗ trợ hiệu quả các ngành sản xuất trong nước.
“Đồng thời, tăng cường củng cố cơ chế phối hợp liên ngành trong lĩnh vực phòng vệ thương mại nhằm đáp ứng yêu cầu về công tác phòng vệ thương mại trong bối cảnh mới, hỗ trợ xử lý các vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam”, luật sư Lê Thị Nhung nói.