Phát triển nông nghiệp hữu cơ trong bối cảnh Việt Nam hiện nay

Mới đây, Đại sứ quán Italy tại Việt Nam và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội thảo “Phát triển nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sinh thái tại Việt Nam”.

Hội thảo nhằm cung cấp các thông tin về hiện trạng, định hướng và những thách thức trong quá trình chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm tại Việt Nam, từ đó nhận diện các cơ hội thúc đẩy nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ trong bối cảnh Việt Nam hiện nay
Hội thảo được tổ chức ngày 5/12 tại Hà Nội trong khuôn khổ Tuần lễ Ẩm thực Italy tại Việt Nam 2024

Tại Việt Nam, ngành nông nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng với các hiện tượng cực đoan như hạn hán, lũ lụt và xâm nhập mặn thường xuyên diễn ra, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề tại Đồng bằng sông Cửu Long – vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm. Xâm nhập mặn làm giảm diện tích canh tác lúa và đe dọa sinh kế của người dân.

Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn khi phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế khắt khe như GlobalGAP, Organic. Áp lực cạnh tranh từ các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ và Trung Quốc buộc các doanh nghiệp và người nông dân Việt Nam phải không ngừng cải thiện chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa chi phí sản xuất. Diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm do quá trình đô thị hóa nhanh chóng, kéo theo sự thiếu hụt lao động nông nghiệp và yêu cầu cấp thiết cho các mô hình sản xuất bền vững.

Trước bối cảnh đó, nông nghiệp sinh thái (NNST) đang nổi lên như một giải pháp quan trọng, các mô hình nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn và thuận thiên được chú trọng nhằm bảo đảm năng suất mà vẫn bảo vệ môi trường. Sự chuyển đổi này đang mở ra cơ hội để các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường quốc tế.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ trong bối cảnh Việt Nam hiện nay
Phó Đại sứ Thuỵ Sỹ tại Việt Nam Aldo de Luca khẳng định: Thụy Sỹ cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc thúc đẩy nền nông nghiệp hữu cơ và chuyển đổi nông nghiệp sinh thái. Các chương trình hợp tác sẽ giúp tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ đa dạng sinh học. Thụy Sỹ tin tưởng rằng sự hợp tác này sẽ đạt được những thành công nhất định và trở thành nền tảng cho hợp tác trong tương lai.

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi này, ngày 28/3/2023, Chính phủ Việt Nam đã banh hành Quyết định số 300/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030, với cam kết giải quyết đồng thời các vấn đề an ninh lương thực, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Nhờ vậy, trong những năm qua lượng xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam có xu hướng tăng. Tổng sản lượng sản phẩm hữu cơ Việt Nam xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) năm 2023 là 12.471 tấn, tương ứng với 0,5% tổng lượng nhập khẩu vào EU cho thấy dư địa mở rộng thị trường này còn rất lớn. Các sản phẩm hữu cơ của Việt Nam nhập khẩu vào EU gồm: Tiêu và gia vị, quế, hạt khô, hạt điều, bơ, bột cacao, gạo, dầu dừa…

Phát triển nông nghiệp hữu cơ trong bối cảnh Việt Nam hiện nay
Chia sẻ tại hội thảo, ông Renzo Moro, chuyên gia nông nghiệp của Đại sứ quán Italy tại Việt Nam cho biết: Các quy định mới của EU sẽ đặt ra những thách thức đối với các nước thứ ba như Việt Nam. Từ năm 2025 trở đi, các nước này cần phải điều chỉnh và tích hợp các hoạt động thương mại hữu cơ để duy trì quyền tiếp cận thị trường châu Âu. Để hỗ trợ Việt Nam trong việc tuân thủ các quy định mới, các chuyên gia từ Italy sẽ tập trung vào các quy trình xuất khẩu sang thị trường châu Âu và chia sẻ những thực hành tốt nhất tại Italy.

Tại thị trường Italy, lượng sản phẩm hữu cơ nhập khẩu từ Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2023 đã tăng hơn 3,5 lần. Nếu như năm 2020 lượng sản phẩm hữu cơ nhập khẩu là 61,2 tấn thì năm 2023 đã tăng lên 278,4 tấn.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ trong bối cảnh Việt Nam hiện nay
Theo bà Bùi Mỹ Bình, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Việt Nam sẽ tập trung vào tăng cường khả năng thích ứng của ngành nông nghiệp với biến đổi khí hậu, thông qua áp dụng nông nghiệp sinh thái, quản lý tài nguyên bền vững; giảm tổn thất và lãng phí thực phẩm trong quá trình sản xuất, phân phối và tiêu dùng; đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp.

Với sự hỗ trợ của FAO, ngày 15/11/2024, Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp đã ký thỏa thuận tổ chức hội thảo về nông nghiệp hữu cơ, tương tác chính sách khoa học và chuyển đổi nông nghiệp sinh thái tại Việt Nam. Hội thảo không chỉ là diễn đàn trao đổi kiến thức và kinh nghiệm quốc tế mà còn là cơ hội đề xuất các giải pháp thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển bền vững của nông nghiệp Việt Nam.

Lê Quân

Bài Viết Liên Quan

Back to top button